Tốt nghiệp Stanford, mất việc tại nơi từng cống hiến 16 năm, tiến sỹ này học được gì từ công việc lái xe taxi?
Một tiến sĩ từ đại học Stanford tiếng tăm trở thành tài xế taxi sau khi mất việc tại một viện nghiên cứu tại Singapore. Ông đã trở thành một người nổi tiếng sau khi bắt đầu viết blog về những trải nghiệm độc nhất vô nhị mang đậm chất quốc đảo này.
Sinh ra tại Trung Quốc, Cai Mingjie nhận bằng tiến sĩ về lĩnh vực vi sinh học tại đại học Stanford danh tiếng. Ông mất việc vào tháng 5 năm 2008 tại Viện Sinh học phân tử và tế bào thuộc Singapore, nơi ông đã cống hiến suốt 16 năm.
Từ một người có địa vị, ông Cai cũng rất vất vả tìm cho mình một công việc phù hợp: “Tôi đã phải vất vả tìm kiếm việc làm. Tôi đã gửi không biết bao nhiêu CV và đơn xin việc đến nhiều nơi khác nhau tại Singapore, bao gồm các trường đại học, tổ chức chính phủ và các công ty tư nhân.” Tuy nhiên, hầu hết họ đã không hồi đáp, và một vài lời đề nghị mà ông Cai nhận được lại không phù hợp. Khi cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu diễn ra gây ảnh hưởng đến Singapore, nó đã chấm dứt mọi hy vọng tìm kiếm việc làm.
“Tôi đã bị dồn vào một tình thế vô cùng khó khăn. Thất nghiệp ở cái tuổi của tôi khi đó có lẽ là cơn ác mộng tồi tệ nhất có thể xảy ra cho bất cứ người đàn ông bình thường nào.” – ông Cai nhớ lại.
Vì vậy, vào tháng 11 năm 2008, ông đã quyết định trở thành một người lái xe taxi vì tại thời điểm khó khăn ấy, nghề taxi có lẽ là ngành nghề duy nhất tại Singapore còn tuyển người.
Sau khi lấy được bằng lái xe taxi, ông thuê một chiếc Toyota Crown cũ với giá 77 SGD /ngày từ công ty taxi SMRT. Sau khi trả cho các chi phí nhiên liệu, ông mang về được trung bình từ 30 - 50 SGD sau mỗi ngày làm việc kéo dài từ 12 đến 15 giờ.
Ông thừa nhận đó không phải là một số tiền lớn, nhưng ông cảm thấy hạnh phúc, nhất là khi so sánh nó với nơi làm việc cũ đầy tính “độc đoán, thao túng, thiếu trình độ, và cạnh tranh”.
Nhiều người có thể cho rằng sự chuyển đổi từ một giáo sư sang một lái xe taxi là “một bước đi lùi” trong cuộc sống, “nhưng tôi nhìn nhận việc đó theo một khía cạnh khác. Tôi cảm thấy hạnh phúc hơn khi là một lái xe taxi so với 2 năm đã làm giáo sư của mình. Tôi thường cảm thấy tiếc cho bản thân mình vì đã phải làm việc trong môi trường đó.” – Ông chia sẻ.
Bên cạnh công việc mới của mình, ông Cai bắt viết về những trải nghiệm về việc vận chuyển hành khách đi khắp Singapore, và đã thu hút một lượng lớn fan hâm mộ, và thậm chí cả những cơ hội việc làm.
Bức ảnh trên được chụp từ blog của ông vào năm 2009 là một trong những câu chuyện thú vị mà ông đã viết.
“Anh có thể đưa tôi đến Geyland được không?”
Một người đàn ông da trắng tầm 55 tuổi nói với tôi sau khi ông ta lên taxi của tôi tại Chinatown. Lúc ấy là 9:50 tối.
“Geylang ở đâu? Đó là một nơi rất rộng lớn.” Tôi nói.
“Nơi mà những con hổ ở đó.”
“Những con hổ á?”
“Những cô gáiiiiii Thái ý.” Người đàn ông lặp lại một lần nữa, cố gắng để nói đúng với ngữ giọng tiếng Anh nặng nề của ông ta.
“Tôi xin lỗi nhưng tôi không biết họ ở chỗ nào, thưa ông.” Tôi đã nói sự thật.
Vào tháng 4 năm 2010, ông đã xuất bản tuyển tập những câu chuyên về nghề lái taxi của mình mang tên “Diary of a taxi driver: True stories from Singapore’s most educated cabdriver” (Tạm dịch: Nhật ký của một tài xế taxi: Những câu chuyện thực tế về người lái xe taxi có giáo dục nhất tại Singapore). “Taxi! Taxi!”, một bộ phim chuyển thể từ cuốn sách của ông, đã được công chiếu tại Singapore vào năm 2013.
Năm 2010, sau 2 năm trở thành tài xế taxi, ông Cai đã trở về Trung Quốc và giữ vai trò Đại diện pháp lý và Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghệ sáng tạo Hongye.
Câu chuyện về vị tiến sĩ lái taxi ở Singapore là một câu chuyện gây cảm hứng. Dù phải đối mặt với những khó khăn, chúng ta vẫn nên giữ cho mình suy nghĩ rất thoáng và đầy lạc quan giống như nhân vật chính.
Và bạn cũng nên nhận ra rằng cuộc sống luôn đem đến cho chúng ta những bất ngờ thú vị. Nếu không trở thành một tài xế taxi và chỉ gắn bó với 4 bức tường của phòng nghiên cứu, Cai Mingjie sẽ không thể nào được tiếp xúc với con người một cách gần gữi và chân thật đến thế, như cái cách mà ông đã bộc bạch trong cuốn sách của mình:
“Tôi đã học được nhiều điều trên đường phố từ khi trở thành lái xe taxi, những điều mà khi làm nhà khoa học tôi chưa biết đến. Giờ đây, tôi không chỉ biết rất nhiều về địa lý và kiến trúc của đất nước này, mà quan trọng hơn, tôi còn tiếp cận gần hơn đến cuộc sống của những con người coi đây là nhà. Tôi trở thành một phần trong số họ”.