Trào lưu phụ nữ trình độ học vấn cao, quá mệt mỏi vì việc phải đi tìm một người đàn ông của đời mình lựa chọn cách mua tinh trùng làm mẹ đơn thân bùng nổ ở Đan Mạch
Tại quốc gia này, khoảng 1/10 số trẻ em sinh ra bởi những bà mẹ không có bạn đời, hay nói chính xác hơn là họ mua tinh trùng tốt từ ngân hàng tinh trùng hoặc từ những người hiến tinh trùng.
Ngày nay, rất nhiều phụ nữ Phương Tây sử dụng ngân hàng tinh trùng để sinh con và trở thành bà mẹ đơn thân thay vì chờ đợi mòn mỏi một người đàn ông của đời mình.
"Tôi đã nghe bạn của con tôi nói với nó rằng ai cũng có một người cha, nhưng nó biết thừa mình không có một người cha như vậy. Ngay từ khi lên 2, con trai tôi đã biết nó được sinh ra bởi ngân hàng tinh trùng và gia đình này chỉ có nó và tôi. Làm một bà mẹ đơn thân rất khó khăn nhưng cũng vô cùng tuyệt vời. Tôi sẽ không bao giờ có được sự hạnh phúc này theo những cách thông thường khác", cô Anne Patricia Rehlsdorph, một luật sư 45 tuổi tại thủ đô Copenhagen-Đan Mạch nói.
Cô Anne chỉ là một trong số rất nhiều phụ nữ theo trào lưu người mẹ đơn thân ở Đan Mạch. Tại quốc gia này, khoảng 1/10 số trẻ em sinh ra bởi những bà mẹ không có bạn đời, hay nói chính xác hơn là họ mua tinh trùng tốt từ ngân hàng tinh trùng hoặc từ những người hiến tinh trùng.
Kể từ năm 2007 đến nay, tỷ lệ mẹ đơn thân sinh con từ tinh trùng mua hoặc hiến tặng đã tăng nhanh tại Đan Mạch, trở thành quốc gia có tỷ lệ trẻ em sinh theo kiểu này cao nhất thế giới. Hầu như mọi người dân ở Đan Mạch đều có người quen sinh con theo kiểu này hoặc có họ hàng đang định mua tinh trùng từ ngân hàng.
"Khoảng 50% khách hàng của chúng tôi là những người độc thân. Đặc biệt những người phụ nữ trung tuổi có trình độ học vấn cao. Khoảng 85% số khách hàng là phụ nữ trong độ tuổi 31-45 và một nửa số khách hàng có bằng thạc sĩ trở lên", Giám đốc Ole Schou của Cryos International, ngân hàng tinh trùng lớn nhất Đan Mạch nói.
Cũng theo ông Schou, nếu đà tăng trưởng này cứ tiếp tục thì vào năm 2020, số khách hàng độc thân sẽ chiếm 70% và xã hội Đan Mạch sẽ chịu tác động lớn trước sự thay đổi về cấu trúc gia đình như vậy.
Plan B
Trên thực tế, khảo sát của các trường đại học y dược tại Copenhagen cho thấy 90% phụ nữ làm mẹ đơn thân muốn con của họ có cha và phần lớn họ bắt buộc phải chọn việc sinh con nhờ ngân hàng tinh trùng hay hiến tặng tinh trùng làm phương án dự phòng-Plan B.
Khoảng 2/3 số phụ nữ sinh con kiểu này theo khảo sát đã có bạn tình nhưng người bạn đời của họ chưa sẵn sàng có con. Theo các chuyên gia, phụ nữ Đan Mạch đều mong muốn sinh con tự nhiên nhưng khi họ không tìm thấy bạn đời phù hợp hoặc bạn tình của họ chưa muốn đi đến hôn nhân, những phụ nữ có học thức này sẽ chọn làm mẹ đơn thân nhờ ngân hàng tinh trùng trước khi quá tuổi sinh đẻ.
Cô Signe Fjord, một luật sư 41 tuổi từ Frederikssund cho biết mình hoàn toàn mong muốn một gia đình bình thường nhưng bạn trai cô lại chưa sẵn sàng bởi anh ta quá tập trung vào sự nghiệp. Bản thân cô cũng chứng kiến áp lực sinh con khiến nhiều người bạn của cô cố thụ thai với gã bạn trai mà họ biết là sẽ chẳng đi đến đâu. Cô cũng thấy nhiều gia đình truyền thống ly hôn và ý tưởng làm bà mẹ đơn thân trở nên tối ưu hơn bao giờ hết.
Vào năm 2012, cô Fjord sinh một bé gái và cha của cô rất vui mừng khi được làm ông nội.
Các cuộc nghiên cứu năm 2017 cho thấy Đan Mạch là quốc gia có tư tưởng khá thoáng. Những cuộc tình một đêm là điều khá bình thường nhưng nhiều phụ nữ cảm thấy tội lỗi khi cố gắng mang thai theo cách này. Nghiên cứu cũng cho thấy tại Đan Mạch, có khoảng 37 kiểu gia đình phi truyền thống khác nhau đang tồn tại, từ mẹ đơn thân đến các cặp đồng tính nam-nữ.
Bên cạnh đó, Đan Mạch là nước có chế độ an sinh thuộc hàng bậc nhất thế giới. Các bà mẹ tại đây được hưởng 52 tuần nghỉ đẻ có trả lương theo quy định và nhà nước hỗ trợ tới ¾ chi phí nuôi dạy con cái, qua đó giúp 85% số bà mẹ Đan Mạch đủ khả năng quay trở lại làm việc bình thường sau sinh. Đan Mạch cũng là nước có tỷ lệ lao động là các bà mẹ thuộc hàng cao nhất thế giới.
Chính sự trợ giúp từ chính phủ và sự thừa nhận của xã hội đã giúp phụ nữ Đan Mạch có thể thoải mái làm bà mẹ đơn thân đến như vậy.
Lợi và hại
Ngoài ra, một yếu tố nữa khiến tỷ lệ mẹ đơn thân tăng cao là người Đan Mạch ghi nhận độ tuổi trưởng thành rất trễ. Xã hội nơi đây vẫn coi các thanh thiếu niên tầm 20 tuổi là trẻ vị thành niên và nhiều người vẫn đến trường đi học tới năm 30 tuổi. Văn hóa Đan Mạch coi trọng học hành và sự nghiệp, nhưng khi mọi thứ đã ổn định thì người phụ nữ lại đã quá tuổi, dẫn đến nhu cầu làm mẹ đơn thân tăng cao.
Hiều được nhu cầu này, tất cả những bà mẹ sinh con nhờ ngân hàng tinh trùng đều được chính phủ đào tạo qua những khóa giảng dạy về tác động của môi trường đến những đứa trẻ được sinh theo cách này. Thậm chí nhiều cuộc khảo sát cho thấy trẻ em có mẹ đơn thân nhờ ngân hàng tinh trùng có thành tích tốt hơn trẻ thường hoặc những trẻ từ gia đình ly hôn.
Giáo sự Susan Golombok của Trung tâm nghiên cứu gia đình (CFR) của trường đại học Cambridge nhận định những gia đình truyền thống thường có cãi vã và xung đột về tài chính hoặc cách nuôi dạy con. Những cặp ly hôn thì chưa chuẩn bị để nuôi con một mình và không có một kế hoạch cụ thể để dạy con cái cũng như chu cấp tài chính. Trong khi đó, các bà mẹ đơn thân đã được đào tạo và chuẩn bị đầy đủ, họ cũng tự do lên kế hoạch đào tạo con mình theo ý muốn mà không phải nhức đầu cãi vã với bạn đời.
Thêm vào đó, Đan Mạch có khá nhiều nhóm, cộng đồng sinh con phi truyền thống, qua đó giúp các bà mẹ chia sẻ áp lực cũng như kinh nghiệm.
Tuy nhiên, những bà mẹ đơn thân cũng gặp nhiều khó khăn bởi những em bé được sinh theo cách này sẽ chịu tác động tâm lý lớn khi bạn bè của chúng đều có cha. Hơn nữa, bản năng tìm hiểu người cha hiến tinh trùng của chúng sẽ ngày một lớn theo thời gian và điều này có thể tạo nên nhiều rắc rối.
Một nguy hiểm nữa là việc hiến tinh trùng khiến rủi ro giao phối cận huyết đời sau tăng cao khi nhiều đứa trẻ không biết mình có cùng một người cha hay không.
Đặc biệt, việc nuôi con một mình đang tác động khá mạnh đến cấu trúc gia đình, xã hội của Đan Mạch khi một gia đình có mẹ đơn thân có ảnh hưởng rất khác lên kinh tế, văn hóa, chính trị của đất nước. Từ nhu cầu lao động, cách giáo dục, cách chi tiêu… đều có sự khác biệt so với những gia đình truyền thống.