Trong cuộc chiến chống virus Corona, nhân loại đang thiếu người lãnh đạo cao nhất
Vì sự tồn vong của nhân loại, vì sự sống của chính bản thân chúng ta, mọi người trên thế giới hãy đoàn kết lại.
Bài viết dưới đây được chúng tôi dịch lại từ bài báo "In the Battle Against Coronavirus, Humanity Lacks Leadership" (tạm dịch: Trong cuộc chiến chống virus Corona, nhân loại đang thiếu người lãnh đạo) đăng trên Tạp chí Time. Tác giả bài viết là Yuval Noah Harari, một nhà sử học, triết gia và tác giả các sách bán chạy nhất gồm Sapiens, Homo Deus và 21 bài học cho thế kỷ 21. Mời quý độc giả đón đọc.
Nhiều người đã chỉ trích toàn cầu hóa là một trong những nguyên nhân gây ra đại dịch Covid-19 và cho rằng cách duy nhất để chống những đại dịch như vậy diễn ra là từ bỏ quá trình này. Điều đó cũng tương đương với việc dựng lên những bức tường chắn dọc biên giới, hạn chế đi lại, giảm giao thương…
Trong ngắn hạn, việc cách ly là cần thiết để ngăn chặn đại dịch, nhưng về dài hạn nó lại dẫn đến sự đổ vỡ về kinh tế mà chẳng đem lại sự an toàn thực sự nào trước các mầm bệnh. Trên thực tế, liều thuốc giải thực sự cho các đại dịch không phải là bế quan tỏa cảng, mà lại chính là sự hợp tác, toàn cầu hóa giữa các quốc gia.
Ngược dòng lịch sử, rất nhiều đại dịch đã xảy ra trong xã hội loài người, từ rất lâu trước khi toàn cầu hóa diễn ra. Trong thế kỷ thứ 14 khi chưa có máy bay và tàu du lịch, nạn dịch hạch (hay còn được gọi là "Cái chết đen"- Black Death) đã tàn phá từ Tây Âu sang Đông Á trong hơn 10 năm.
Căn bệnh này đã giết chết 75-200 triệu người trên toàn thế giới trong hơn 1 thập niên. Khoảng 60% dân số Châu Âu đã thiệt mạng. Tổng dân số toàn cầu trong năm 1400 đã giảm mạnh từ 450 triệu xuống chỉ còn 350 triệu người.
Trại chữa bệnh cúm 1918
Tại những vùng dịch nặng như Anh, cứ 10 người thì có 4 người chết vì dịch hạch. Trong khi đó ở những thành phố như Florence ở Italy, khoảng 100.000 người đã thiệt mạng vì căn bệnh này.
Vào tháng 3/1520, một bệnh nhân đậu mùa tên là Francisco de Eguia đến Mexico. Khi đó, vùng Trung Mỹ rất lạc hậu và chưa có tàu hỏa, xe buýt hay các phương tiện giao thông để lan truyền dịch bệnh rộng khắp. Thế nhưng đến tháng 12 cùng năm, cơn đại dịch đậu mùa đã lan ra khắp Trung Mỹ, giết chết 1/3 dân số của khu vực này.
Năm 1918, một dịch cúm đã lan tràn chỉ trong vài tháng đến khắp nơi trên thế giới. Khoảng nửa tỷ người, tương đương hơn 1/4 tổng dân số thế giới khi đó đã nhiễm bệnh. Dịch cúm này, với tên gọi "Cúm Tây Ban Nha"- Spanish Flu, đã giết chết khoảng 5% dân số Ấn Độ, 14% dân số đảo Tahiti, 20% dân số đảo Samoa, cùng hàng chục triệu người trên thế giới. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm, dịch cúm này đã giết chết tới 100 triệu người, nhiều hơn cả số binh lính thiệt mạng trong 4 năm của Thế chiến I.
Đã 100 năm trôi qua kể từ đại dịch cúm 1918 nhưng con người vẫn rất mong manh trước các căn bệnh truyền nhiễm, chủ yếu là do sự gia tăng dân số và giao thông phát triển. Những siêu đô thị như Tokyo của Nhật Bản hay Mexico City trở thành địa điểm lý tưởng cho các đại dịch hơn những thành phố cổ Florence trước đây, trong khi hệ thống giao thông toàn cầu hiện nay hoàn thiện hơn rất nhiều so với năm 1918.
Hiện nay, virus có thể lây lan từ thủ đô Paris-Pháp sang Tokyo rồi Mexico City chỉ trong chưa đầy 24 giờ. Do đó, theo lý thuyết, chúng ta đang phải sống trong một địa ngục đầy rẫy bệnh truyền nhiễm với các căn bệnh chết người thay phiên nhau bùng phát.
Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh và tầm ảnh hưởng của các đại dịch đã giảm đáng kể. Bất chấp những cuộc bùng phát của các đại dịch như AIDS hay Ebola, số người chết vì các đại dịch trong thế kỷ 21 ít hơn rất nhiều so với thời kỳ trước đó tính từ thời đồ đá.
Nguyên nhân chính của sự suy giảm thương vong này là nhờ sự phát triển, phổ cập của thông tin, chứ không phải do sự cô lập hay cách ly tốt. Loài người chiến thắng được các mầm bệnh nhờ sự "chạy đua vũ trang" giữa đại dịch và các nhà khoa học. Trong khi các mầm bệnh mới phát sinh nhờ những sự đột biến bất ngờ, thì các bác sĩ lại có đầy đủ kiến thức, thông tin cũng như sự hỗ trợ của khoa học để phòng chống và điều trị.
Con người đã từng chiến thắng đại dịch
Vào thế kỷ 14, khi nạn dịch hạch hoành hành, con người không hề biết nguyên nhân và cách phòng chống, điều trị bệnh. Họ có quá ít kiến thức. Bởi vậy con người thời đó vẫn đổ lỗi cho thượng đế, số phận hay nhiều lý do ngớ ngẩn khác mà không có những biện pháp phòng tránh vi khuẩn, virus hiệu quả.
Nhân loại khi đó vẫn tin vào những câu chuyện cổ tích hay thần thánh, nhưng chẳng ai biết rằng chỉ một giọt nước cũng có thể chứa mầm bệnh gây chết người. Do đó, khi nạn dịch hạch bùng phát, tất cả những gì mà nhà cầm quyền khi ấy có thể làm là cầu nguyện, cầu nguyện và cầu nguyện.
Trớ trêu thay, cầu nguyện chẳng đem lại tác dụng gì. Thậm chí việc tụ tập đông người còn khiến dịch bệnh lây lan nhanh chóng hơn.
Thế nhưng trong thế kỷ qua, con người đã có kiến thức và thông tin để hiểu rõ đại dịch hay các mầm bệnh phát sinh cũng như lan truyền ra sao. Loài người đã có ý thức hơn và hiểu được điều gì gây ra đại dịch, cơ chế lây lan ra sao, cách phòng chống và chữa trị như thế nào.
Lý thuyết về sự tiến hóa vi sinh đã giúp các nhà khoa học hiểu được tại sao và làm thế nào mà các mầm bệnh mới sinh ra, trong khi các mầm bệnh cũ lại ngày một nguy hiểm hơn. Công nghệ gen sinh học hiện đại ngày nay đã giúp các nhà khoa học nghiên cứu được cấu trúc ADN của các mầm bệnh. Trong khi những người trung cổ chẳng biết điều gì gây ra nạn dịch hạch thì các nhà khoa học chỉ mất 2 tuần để định hình cấu trúc ADN virus Corona, qua đó phát triển phương pháp xét nghiệm tìm ra người nhiễm bệnh.
Khi các nhà khoa học hiểu được điều gì gây ra dịch bệnh thì cuộc chiến chống dịch của loài người trở nên dễ dàng hơn nhiều. Hàng loạt những biện pháp như vaccine, kháng sinh… cùng nhiều thiết bị khác được phát triển giúp con người chống lại đại dịch.
Năm 1967, bệnh đậu mùa vẫn lây lan được cho 15 triệu người trên thế giới và khiến 2 triệu người thiệt mạng, nhưng chỉ trong 10 năm sau đó số người nhiễm đã giảm mạnh do các nhà khoa học đã phát triển được Vaccine.
Công cuộc chống dịch đậu mùa thành công tới nỗi vào năm 1979, Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố dịch bệnh này đã hoàn toàn bị xóa bỏ, qua đó xác định chiến thắng của con người trước một đại dịch nguy hiểm.
Năm 2019, chưa có bất kỳ ai trên thế giới bị nhiễm hay tử vong vì dịch đậu mùa.
Bệnh nhân đậu mùa
Lịch sử dạy chúng ta điều gì?
Vậy những bài học lịch sử trên dạy cho chúng ta điều gì khi dịch Covid-19 đang bùng phát toàn cầu?
Đầu tiên, rõ ràng là chúng ta chẳng thể mãi bảo vệ chính mình khi quyết định bế quan tỏa cảng. Hãy nhớ rằng các đại dịch lây lan vô cùng nhanh chóng thời Trung Cổ, khi mà toàn cầu hóa còn chưa phát triển.
Bởi vậy ngay cả khi chúng ta bế quan tỏa cảng như thời Trung Cổ thì cũng chẳng giúp ích được gì nhiều. Những quốc gia bị cấm vận hay tự đóng cửa hiện nay sớm hay muộn vẫn sẽ dính Covid-19 như thường. Theo lý thuyết, nếu một đất nước muốn tự bảo vệ trước đại dịch bằng sự bế quan tỏa cảng, họ sẽ phải trở về thời kỳ đồ đá khi chẳng giao thương hay liên kết với thế giới bên ngoài. Đây là điều bất khả thi.
Tiếp đó, lịch sử cho chúng ta thấy biện pháp bảo vệ tốt nhất là chia sẻ các thông tin khoa học, cũng như sự đoàn kết toàn nhân loại. Khi một đất nước gặp đại dịch, họ nên sẵn sàng chia sẻ thông tin với các nước khác để tìm kiếm biện pháp phòng chống, thay vì sợ hãi những yếu tố địa chính trị. Những quốc gia khác cũng nên trân trọng các thông tin này thay vì coi thường, họ nên sẵn sàng giúp đỡ nước bạn thay vì tẩy chay và bỏ mặc các vùng dịch tự cứu.
Ngày nay, dù Trung Quốc có thể đi tiên phong so với các quốc gia trên thế giới về nhiều điều, từ kinh tế đến công nghệ, nhưng họ lại hoàn toàn thiếu đi sự tin tưởng và hợp tác cần thiết để loài người chung tay chống dịch bệnh.
Hợp tác quốc tế cũng cần thiết khi thực hiện cách ly. Mục đích của việc cách ly và hạn chế đi lại là nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, nhưng khi các quốc gia không có sự tin tưởng lẫn nhau, chính phủ sẽ do dự khi thực hiện các biện pháp này.
Hãy tưởng tượng bạn phát hiện 100 người nhiễm Covid-19 trong nước, vậy liệu bạn có cách ly ngay lập tức toàn bộ thành phố, khu vực hay thậm chí cả nước không? Nên nhớ rằng việc cách ly có thể hủy hoại nền kinh tế của đất nước rất nhanh chóng nếu không có sự giúp đỡ.
Rõ ràng, nếu chính phủ các nước tin tưởng vào sự trợ giúp lẫn nhau, họ sẽ không ngần ngại thực hiện các biện pháp mạnh tay, nhưng nếu cảm thấy bị bỏ rơi thì nhiều nước sẽ ngập ngừng trong việc cách ly, cho đến khi mọi chuyện đã quá muộn.
Có lẽ, con người nên hiểu về các đại dịch như thế này: Đó là bất kỳ đại dịch diễn ra ở bất kỳ quốc gia nào cũng là mối hiểm họa cho loài người trên trái đất, chứ không có sự tách biệt. Nguyên nhân là do sự tiến hóa của virus.
Ví như virus Corona xuất phát từ động vật, mà cụ thể ở đây là dơi. Khi chúng lây cho con người, virus vẫn có sự tiến hóa và đột biến liên tục để thích hợp tồn tại trong ký chủ mới là cơ thể người. Phần lớn những sự đột biến này của virus là vô hại với cơ thể vật chủ, nhưng đôi khi một số đột biến lại khiến virus dễ dàng lây hơn cũng như chống chọi lại tốt hơn với hệ thống miễn dịch của con người. Sau đó, những đột biến này sẽ giúp virus lây lan nhanh hơn trong cộng đồng, rồi nó lại tiến hóa và lại lây lan.
Mỗi người bệnh chứa hàng nghìn tỷ virus và chúng đang tiến hóa, sao chép, lây lan liên tục. Như vậy mỗi cá thể dính bệnh đã trao cho virus Corona hàng nghìn tỷ cơ hội để tiến hóa, đột biến nhằm thích nghi cũng như lây lan mạnh hơn. Mỗi cơ thể người bệnh cứ như một cái máy đánh bạc với hàng nghìn tỷ lượt chơi cho virus Corona, mà trong đó, chỉ cần đánh trúng 1 vé thắng là Covid-19 sẽ bùng nổ mạnh hơn.
Xin được nhắc là những suy luận ở trên không hề vô căn cứ. Tác giả Richard Preston trong cuốn "Crisis in the Red Zone" đã miêu tả đúng như vậy khi đại dịch Ebola bùng phát. Mọi chuyện bắt đầu khi virus Ebola lây từ dơi sang người và khiến chúng ta bị ốm. Tuy nhiên, thời điểm này chúng vẫn đang tiến hóa để thích nghi nên hầu hết Ebola vẫn sống trong cơ thể dơi nhiều hơn là con người.
Tuy vậy, mọi chuyện bắt đầu khi một đột biến của một mã gien trong virus Ebola tại một cá thể người nào đó ở vùng Makona-Tây Phi đã thành công. Đột biến này, hay còn gọi là chủng đột biến Makona, cho phép Ebola liên kết với các vật chất vận chuyển Cholesterol trong tế bào con người. Nghĩa là thay vì vận chuyển Cholesterol cho tế bào, các vật chất này lại đưa virus Ebola đến. Chủng Makona này có tốc độ lây lan nhanh gấp 4 lần so với chủng Ebola ban đầu.
Khi các bạn đọc đến những dòng này, có lẽ ở đâu đó trên thế giới một mã gien của virus Corona đang đột biến thành công. Nó có thể ở Tehran-Iran, Milan-Italy, Vũ Hán-Trung Quốc hay bất cứ nơi nào. Nếu điều đó xảy ra thì Covid-19 không chỉ là mối nguy cho mỗi Iran, Trung Quốc, Italy hay Mỹ, mà là với toàn nhân loại, với chính bản thân các bạn.
Vì sự tồn vong của nhân loại, vì sự sống của chính bản thân chúng ta, con người không thể để cho Covid-19 có cơ hội đột biến như vậy. Điều này có nghĩa là chúng ta có trách nhiệm bảo vệ mọi người trên khắp trái đất chứ không riêng bất kỳ quốc gia nào.
Quay trở lại đại dịch đậu mùa thập niên 1970, con người đã chiến thắng chúng bằng cách mọi người trên khắp thế giới đều tiêm vaccine. Nếu bất kỳ quốc gia nào không làm được điều đó thì căn bệnh này vẫn sẽ tồn tại và tiếp tục trở thành hiểm họa toàn cầu.
Trong cuộc chiến chống virus, con người cần canh gác chặt chẽ những "đường biên giới", tuy nhiên đó không phải là những cửa khẩu hải quan vật lý giữa các nước, mà là biên giới giữa loài người và virus.
Điều trớ trêu là trái đất lại đang "hợp tác" với virus khi tạo ra môi trường thích hợp để chúng liên tục tiến hóa, đột biến. Bởi vậy, đường biên giới mà con người cần canh gác nằm trong từng cá thể của loài người, nếu virus xâm nhập được đường biên giới này vào bất cứ người nào ở bất cứ đâu trên thế giới, cả loài người sẽ gặp nguy hiểm trong tương lai.
Trong 100 năm qua, con người đã xây dựng đường biên giới trên ngày một kiên cố hơn. Khoa học kỹ thuật và hệ thống y tế đã tạo nên rất nhiều vaccine hay những biện pháp phòng chống bệnh. Bác sĩ và các nhà khoa học cũng trở thành những chiến binh canh gác các đường biên giới này.
Tuy nhiên, đường biên giới này quá dài và để lộ nhiều lỗ hổng. Thế giới vẫn có hàng trăm triệu người chưa tiếp cận được các dịch vụ y tế thiết yếu và điều này gây nguy hiểm cho cả nhân loại.
Chúng ta từng chỉ nghĩ về an ninh y tế quốc gia mà quên đi rằng việc trợ giúp những người anh em ở Trung Quốc, Iran, Châu Âu… sẽ giúp chính bản thân chúng ta chống lại đại dịch.
Đáng lẽ điều này phải được mọi người thấu hiểu, nhưng không may thay ngay cả một số nhà lãnh đạo chủ chốt trên thế giới cũng chẳng quan tâm đến.
Liên minh Châu Âu sẽ tan vỡ vì Covid-19?
Rõ ràng, trong thế giới ngày nay, con người không chỉ phải chống lại các đại dịch như Covid-19 mà còn phải đối phó với sự thiếu tin tưởng giữa người với người. Để chống lại đại dịch, con người cần tin tưởng vào các nhà khoa học, công dân cần lắng nghe những gì chính phủ nói, các quốc gia cần tin tưởng lẫn nhau.
Trong vài năm trở lại đây, rất nhiều chính trị gia bày tỏ sự thiếu tin tưởng vào khoa học, sự hợp tác, cũng như công quyền của nhà nước. Họ đề cao sự tự do, chủ nghĩa cá nhân dân tộc, mà quên đi mất rằng nếu không có sự đoàn kết và tin tưởng, nhân loại đã không thể phát triển đến được như ngày nay.
Như một hệ quả tất yếu, thế giới đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lớn chưa từng có, nhưng lại chẳng có một nhà lãnh đạo, một quốc gia nào đủ tầm để tổ chức, điều phối hay tạo cảm hứng cho sự hợp tác toàn cầu.
Trong đại dịch Ebola năm 2014, Mỹ đã làm được điều đó. Nền kinh tế số 1 thế giới cũng đã từng làm điều đó trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã có những động thái kích thích nhiều nước noi theo nhằm chống lại một cuộc suy thoái lan rộng.
Dẫu vậy trong những năm gần đây, Mỹ đang từ bỏ vai trò "anh cả" của mình. Chính quyền Washington hiện đã cắt giảm ngân sách cho những tổ chức toàn cầu như Tổ chức y tế thế giới (WHO), đồng thời tỏ rõ quan điểm họ sẽ chỉ phục vụ lợi ích công dân Mỹ, chứ không màng đến ai khác.
Như một điều hiển nhiên, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Mỹ thờ ơ và chẳng có nhiều động thái dẫn đầu. Thậm chí nếu Mỹ có muốn đứng ra lãnh đạo cũng khó có người nghe theo bởi danh tiếng của nền kinh tế số 1 thế giới đã bị ảnh hưởng phần nào qua những quyết định chống toàn cầu hóa. Liệu bạn có nghe theo một "anh cả" luôn đặt lợi ích của bản thân lên hàng đầu?
Chiếc ghế lãnh đạo trống mà Mỹ để lại hiện vẫn chưa được ai thay thế. Thay vào đó, sự cô lập, mất lòng tin và chủ nghĩa dân túy lại được cổ xúy khắp thế giới. Rõ ràng, không có sự tin tưởng lẫn nhau và hợp tác quốc tế, chúng ta sẽ chẳng chiến thắng được Covid-19, đó là chưa kể loài người sẽ còn nhìn thấy nhiều đại dịch khác nữa trong tương lai.
Hy vọng rằng đại dịch Covid-19 hiện nay sẽ giúp loài người nhận ra mối nguy hiểm khi mất đoàn kết trên toàn cầu là như thế nào.
Lấy một ví dụ nổi bật, đại dịch Covid-19 có thể là cơ hội vàng cho Liên minh Châu Âu (EU) lấy lại được sự ủng hộ họ đã đánh mất trong những năm qua. Nếu những nước giàu có của EU nhanh chóng gửi viện trợ, thiết bị và nhân viên y tế đến những thành viên chịu ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19 như Italy, thì chắc chắn hình ảnh về một EU thống nhất đã được vinh danh hơn bao giờ hết. Thậm chí, một hành động viện trợ nhỏ nhoi cũng đáng giá hơn bất kỳ bài diễn thuyết của bất kỳ chính trị gia nào về EU.
Ngược lại, nếu mỗi thành viên bị bỏ mặc tự lo thân, thì Covid-19 rất có thể sẽ là hồi chuông báo tử cho một liên minh thống nhất.
Trong giai đoạn khủng hoảng hiện nay, cuộc chiến cam go nhất không phải là cuộc chiến về vaccine hay cách chữa bệnh, mà là niềm tin con người. Nếu dịch Covid-19 khiến loài người mất đoàn kết hơn thì virus Corona đã chiến thắng bất kể có sản xuất thành công vaccine hay cách chữa trị đi chăng nữa.
Ngược lại, nếu đại dịch Covid-19 khiến con người đoàn kết hơn trên thế giới thì đây là một chiến thắng không chỉ với virus Corona, mà còn với bất kỳ đại dịch nào trong tương lai.
---
*Dựa theo bài viết của Yuval Noah Harari, nhà sử học, triết gia và là tác giả của các cuốn sách như "Sapiens, Homo Deus", "21 Lessons for the 21st Century".