TPHCM muốn cơ chế đặc thù để chỉnh trang đô thị
Ông Nguyễn Thành Phong– Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, TPHCM cần được áp dụng cơ chế đặc thù, nhất là trong lĩnh vực tài chính để nhanh chóng hoàn thành mục tiêu xây dựng, chỉnh trang và phát triển đô thị.
Sáng 7/10, tại Hội trường Thành ủy, Sở Xây dựng TPHCM tổ chức Hội thảo chuyên đề “Quản lý xây dựng, chỉnh trang và phát triển đô thị TPHCM”.
Cần cơ chế chủ động tài chính
Tại đây, ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TPHCM cho biết: “TPHCM cần được áp dụng cơ chế đặc thù, nhất là trong lĩnh vực tài chính để nhanh chóng hoàn thành mục tiêu xây dựng, chỉnh trang và phát triển đô thị. Ngoài ra, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ 10, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã thông qua Chương trình đột phá thứ 7 về “chỉnh trang và phát triển đô thị.
Mục tiêu của chương trình là tập trung nguồn lực đầu tư để chỉnh trang và phát triển đô thị. Phấn đấu đến năm 2020, di dời và tổ chức lại cuộc sống cho 20.000 người dân đang sống trên và ven các kênh, rạch. Cùng với đó là xây mới, cải tạo 50% số chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975”.
Trong 10 năm qua, có 32 chung cư cũ tại được cải tạo, xây dựng mới, do đó, ông Phong đề nghị Bộ Xây dựng và các đơn vị liên quan nên tập trung tìm ra những giải pháp kiến nghị lên Chính phủ để cho phép TPHCM được áp dụng cơ chế đặc thù nhằm chủ động huy động các nguồn lực cho đầu tư chỉnh trang phát triển đô thị, đặc biệt là cơ chế tài chính.
Ngoài ra, ông Phong cũng yêu cầu TPHCM phải thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản (BĐS), tăng cường công tác quản lý nhà nước nhằm định hướng, kiểm soát và bảo đảm thị trường này phát triển một cách bền vững, minh bạch, thu hút đa dạng các nguồn vốn đầu tư.
Hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho TPHCM
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho hay: “Công tác phát triển đô thị của TPHCM được xem là một trong những định hướng phát triển then chốt của TP và đã đạt được nhiều thành tựu lớn. Điều này được thể hiện qua việc nhiều đô thị giao thông, kiến trúc hiện đại đã được xây dựng, hệ thống hạ tầng ngày càng được nâng cao và hiện đại hóa. Bên cạnh những kết quả tích cực, TPHCM cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới như việc mất kiểm soát trong tăng trưởng dân số cơ học, phát triển hạ tầng chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế và dân số, ô nhiễm môi trường, lấn chiếm kênh rạch, biến đổi khí hậu”.
Cũng theo người đứng đầu Bộ này, để giải quyết được hết những tồn tại trong vấn đề phát triển, chỉnh trang đô thị thì cần phải được nhìn nhận dưới tư duy mới, có sự phối hợp rõ ràng giữa các nhà khoa học và cơ quản quản lý nhà nước. Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng cam kết sẽ ủng hộ mạnh mẽ để TPHCM sớm hoàn thành tốt nhất mục tiêu đã đề ra.
Hiện trên địa bàn TP có nhiều công trình giao thông, kiến trúc hiện đại được xây dựng, nhiều dự án đầu tư phát triển đô thị đã được hình thành, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đã được quan tâm đầu tư nâng cấp từng bước hiện đại như sự hồi sinh của các con kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Tàu Hũ-Bến Nghé, lò gốm; sự hình thành của các tuyến đường Trường Sa, Hoàng Sa và kênh trên tuyến phố đi bộ khang trang rộng rãi... đã làm cho bộ mặt đô thị ngày càng khang trang hiện đại.
Thông qua buổi hội thảo, bà Lưu Thị Thanh Mẫu - Tổng giám đốc Tập đoàn Phúc Khang nói: “Nếu so với các TP khác có tỉ lệ mảng xanh bình quân đầu người khá cao như Singapore hơn 30 m2/người, Seoul 41 m2/người, Berlin, Đức 50 m2/người … thì TPHCM quá ít ỏi, nội thành chỉ 2,4 m2/người. Vừa qua, đề xuất chính quyền TP đề ra một số cơ chế khuyến khích đầu tư công trình xanh như ưu đãi về tài chính, vốn vay, thuế, thủ tục hành chính, đơn giá thiết kế xây dựng xanh, hiện Cty đang triển khai một số dự án, công trình xanh theo tiêu chuẩn Leed của Mỹ”.