Tranh luận về việc kinh tế Mỹ suy thoái hay không?
Tại sao các chuyên gia vẫn "đấu khẩu" kinh tế Mỹ có suy thoái hay không? Tiêu chuẩn nào định nghĩa cho việc này?
Theo hãng tin CNBC, kinh tế Mỹ đã có quý thứ 2 suy giảm GDP liên tiếp trong năm 2022 và chính thức rơi vào suy thoái về lý thuyết.
Tuy nhiên hãng tin CNN thì lại cho rằng điều này chưa chắc bởi người có thẩm quyền chính thức tuyên bố Mỹ suy thoái thuộc về Uỷ ban Xác định chu kỳ kinh doanh (Business Cycle Dating Committee) thuộc Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBRE), vốn là cơ quan không áp dụng định nghĩa 2 quý suy giảm GDP liên tiếp là suy thoái.
Kinh tế Mỹ suy giảm GDP hai quý liên tiếp
Suy thoái kinh tế (Recession) được định nghĩa trong kinh tế học vĩ mô là sự suy giảm của Tổng sản phẩm quốc nội thực (Real GDP) trong thời gian hai hoặc hơn hai quý liên tiếp trong năm (nói cách khác, tốc độ tăng trưởng kinh tế âm liên tục trong hai quý).
Tuy nhiên, định nghĩa này không hoàn toàn được chấp nhận rộng rãi. Cơ quan NBER đưa ra định nghĩa về suy thoái kinh tế còn mập mờ hơn, đó là "sự sụt giảm hoạt động kinh tế trên cả nước, kéo dài nhiều tháng".
Thay vì tiêu chuẩn suy giảm GDP 2 quý liên tiếp, NBER lại thường dựa trên 6 yếu tố để xác định suy thoái kinh tế bao gồm:
-Thu nhập cá nhân thực sau khi trừ đi các khoản thanh toán.
-Thị trường lao động phi nông nghiệp.
-Tỷ lệ người lao động có việc làm dựa trên khảo sát hộ gia đình do Cục Thống kê lao động thực hiện.
-Chi tiêu dùng cá nhân thực tế.
-Doanh thu bán lẻ sau khi điều chỉnh theo biến động giá cả.
-Sản lượng công nghiệp.
Suy thoái...
Số liệu chính thức công bố cho thấy GDP của Mỹ đã giảm 0,9% trong quý II/2022 so với cùng kỳ năm trước. Trong quý I/2022, GDP của Mỹ cũng giảm 1,6% so với năm 2021.
Nhiều chuyên gia nhận định các doanh nghiệp trữ hàng quá nhiều hậu đại dịch để rồi khó tiêu thụ vì lạm phát tăng cao. Người dân dành tiền cho năng lượng và nhu yếu phẩm trong bối cảnh những khoản hỗ trợ dần chấm dứt, chưa kể việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất khiến nhiều khoản vay nợ, thế chấp hay đầu tư có chi phí cao hơn.
Trên thực tế, việc FED nâng lãi suất cũng phản ánh nỗi lo giảm tốc tăng trưởng của Mỹ trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát và xung đột ở Ukraine hiện nay. Đó là chưa kể đến những yếu tố như mức chi tiêu đầu tư công của liên bang và từng bang, thế rồi hàng tồn kho...
Hãng tin CNBC cho biết Tổng đầu tư của khu vực tư nhân Mỹ đã giảm 13,5% trong quý II/2022. Chi tiêu của người tiêu dùng chỉ tăng 1% trong bối cảnh lạm phát phi mã.
Mặc dù chi tiêu cho mảng dịch vụ tăng 4,1% nhưng tiêu dùng cho mảng hàng hóa lại sụt giảm mạnh. Chi tiêu cho hàng hóa mềm (Nondurablae Goods: Các sản phẩm dễ bị thay thế) giảm 5,5% trong khi hàng hóa lâu bền (Durable Goods) giảm 2,6%.
Hàng tồn kho, vốn là động lực tăng trưởng GDP của năm 2021 khi các doanh nghiệp trữ hàng để kỳ vọng sự bùng nổ của nền kinh tế hậu đại dịch thì nay lại giảm 2% trong quý II.
Lạm phát tại Mỹ thì tăng 8,6% trong quý II. Mức cao nhất kể từ năm 1981. Hậu quả là thu nhập cá nhân bình quân sau thuế đã điều chỉnh lạm phát giảm 0,5%, còn tỷ lệ tiết kiệm cá nhân cũng giảm 5,6% so với quý I/2022 để xuống mức 5,2%.
...hay không suy thoái?
Dẫu vậy hãng tin CNN cho biết con số trên sẽ còn được điều chỉnh 2 lần nữa và việc định nghĩa Mỹ có lạm phát hay không còn phải tùy thuộc vào quan điểm từng người.
Chủ tịch FED Jerome Powell khẳng định kinh tế Mỹ không suy thoái
Trong khi nhiều chính trị gia, một số nhà kinh tế và nhà đầu tư cho rằng Mỹ đã rơi vào suy thoái thì Tổng thống Joe Biden hay Chủ tịch Jerome Powell của FED lại không cho rằng như vậy. Trong lời tuyên bố gần nhất, Chủ tịch Powell đánh giá những con số GDP không chứng minh được kinh tế Mỹ suy thoái, thậm chí ông còn nghi ngờ về tính chính xác của số liệu.
"Những gì chúng ta đang có hiện nay không có vẻ gì là một cuộc suy thoái", ông Powell khẳng định.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody’s Analytics nhận định: "Nền kinh tế của chúng ta chưa suy thoái, nhưng rõ ràng là bị tăng trưởng chậm lại".
Một dấu hiệu được các nhà kinh tế học đưa ra là số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần tính đến ngày 23/7/2022 tại Mỹ đã giảm 5.000 xuống còn 256.000 đơn so với tuần trước đó.
Trên thực tế, câu chuyện suy thoái kỹ thuật không hề hiếm khi Nhật Bản cũng lâm vào tình trạng tương tự vào năm 2020 trước khi đại dịch diễn ra. Trong khoảng 25 năm, nền kinh tế này đã có 8 lần suy thoái kỹ thuật và câu chuyện này đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân khi họ thích tiết kiệm hơn vung tiền chi tiêu dù có được tăng lương hay hỗ trợ thêm từ chính phủ.
Tâm lý đám đông
Suy thoái kinh tế từng xuất hiện rất lâu trước khi được các chuyên gia đặt ra tiêu chuẩn chung. Những cuộc chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh đã từng khiến kinh tế nhiều quốc gia lâm vào khủng hoảng. Bởi vậy, các chuyên gia kinh tế cũng có những tiêu chuẩn khác nhau khi nói về suy thoái. Phải đến năm 1974, Ủy viên bộ thống kê lao động Mỹ Julius Shiskin đề nghị một số tiêu chuẩn cho định nghĩa về suy thoái thì các học giả mới dần áp đặt các tiêu chuẩn chung.
Một trong những tiêu chuẩn mà Shiskin đề nghị là suy giảm GDP trong 2 quý liên tiếp. Theo thời gian, các học giả thường áp dụng tiêu chuẩn này cho một cuộc suy thoái "kỹ thuật" mà bò qua dần những tiêu chuẩn khác.
Tất nhiên, tại một số khu vực, với một số tổ chức hay chuyên gia, họ vẫn sử dụng các tiêu chuẩn khác nhau để đánh giá về suy thoái. Ví dụ như tiêu chuẩn tỷ lệ thất nghiệp tăng 1,5-2 điểm phần trăm liên tục trong vòng 12 tháng.
Khi một cuộc suy thoái diễn ra, tổng thể các hoạt động của nền kinh tế từ tiêu dùng, đầu tư, chi tiêu công cho đến xuất nhập khẩu đều xuất hiện ảnh hưởng tiêu cực. Thông thường, những thị trường chứng khoán, bất động sản hay các tài sản có tính thanh khoản cao sẽ rất nhạy bén với những thông tin về suy thoái.
Tuy nhiên đáng nguy hiểm hơn cả vẫn là hiệu ứng bầy đàn trong tâm lý học và sự sợ hãi nói chung của mọi người khi nền kinh tế đang trên đà đi xuống theo chu kỳ sẽ làm trầm trọng thêm tình hình. Doanh nghiệp sa thải nhân viên, hạn chế đầu tư để tiết kiệm vốn. Người dân hạn chế đầu tư để tiết kiệm ngân sách sinh hoạt.
Bởi vậy, rất dễ hiểu khi các chính trị gia vẫn nhất quyết tranh cãi về câu chuyện Mỹ có suy thoái hay không.
*Nguồn: CNBC, CNN, Bloomberg