Trải nghiệm đáng sợ khi gặp Elon Musk: Chờ hơn 1 giờ đồng hồ, không được phép mở lời trước khi Musk nói
Phong cách lãnh đạo của Musk cùng thái độ 'thiếu tôn trọng' với đối tác đang nhận về nhiều ý kiến trái chiều.
Theo BI, đối tác khi đến gặp Elon Musk tại trụ sở Twitter ở San Francisco thường phải đợi hơn 1 giờ đồng hồ. Ngoài ra, họ cũng sẽ không được phép mở lời trước khi Musk nói để thể hiện sự “tôn trọng”. Tuy nhiên đổi lại, vị CEO giàu nhất thế giới này lại thoải mái xem các video trên Youtube ngay khi cuộc họp đối tác đang diễn ra.
Phong cách lãnh đạo của Musk vốn đã bị chỉ trích nặng nề kể từ khi ông tiếp quản Twitter gần 2 tháng trước. Một trong những động thái “gây phản cảm” đầu tiên là ngay lập tức sa thải một số quản lý hàng đầu của công ty, sau đó thẳng tay cắt giảm hơn một nửa lực lượng lao động để tối ưu chi phí hoạt động. CEO Tesla cũng được cho cũng đã lấy đi nhiều phúc lợi của nhân viên, sử dụng các cuộc thăm dò trên Twitter để đưa ra các quyết định quan trọng song lại chóng vánh lật ngược kế hoạch.
Đơn cử như mới đây, Elon Musk đã tạo 1 cuộc thăm dò trên mạng xã hội để hỏi người dùng rằng liệu ông có nên từ bỏ vai trò là người đứng đầu Twitter hay không.
“Tôi có nên từ chức lãnh đạo Twitter không? Tôi sẽ làm đúng theo kết quả của cuộc thăm dò này”, Musk đăng tải và nói lời xin lỗi, đồng thời thông báo trong tương lai, ông sẽ tổ chức các cuộc bỏ phiếu trước khi ra quyết định.
Sau khoảng 10 giờ đồng hồ, bài đăng thăm dò đã có gần 5 triệu lượt vote, trong đó, có 57,8% đồng tình rằng Musk nên rời vị trí. Dẫu vậy, cho đến thời điểm hiện tại, Musk vẫn là người đứng đầu Twitter.
“Tôi sẽ từ chức CEO nếu tìm thấy ai đó đủ ngốc nghếch để nhận công việc này! Sau đó, tôi chỉ điều hành nhóm phần mềm và máy chủ”, Musk viết trên Twitter.
Theo BI, Elon Musk là người được biết đến với cách tiếp cận công việc cứng nhắc. Ông thường xuyên ngủ tại các nhà máy của Tesla trong quá trình sản xuất và làm điều tương tự tại văn phòng Twitter như một minh chứng cho sự “cuồng yêu công việc”.
Chia sẻ với BI, một nhân viên cho biết CEO Twitter rất thích khám phá, giải quyết vấn đề và lập trình cả đêm. Trước đó, Elon Musk đã nói với các nhân viên rằng quá trình xây dựng Twitter 2.0 rất khó khăn và yêu cầu họ làm việc nhiều giờ với cường độ cao, nếu không sẽ bị buộc cho thôi việc. Vị tỷ phú sau đó cũng loại bỏ các chính sách làm việc từ xa và buộc nhân viên làm việc trực tiếp tại văn phòng.
Quyết định này đã gây ra nhiều phản ứng dữ dội. Luật sư đại diện cho các cựu nhân viên của Twitter cho biết yêu cầu làm việc tại văn phòng đã phá vỡ lời hứa trước đó của nền tảng mạng xã hội. Một cựu nhân viên Twitter cũng đã đệ đơn kiện và lập luận rằng quan điểm mới về làm việc từ xa là phân biệt đối xử.
Không những vậy, thái độ của Musk với cựu nhân viên Twitter, đặc biệt là bộ phận những lao động thu nhập thấp như lao công dọn dẹp, cũng bị cho là không phải phép. Theo một thượng nghị sĩ bang California, cách Musk đối xử với nhân viên cũ được ví như với “rác”. Luật sư thành phố San Francisco, David Chiu, thậm chí còn đang điều tra xem liệu Musk có vi phạm luật lao động hay không.
“Elon Musk đã có một lịch sử lâu đời về việc coi thường luật lao động”, ông Chiu nói. “Tôi không ngạc nhiên lắm khi điều này xảy ra, nhưng tôi thông cảm cho những công nhân này và sẽ xem xét vấn đề”.
Theo Olga Miranda, Chủ tịch Hiệp hội lao công, một cuộc đình công đã diễn ra như một cách để phản đối chính sách bất công của Musk. Cô ấy cho biết các nhân viên lao công nhận thông báo sa thải một cách rất đột ngột và không hề có sự chuẩn bị trước.
“Họ thông báo 3 tuần trước Giáng sinh”, Olga Miranda bất bình nói.
“Trong ngắn hạn, tôi muốn thấy Elon Musk đối xử với những người lao công như con người”, Thượng nghị sĩ bang California Scott Wiener nói. “Ông ta nên để họ có làm việc thay vì ném họ ra ngoài ngay trước Giáng sinh”.
Hiện mạng xã hội Twitter đang phải đối mặt với hàng loạt rắc rối pháp lý từ vụ sa thải hàng nghìn nhân viên hồi tháng 11, và mới nhất là cáo buộc phân biệt đối xử với nhân viên nữ.
Được biết hai cựu nữ nhân viên này đã nộp đơn kiện lên tòa án với lý do Twitter sa thải quá nhiều nhân viên nữ và vi phạm các quy định về cấm phân biệt giới tính ở nơi làm việc. Cụ thể, hãng sa thải tổng cộng 57% nhân viên nữ so với 47% nhân viên nam. Ở khối kỹ thuật, con số này lên tới 63% nữ và 48% nam.
Trước đó, Twitter cũng đã đối mặt nhiều đơn kiện về việc sa thải nhân viên không thông báo trước, không trả trợ cấp công việc đầy đủ. Việc ông chủ mới Elon Musk bỏ chính sách làm việc tại nhà cũng bị chỉ trích là đã buộc nhiều nhân viên khuyết tật phải thôi việc.
Theo: BI, The Star