Trồng chanh leo lãi trên 200 triệu đồng/ha/năm
Thời gian gần đây, nhiều hộ nông dân xã Tân Hương (Đức Thọ) đã trồng thử nghiệm cây chanh leo. Đến nay, lợi nhuận các mô hình đạt khá, có sức lan tỏa trong và ngoài xã.
Ông Phạm Quang Thạnh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Thọ cho biết, chanh leo vốn đã khẳng định được hiệu quả kinh tế tại nhiều vùng trên cả nước. Sau khi nghiên cứu các mô hình trồng chanh leo ở Nghệ An và tìm hiểu kỹ hoạt động, vùng nguyên liệu thực tế của Công ty Nafood Nghệ An, UBND huyện đã giao Hội Nông dân huyện chọn vùng đất trồng thử nghiệm cây chanh leo theo mô hình liên kết với công ty.
Cuối năm 2014, cây chanh leo được đưa vào trồng thử nghiệm khoảng 5 ha trên địa bàn xã Tân Hương theo mô hình liên kết, Công ty Nafood cung cấp cây giống, hỗ trợ cọc trụ xi măng và sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm với mức giá tối thiểu 8.000 đồng/kg. Đến nay, dự án bước đầu cho hiệu quả kinh tế khá cao, chanh leo phát triển tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Nguyễn Viết Hùng, đến nay, đã có hơn 30 hộ trồng cây chanh leo. Hầu hết diện tích chanh leo của các hộ đều phát triển, sinh trưởng tốt. Nhiều người dân thấy hiệu quả kinh tế của chanh leo đã học tập, tự nhân rộng bằng nguồn giống do công ty hoặc các hộ dân tự hom giống. Tuy nhiên, do sản lượng toàn xã những mùa đầu tiên còn quá ít và Công ty Nafood vẫn chưa hoàn thiện hệ thống nhà máy chế biến chanh leo nên đã đồng ý để cho người dân bán chanh leo thương phẩm ra thị trường. Thời điểm hiện tại, giá bán tại vườn đạt khoảng 15-20 nghìn đồng/kg.
Anh Nguyễn Huy Phúc - một người trồng chanh leo chia sẻ, chỉ với 42 gốc chanh leo, mỗi năm, cho thu nhập từ 15-17 triệu đồng. Dù không mất quá nhiều công chăm sóc nhưng cây chanh leo vẫn phát triển tốt. Trước đây, cũng trên diện tích này, gia đình anh Phúc đã trồng thử nhiều loại cây, song đều cho năng suất thấp, không được giá nên thu nhập không đáng kể.
Ông Phùng Xuân Công (thôn Tân Lộc) khẳng định, ở xã Tân Hương, chưa có loại cây nào có giá trị kinh tế bằng cây chanh leo.
Còn ông Phùng Xuân Công (thôn Tân Lộc) khẳng định, trên đất Tân Hương, chưa có loại cây nào có giá trị kinh tế bằng cây chanh leo. Ưu điểm lớn nhất của loại cây này là quá trình sinh trưởng nhanh, chỉ khoảng 6 tháng đã ra hoa, kết trái, đạt sản lượng cao ngay trong vụ đầu tiên, rất dễ trồng và chăm bón. Trong khi so với các cây như cam, bưởi ít nhất cũng phải mất khoảng 3-4 năm mới bắt đầu cho thu hoạch. Nên người trồng chanh leo có thể thu hồi vốn nhanh. Với hơn 60 gốc chanh leo, mỗi năm, gia đình có thu nhập khoảng 25 triệu đồng. Thấy lợi nhuận cao nên đã trồng thêm 1 sào, chuẩn bị cho thu hoạch vụ đầu tiên.
Ông Nguyễn Viết Hùng cho rằng, theo lý thuyết, nếu cây chanh leo được chăm sóc đúng kỹ thuật, phát triển tốt, sản lượng sẽ đạt 30-40 tấn/ha. Theo hợp đồng liên kết, giá tối thiểu là 8.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận tối thiểu phải đạt trên 150 triệu đồng/ha/năm. Còn theo giá thị trường hiện tại phải đạt lợi nhuận hàng năm từ 200-250 triệu đồng/ha/năm.
Tuy nhiên, trên thực tế, do không có nhiều diện tích đất canh tác, các hộ dân chỉ trồng trong vườn nên ít chăm bón và chăm sóc đúng kỹ thuật. Trong đó, nước tưới - thứ cần thiết nhất đối với cây chanh leo do điều kiện thời tiết quá nắng hạn, ít có hộ dân nào đáp ứng được, người dân còn trồng theo kiểu tận dụng vật liệu, ít đầu tư. Do đó, năng suất chanh leo ở Tân Hương chỉ bằng 50% so với tính toán cũng như so với các địa phương khác. Dẫu vậy, chanh leo vẫn là cây cho lợi nhuận cao nhất so với các loại cây ăn quả khác tại địa phương.
Ông Hùng cho biết thêm, bên cạnh việc khuyến khích mở rộng diện tích các loại cây chủ lực của huyện, xã cũng khuyến khích người dân trồng chanh leo trên đất cằn cỗi, bạc màu. Bên cạnh đó, thường xuyên tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc một số giống mới có năng suất cao để phổ biến, giới thiệu, cung cấp, khuyến khích người dân nhân rộng diện tích chanh leo, phát triển kinh tế, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.