Trở thành “bà đỡ” của startup, Shark Nga nói về “nỗi đau”: Ai cũng lao vào làm khởi nghiệp thì quá nguy hại cho xã hội

05/12/2024 07:35 AM | Startup

Shark Mỹ Nga là một trong những “cá mập” ngồi ghế Shark Tank Việt Nam mùa 7 và được đánh giá là nhà đầu tư quan tâm đến việc đổi mới sáng tạo của các nhà khởi nghiệp.

Trở thành “bà đỡ” của startup, Shark Nga nói về “nỗi đau”: Ai cũng lao vào làm khởi nghiệp thì quá nguy hại cho xã hội- Ảnh 1.

Shark Lê Mỹ Nga - Chủ tịch quỹ đầu tư WeAngels Capital.

Trong chương trình CEO Talk do báo điện tử VTC News tổ chức, Shark Lê Mỹ Nga - Chủ tịch quỹ đầu tư WeAngels Capital đã có những chia sẻ về “góc khuất” khởi nghiệp và hậu trường đằng sau những màn “chốt deal” trong “bể cá mập” Shark Tank.

Được biết trước khi trở thành nhà đầu tư “thiên thần” cho nhiều dự án khởi nghiệp, bà Lê Mỹ Nga đã trải qua nhiều vị trí cao trong các doanh nghiệp đa quốc gia.

Trở thành “bà đỡ” của startup, Shark Nga nói về “nỗi đau”: Ai cũng lao vào làm khởi nghiệp thì quá nguy hại cho xã hội- Ảnh 2.

“Có rất nhiều người hỏi tôi rằng tại sao từ bỏ công việc lương cao nhưng tôi lại đặt ngược câu hỏi trở lại: thế nào là cao? Thế nào là đủ? Mỗi một con người sẽ chọn con đường đi của mình, tôi lựa chọn con đường hạnh phúc.

Hạnh phúc ở đây có nghĩa rằng nếu thước đo hạnh phúc của bạn đó là làm việc có ích cho xã hội thì bạn hãy làm điều có ích xã hội. Nếu bạn lấy thước đo vật chất, của cải thì bạn tiếp tục con đường kiếm tiền. Hoặc là bạn lấy thước đo là địa vị thì bạn sẽ tiếp tục làm những cái việc mà bạn nghĩ là có vị trí cao.

Nhưng đối với tôi, cái đích đến của con người đó là hạnh phúc. Và những điều tôi đang làm khiến tôi cảm thấy hạnh phúc và tôi nghĩ rằng mình cũng đã làm điều có ích và tốt cho thế hệ trẻ, trong đó có con mình. Tôi nghĩ rằng nếu không cố gắng, không có tính kỷ luật cao thì bạn sẽ không phải là người được chọn” , Shark Nga chia sẻ.

Trở thành “bà đỡ” của startup, Shark Nga nói về “nỗi đau”: Ai cũng lao vào làm khởi nghiệp thì quá nguy hại cho xã hội- Ảnh 3.

Trải lời cho câu hỏi tại sao lại có sự chuyển mình từ một vị trí rất là cao đến một lĩnh vực mới như là “bà đỡ” startup, Chủ tịch quỹ đầu tư WeAngels Capital chia sẻ rằng đó như một sứ mệnh của những người đi trước, nhằm giúp đỡ thế hệ trẻ Việt Nam trong quá trình khởi nghiệp và phát triển. Và bà Nga cũng đã nhiều lần nhắc đến từ “nỗi đau” đối với hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam.

“Đây thực sự là nỗi đau. Khi mình làm một vấn đề gì đó, thực sự nó phải dựa trên nỗi đau. Startup cũng vậy, nó dựa trên nỗi đau. Khi tôi làm việc trong ngành dầu khí và tuyển dụng các bạn kỹ sư, sinh viên hoặc là các bạn trẻ vào làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực dầu khí phục vụ cho các công trình dầu khí tại Việt Nam có một vấn đề đó là phải đào tạo lại. Kể cả các bạn đã học các ngành kỹ thuật, nhưng mà để hiểu và ứng dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong các công trình dầu khí, tất cả những nhân sự tham gia các công trình để hiểu và và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế.

Đây là điều mới mẻ dành cho các bạn và tập đoàn hoặc công ty bắt buộc phải đào tạo lại hoặc gửi đi ra nước ngoài để các bạn thi tín chỉ để có thể đáp ứng yêu cầu của các tổ chức, chủ đầu tư hoặc các nhà điều hành chung. Do vậy, tôi thấy rằng là đây là nỗi đau và tôi muốn rằng những cái kiến thức đó cần phải được trang bị ngay khi các bạn đang ngồi trên ghế nhà trường” , nữ “cá mập” bộc bạch.

Trở thành “bà đỡ” của startup, Shark Nga nói về “nỗi đau”: Ai cũng lao vào làm khởi nghiệp thì quá nguy hại cho xã hội- Ảnh 4.

Trong buổi chia sẻ, bà Lê Mỹ Nga cũng đề cập đến một số thách thức trong quá trình khởi nghiệp, như việc các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể dễ dàng gọi vốn đầu tư nhưng lại thiếu sự chuẩn bị về mặt kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm. Điều này có thể dẫn đến việc các doanh nghiệp khởi nghiệp bỏ công việc hiện tại để tham gia vào quá trình khởi nghiệp, mà không đủ năng lực để duy trì và phát triển doanh nghiệp của mình.

Shark Nga khẳng định: “Khởi nghiệp không đơn giản và không dễ để các nhà đầu tư đồng ý đầu tư. Các Shark là đại diện cho nhà đầu tư, đại diện cho “khẩu vị”, tiêu chí đầu tư của mình dành cho startup Việt Nam. Nếu tất cả các startup lên gọi vốn đều được chấp nhận đầu tư sẽ dẫn đến tình trạng các bạn trẻ nghĩ rằng gọi vốn dễ quá.

Mô hình kinh doanh nào cũng được đầu tư dẫn đến việc bạn sẽ nhanh chóng bỏ công việc của mình đang làm ở một tổ chức nào đấy mà bạn đang rất có giá trị. Nhìn thấy gọi vốn 50 tỷ đồng hoặc là 1 triệu đô sao nó dễ vậy? Cảm giác đó sẽ có thể khiến các bạn đổ xô đi khởi nghiệp. Điều đó rất nguy hại cho xã hội nếu tất cả các bạn trẻ đều đổ xô đi khởi nghiệp mà không tham gia thị trường lao động thì tổ chức, doanh nghiệp khác sẽ không có người làm”.

Trở thành “bà đỡ” của startup, Shark Nga nói về “nỗi đau”: Ai cũng lao vào làm khởi nghiệp thì quá nguy hại cho xã hội- Ảnh 5.

Bên cạnh đó, bà Nga cho rằng hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam vẫn còn non trẻ, chỉ bắt đầu hình thành từ khoảng năm 2016. Vì vậy, những thất bại hoặc sự phát triển chậm chạp của các doanh nghiệp khởi nghiệp là điều bình thường, và cần có sự hỗ trợ, đồng hành từ các chuyên gia, nhà đầu tư để giúp các startup phát triển.

Trước ý kiến số vốn hơn 13 tỷ đồng mà nữ “cá mập” chốt deal với startup tại Shark Tank mùa 7 vẫn còn khiêm tốn và các Shark đang “bao biện” việc mình “không đủ tiền”, Shark Nga trả lời rằng bản thân “không rảnh” để làm như chuyện đó.

“Tôi quan niệm rằng kinh doanh là một ngành khoa học và không phải chuyện chơi. Do vậy, sứ mệnh của tôi là giúp đỡ các startup cũng có thể gọi là thế hệ trẻ đàn em. Và sứ mệnh đó mang tính nhân văn rất cao.

Chuyện mình hỗ trợ các bạn từ tài chính cho đến kiến thức, kinh nghiệm và mối quan hệ kinh doanh trong nước và quốc tế đó là một sự nỗ lực lớn và mất rất nhiều thời gian, công sức và năng lực của mình. Do vậy, không có lý do gì tôi để mình trả lời rằng mình bao biện cho việc mình đầu tư hoặc không đầu tư hay câu chuyện không có tiền, có tiền” , Shark Lê Mỹ Nga cho hay.

Trong buổi trò chuyện, Shark Nga cũng chia sẻ rằng vai trò của bà trong tương lai sẽ tập trung vào việc nghiên cứu, hỗ trợ các chương trình đào tạo về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại các trường đại học, nhằm trang bị cho thế hệ trẻ những kiến thức, kỹ năng cần thiết để khởi nghiệp thành công.

Huyền Thanh

Cùng chuyên mục
XEM