Trai nghèo bỏ việc cổ cồn ở các sàn chứng khoán đình đám nhất, đi "dạy" người Úc ăn burrito đúng kiểu, trở thành ông chủ chuỗi nhà hàng món Mexico lớn nhất xứ kangaroo

06/12/2019 21:00 PM | Kinh doanh

Marks bắt đầu kinh doanh vào năm 2006, sau 17 năm, chuỗi của anh mở rộng tới 115 địa điểm trên khắp Australia, Singapore và Nhật Bản.

Khi Steven Marks tìm được một công việc tại một quỹ phòng hộ hàng đầu ở Phố Wall, anh ấy nghĩ rằng mình đã thành công. Marks khi đó 23 tuổi là một trong hai sinh viên vừa mới tốt nghiệp đã kiếm được một vị trí trong đội ngũ của nhà đầu tư huyền thoại Steve Cohen tại New York - quả là kỳ tích đối với một chàng trai nghèo ở Brooklyn.

Năm 27 tuổi, Marks có chỗ đứng riêng của mình ở một bàn giao dịch tại London, tận hưởng cuộc sống ngoài quảng trường mang tính biểu tượng của Chelsea - Sloane. Nhưng đến năm 30 tuổi, ánh sáng đó dường như đã biến mất và Marks khao khát có một khởi đầu mới.

Mark chia sẻ: “Những người khác nghĩ rằng bạn phải có một nghề nghiệp ổn định, nhưng điều đó không đúng”. Vì vậy, anh quyết định thay đổi hoàn toàn cuộc sống trước kia và đặt vé một chiều đến Úc cùng giấc mơ bắt đầu lại mọi thứ.


Hành trình từ một người quản lý quỹ trở thành nhà sáng lập

Mười bảy năm trôi qua, Marks là người đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Guzman y Gomez, chuỗi nhà hàng ăn uống bình dân Mexico ở Úc. Marks bắt đầu kinh doanh vào năm 2006, một vài năm sau khi chuyển xuống Down Under và từ đó đã mở rộng tới 115 địa điểm trên khắp Australia, Singapore và Nhật Bản.

Trai nghèo bỏ việc cổ cồn ở các sàn chứng khoán đình đám nhất, đi dạy người Úc ăn burrito đúng kiểu, trở thành ông chủ chuỗi nhà hàng món Mexico lớn nhất xứ kangaroo - Ảnh 1.

Guzman y Gomez mở rộng tới 115 nhà hàng trên khắp Australia, Singapore và Nhật Bản

Chia sẻ với CNBC Make It ở Sydney, Marks nói: "Tất cả là một câu chuyện thành công bắt đầu bởi sự tình cờ ngẫu nhiên. Ban đầu tôi ấp ủ dự định về kế hoạch xây dựng một khách sạn bên bờ biển. Tuy nhiên, trong khi vật lộn để đưa kế hoạch của mình thành hiện thực, tôi đã may mắn thành công với một ý tưởng hoàn toàn khác."

Những ngày còn ở New York Marks được thưởng thức nhiều đồ ăn Mexico, "Tôi thực sự nhớ những món ăn ngon của Mexico" Marks nói. "Ở Úc, họ không hề biết món ăn Mexico ngon đến như thế nào. Hầu hết mọi người còn lầm tưởng đậu đen chính là ô liu". Vì vậy, Marks quyết định tìm cách đưa món ăn Mexico đến cho mọi người, anh ấy đầu tư vào mọi thứ mình có từ để tạo ra một thương hiệu mà bản thân tin rằng không thể thất bại.

Marks đã hợp tác với Robert Hazan, một người bạn cũ từ Hoa Kỳ, quyết tâm thực hiện ý tưởng và vận hành việc kinh doanh mạo hiểm này. "Tôi đã câu kéo được những nhân viên giỏi nhất từ ​​các nhà hàng Mỹ Latinh và mời được các đầu bếp chuyên nghiệp đến từ Mexico. Là người có đam mê về kinh doanh tôi biết không muốn phải đi sao chép của bất kỳ ai. Lý do tôi trở thành một doanh nhân là vì tôi nghĩ rằng mình có thể làm điều gì đó tốt hơn."


Xây dựng thương hiệu

Marks nhớ lại những ngày đầu: "Đó là một công việc kinh doanh không dễ dàng. Chúng tôi thực sự phải giáo dục thị trường bằng việc chạy những ngày burrito miễn phí thường xuyên để giành được khách hàng."

Nhưng theo Marks, bằng cách nhân đôi cửa hàng ở Sydney và tạo ra các địa điểm trong bất động sản của Triple triple A, anh đã sớm có thể thiết lập một thế mạnh.

Marks nói: "Tôi bị ám ảnh vào việc làm thế nào để khiến mọi người yêu thích thương hiệu GyG. Rất nhiều doanh nghiệp mắc sai lầm trong việc mở rộng và truyền bá công việc kinh doanh của họ khi chúng còn đang quá mỏng. Chính vì vậy, tôi giữ mọi thứ tập trung ở Sydney trong vài năm đầu".

Bài học từ Phố Wall

Cách tiếp cận đó sớm thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư, những người muốn ủng hộ thương hiệu GyG - một thương hiệu đang ngày càng phát triển.

Trai nghèo bỏ việc cổ cồn ở các sàn chứng khoán đình đám nhất, đi dạy người Úc ăn burrito đúng kiểu, trở thành ông chủ chuỗi nhà hàng món Mexico lớn nhất xứ kangaroo - Ảnh 2.

Kinh nghiệm từ phố Wall giúp Marks trong việc lựa chọn nhà đầu tư

Tuy nhiên, Marks cho biết những ngày còn làm việc Phố Wall đã dạy anh chọn các nhà đầu tư của mình một cách cẩn thận. Marks sẽ không nhận tiền từ những người không phù hợp với tầm nhìn của mình. "Những người không phù hợp muốn đầu tư, tôi đều từ chối họ. Vì vậy, chúng tôi vẫn phải hoạt động ngay cả khi chúng tôi không còn tiền." Marks nói.

Ba năm sau, với sáu nhà hàng được mở ra, sự kiên nhẫn của Marks đã được đền đáp. Anh và người đồng sáng lập đã thiết lập thỏa thuận với đội ngũ đằng sau McDonald Australia, người mà anh nói chia sẻ niềm đam mê của mình và giúp thúc đẩy sự mở rộng trong nước và quốc tế của công ty.

Quay trở lại nước Mỹ 

Một thập kỷ sau, Marks hiện có một tâm trí hướng về quê hương Hoa Kỳ. GyG chuẩn bị khai trương nhà hàng Bắc Mỹ đầu tiên tại Chicago vào đầu năm 2020. Marks cho biết thương hiệu sẽ tập trung vào các địa điểm phục vụ đồ ăn ngay trên xe khi nó đối đầu với những đối thủ lớn như Chipotle và Taco Bell.

Nhưng doanh nhân người Mỹ tự tin rằng GyG có những gì cần thiết để giành lại thị trường mới một lần nữa nhất là khi công ty của Marks vừa ký hợp đồng trị giá 44 triệu đô la với công ty đầu tư TDM Partners vào tháng 8 năm 2018 nhằm mở rộng kinh doanh.

"Khi bạn xây dựng một cái gì đó, mọi người thường quá lo lắng về sự cạnh tranh. Tôi thì không, tôi biết những gì tôi giỏi và tôi tập trung hoàn toàn vào những thứ như vậy”, Marks nói.

Duy Thắng

Cùng chuyên mục
XEM