Trào lưu "li hôn giả" của giới trẻ Trung Quốc, mục đích đằng sau khiến chính phủ lo ngại và gấp rút ra luật mới

25/05/2021 08:49 AM | Xã hội

Bắt đầu từ nửa cuối năm 2020, các thành thị đắt đỏ nhất ở Trung Quốc lần lượt áp dụng quy định bất động sản mới. Đó là từ chối cấp quyền sở hữu căn hộ đối với những người chưa li hôn đủ 3 năm.

Tại Thượng Hải – một trong các thành phố đắt đỏ nhất ở Trung Quốc, quy định này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 21/1/2021. Chỉ 1 tuần sau, cơn sốt mua căn hộ đột ngột hạ hẳn 26%.

Đất nước cấm đầu cơ căn hộ

Những năm gần đây, tại hầu hết các thành phố lớn ở Trung Quốc, cư dân đua nhau bỏ tiền mua căn hộ mới. Các dự án xây dựng khu định cư Trung Quốc luôn nằm dưới sự chỉ đạo và kiểm soát của chính quyền. Chúng chỉ được xây dựng với duy nhất một lý do: giải quyết vấn đề thiếu thốn nơi ăn chốn ở.

 Trào lưu li hôn giả của giới trẻ Trung Quốc, mục đích đằng sau khiến chính phủ lo ngại và gấp rút ra luật mới - Ảnh 1.

Trung Quốc quy định, mỗi người chỉ được sở hữu 1 căn hộ

Đối tượng được ưu tiên mua căn hộ mới là người chưa có nhà ở. Để tránh bị đầu cơ, pháp luật Trung Quốc quy định mỗi người chỉ được phép sở hữu 1 căn hộ, và mỗi gia đình tối đa 2 căn.

Từ nhiều thập kỷ trước, dân cư Trung Quốc đã ồ ạt "rời quê lên phố". Họ khiến các đô thị ngày càng chật hẹp và giá thành nhà đất gia tăng. Chính quyền Trung Quốc buộc phải xây dựng thêm nhiều khu định cư, đa phần là các chung cư. Họ nỗ lực giữ giá bán ở mức thấp nhất, tạo điều kiện cho những người chưa có nơi ở đủ tài chính mua.

 Trào lưu li hôn giả của giới trẻ Trung Quốc, mục đích đằng sau khiến chính phủ lo ngại và gấp rút ra luật mới - Ảnh 2.

Nhờ chính quyền kiểm soát, giá bán căn hộ mới xây luôn ở mức thấp

Ngay sau khi được bán cho người dân, căn hộ mới trở thành căn hộ đã qua sử dụng. Từ lúc này, giá trị của nó nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền. Nửa đầu thập niên 2010, giá thành các căn hộ đã qua sử dụng ở Trung Quốc bất thần tăng vọt. Chính phủ Trung Quốc nhấp nhổm, lo xảy ra "bong bóng bất động sản". Họ liên tục cảnh báo, "Nhà là để ở, không phải để đầu cơ".

Mánh khóe lách luật: Li hôn tạm thời

Cuối năm 2020, Thượng Hải khiến Trung Quốc thất kinh vì bùng nổ mua bán căn hộ. Chỉ tính riêng tháng 12, số giao dịch bất động sản đã lên tới 39.000 vụ, tăng 96% so với cùng kỳ năm 2019. Trước cơn sốt điên đảo này, chính quyền buộc phải có giải pháp ngăn cản "nặng tay". Ngày 21/1/2021, họ thông cáo một loạt các quy định mới, trong đó có "cấm cấp quyền sở hữu căn hộ cho người chưa li hôn đủ 3 năm".

 Trào lưu li hôn giả của giới trẻ Trung Quốc, mục đích đằng sau khiến chính phủ lo ngại và gấp rút ra luật mới - Ảnh 3.

Muốn đầu cơ căn hộ, các cặp vợ chồng Trung Quốc phải li hôn và dồn hết bất động sản cho 1 người trước

Căn nguyên của lệnh cấm kỳ quặc này đến từ một thực tế oái oăm chỉ có ở Trung Quốc: li hôn tạm thời. Vì chính quyền cấm 1 hộ gia đình có nhiều hơn 2 căn hộ, nên các cặp vợ chồng sử dụng mánh khóe li hôn. Họ dồn hết quyền sở hữu bất động sản vào một người, để người còn lại trắng tay, thỏa điều kiện cho phép mua căn hộ mới.

"Đây là một chiến thuật," - Wu Xin (42 tuổi), li hôn vào tháng 12/2020 vì mục đích đầu cơ căn hộ nói. "Vợ chồng tôi đã tính toán rất kỹ lưỡng, thấy rằng nó đáng được thực hiện". Chị dự định sau khi li hôn sẽ tham gia rút thăm ở các công trường (do giá bán rẻ nên các chung cư đang được xây dựng được đông đảo người dân đăng ký mua căn hộ, tỷ lệ chọi luôn cao hơn 1/10). Chỉ cần rút trúng thăm mua và lấy được giấy phép sở hữu căn hộ mới, chị liền tái hôn với chồng cũ.

 Trào lưu li hôn giả của giới trẻ Trung Quốc, mục đích đằng sau khiến chính phủ lo ngại và gấp rút ra luật mới - Ảnh 4.

Trên tinh thần là li hôn giả, chứ trước pháp luật vẫn là li hôn thật

Thực tế, từ năm 2015, Trung Quốc đã biết có "tệ nạn" li hôn đầu cơ này. Xã hội Trung Quốc chia 2 phe, một bên kịch liệt lên án vì nó "gian trá, thiếu đạo đức"; còn một bên bội phục, xem như "chiến lược đầu tư hoàn hảo".

"Tôi thấy đầy cặp vợ chồng chọn cách này," – Wu tiếp tục. "Nó chẳng qua cũng chỉ là một trong muôn vàn cách thức đầu tư khác nhau mà thôi. Nếu bạn không thích thì đừng làm, chứ đừng có chỉ trích người khác".

Cuộc đột kích bất ngờ

Trên mặt pháp lý, li hôn tạm thời cũng là li hôn. Hai vợ chồng phải tiến hành tất cả các thủ tục và thật sự không còn bất cứ ràng buộc pháp luật nào. Thường thì, các cặp vợ chồng li hôn kiểu này để hết quyền sử hữu nhà đất lại cho người chồng. Nó nảy sinh một rủi ro trầm trọng là "giả hóa thật", và đã đẩy không ít chị em vào hoàn cảnh "nạn nhân của lừa đảo li hôn".

 Trào lưu li hôn giả của giới trẻ Trung Quốc, mục đích đằng sau khiến chính phủ lo ngại và gấp rút ra luật mới - Ảnh 5.

Trước năm 2020, Trung Quốc không có nhiều cặp vợ chồng đặt cược vào li hôn

Vì rủi ro cao, không nhiều cặp vợ chồng Trung Quốc sử dụng mánh khóe li hôn tạm thời. Chính quyền Trung Quốc cũng có phần "nhắm mắt bỏ qua" cho các trường hợp li hôn đầu cơ căn hộ. Tuy nhiên, vào năm 2020 - sau một năm bị Covid-19 hoành hành, người dân Trung Quốc bất thần đổ xô vào mua bán bất động sản. Họ khiến thị trường này nóng sốt đến mức, chính quyền phải ra tay "hạ nhiệt" tức thì.

Khoảng giữa năm 2020, Nam Kinh và Thâm Quyến tiên phong cấm cấp quyền sở hữu căn hộ cho người li hôn chưa đủ 3 năm. Họ thành công khiến cơn sốt bất động sản hạ xuống.

 Trào lưu li hôn giả của giới trẻ Trung Quốc, mục đích đằng sau khiến chính phủ lo ngại và gấp rút ra luật mới - Ảnh 6.

Quy định gia hạn 3 năm chặn đứng mánh khóe li hôn tạm thời

Trước khi Thượng Hải áp dụng lệnh cấm mới, Wu có một cơ hội rút thăm ở Phố Đông, nhưng không trúng. Chị chưa kịp tìm chỗ khác thì chính quyền thành phố đã tuyên bố "học theo Nam Kinh". Cũng vào ngày 21/1/2021, giấc mộng đầu cơ căn hộ của Wu tan vỡ. "Tôi không thể đoán biết, giá cả thị trường bất động sản sau 3 năm nữa sẽ ra sao," – chị than thở. "Tôi cũng chẳng thể biết đến lúc đó, nhà nước sẽ ra thêm những chính sách nào. Bây giờ, tôi cần tái hôn gấp".

Tham khảo Sixthtone

Vũ Huế

Cùng chuyên mục
XEM