Trải nghiệm thiết bị thông minh cho mũ bảo hiểm, biết gọi báo người thân khi bạn gặp tai nạn do nhóm sinh viên Việt chế tạo

24/03/2017 16:21 PM | Startup

Savy Helmet's Assistant cho phép người dùng nghe gọi điện thoại, đọc tin nhắn hand-free khi đang đi đường và đặc biệt là giúp phát hiện sớm các trường hợp tai nạn để cảnh báo cho người thân.

Khởi nghiệp cùng Kawai – một trong những cuộc thi khởi nghiệp nổi tiếng nhất dành cho sinh viên mới đây đã kết thúc với giải Nhất chung cuộc thuộc về nhóm Mubahi – Thiết bị thông minh cho mũ bảo hiểm.

Cuộc thi từng là bệ phóng chắp cánh cho nhiều thương hiệu nổi tiếng như Rio Creative, Blue Angel, Ybox.vn, Táy Máy Tò Mò, Mỹ thuật bụi,… Sản phẩm của nhóm sinh viên Bách Khoa, Ngoại Thương và HV Ngân hàng giành chức quán quân năm nay có gì đặc biệt?

Các thành viên nhóm Mubahi

Xuất phát từ đam mê cá nhân với các sản phẩm thông minh, trưởng nhóm Phan Thế Lâm, hiện đang là sinh viên năm cuối trường ĐH Bách Khoa Hà Nội đã dành hơn 1 năm tìm hiểu và thử nghiệm nhiều ý tưởng khác nhau trước khi rủ thêm bạn bè tham gia Kawai với thiết bị có tên Savy Helmet's Assistant.

Hãy cùng chúng tôi trải nghiệm các tính năng của Savy trong video dưới đây.

Savy Helmet's Assistant cho phép người dùng nghe gọi điện thoại, đọc tin nhắn hand-free khi đang đi đường và đặc biệt là giúp phát hiện sớm các trường hợp tai nạn để cảnh báo cho người thân.

Theo thiết kế chính thức, Savy có dáng trụ tròn, gắn vào phần chân đế cong có thể dễ dàng bám dính sát vào thân mũ bảo hiểm. Ngoài linh kiện bên trong, các chi tiết vỏ ngoài thiết bị đều được đặt làm bằng máy in 3D.

Thiết kế mẫu Savy Helmet's Assistant

Phần loa – mic hình tam giác có thể gắn gọn vào một bên quai mũ cạnh tai người đội, cho phép họ nghe gọi và xem tin nhắn (qua giọng đọc của Google) chỉ bằng việc ấn nút trên thiết bị ngay khi đang đi đường mà không cần rút điện thoại ra.

Savy kết nối với điện thoại người đội qua Bluetooth và được tích hợp cảm biến chuyển động kết nối với một vi điều khiển trung tâm. Savy có thể đọc các thông số về gia tốc và vận tốc góc gửi về từ cảm biến với tần suất 3 ms/lần, tương đương 333 lần/s. Sau đó, vi điều khiển xử lý các giá trị được gửi về để xác định xem người đội có bị tai nạn hay không với độ chính xác khá cao.

Nếu có tai nạn, thiết bị sẽ kích hoạt điện thoại của người đội gửi cảnh báo kèm vị trí của họ trên bản đồ cho người thân qua ứng dụng Savy Helmet’s Assistant. Trong trường hợp người thân không có kết nối Internet, thiết bị sẽ gửi vị trí của người đội cho họ qua SMS. Pin máy cũng cho phép người dùng sử dụng trong khoảng 6-8 tiếng đi đường.

Giao diện ứng dụng Savy Helmet's Assistant

Người mang thiết bị Savy có thể lựa chọn bật chế độ báo địa điểm real-time cho người thân (các bậc cha mẹ có thể dùng để quản lý con cái) hoặc tắt đi để đảm bảo quyền riêng tư. Tất nhiên, ngay cả khi tắt đi thì người dùng cũng không cần phải lo lắng về việc Savy có gửi được cảnh báo khi xảy ra tai nạn cho người thân hay không vì tính năng này vẫn luôn được chạy ngầm trên thiết bị.

Nhóm cũng cho biết chế độ cảnh báo tai nạn của Savy chỉ được kích hoạt khi người dùng ở trạng thái đang đội mũ và điều khiển xe nên sẽ khó xảy ra tình huống báo nhầm do rơi mũ.

Phan Thế Lâm chia sẻ rằng giải thưởng Kawai lần này được các bạn sử dụng để tiếp tục nghiên cứu, phát triển sản phẩm. Trong tương lai gần, nhóm hy vọng có thể ra mắt phiên bản hoàn chỉnh và gọi thêm vốn đầu tư để mở rộng sản xuất.

Theo Ngocmiz

Cùng chuyên mục
XEM