Phó TGĐ Vinasun: Uber, Grab muốn đánh sập và tiêu diệt taxi truyền thống

23/02/2017 16:24 PM | Kinh doanh

Đó là ý kiến chia sẻ của ông Trương Đình Quý, Phó Tổng Giám đốc Vinasun tại buổi hội thảo sáng nay (23/2) bàn về đổi mới quản lý hoạt động taxi do Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam tổ chức.

Uber, Grab không thể đứng ngoài luật

Phó Tổng Giám đốc Vinasun Trương Đình Quý cho rằng mục đích của Uber, Grab khi là đánh sập thị trường và tiêu diệt taxi truyền thống, đẩy doanh nghiệp taxi trong nước gặp nhiều khó khăn dẫn đến phải thu hẹp số lượng xe, lái xe bỏ việc, nhiều doanh nghiệp phá sản.

Theo ông Quý, tại TP.HCM, Uber và Grab đang trì hoãn thực hiện nghĩa vụ đóng thuế. Trong khi đây thực sự là công ty kinh doanh dịch vụ taxi nhưng họ đã lách luật để giành lợi thế so với taxi truyền thống.

Hiện Uber và Grab đăng ký kinh doanh không đúng với ngành nghề thực tế, không cơ quan nào quản lý được giá cước, quản lý hoạt động của tài xế.

“Cùng một bản chất kinh tế, cùng một dịch vụ nhưng chênh lệch thuế suất GTGT làm ảnh hưởng đến giá của taxi truyền thống. Nếu so sánh việc nộp thuế của Uber với Vinasun - doanh nghiệp có hơn 6.000 xe, nộp 692 tỷ đồng tiền thuế thì thấy ngân sách Nhà nước bị thất thu lớn”, Phó Tổng Giám đốc Vinasun nói.

Ngoài câu chuyện thuế, Uber hiện chưa chịu bất kỳ một khoản phí nào trong hoạt động trong khi taxi phải có 13 điều kiện, phải gắn đồng hồ, logo, kiểm định vào nhiều khoản thuế phát sinh.

“Chúng tôi chấp nhận cạnh tranh nhưng phải bình đẳng, hòa nhập nhưng không chấp nhận hòa tan”, ông Quý khẳng định.

Theo ông Quý, Uber, Grab mang vào Việt Nam rất ít vốn, không tạo ra thị trường mới mà giành lấy thị phần từ vận tải truyền thống, nghiễm nhiên mang 20% doanh số của thị trường Việt Nam ra khỏi Việt Nam. Trong khi đó lại không tạo ra việc làm mới, mà chuyển từ lái xe taxi sang những cá nhân.

Ông phân tích khi không có taxi truyền thống thì hàng chục nghìn tài xe mất việc, làm tăng phương tiện giao thông.

“Uber và Grab không thể đứng ngoài luật hiện hành, phải xếp vào loại hình kinh doanh vận chuyển hành khách bằng taxi, phải chịu sự quản lý, cấp phép như taxi truyền thống đang hoạt động, thuế GTGT giống taxi là 10% hoặc áp dụng cho taxi truyền thống như Grab với Uber. Công khai thuế, phí phải nộp hàng năm. Chịu sự khống chế về số đầu xe đang kinh doanh, đăng ký giá và chịu sự quản lý giá...”, Phó TGĐ Vinasun kiến nghị.

Chung một nỗi niềm như Vinasun, Phó Tổng Giám đốc Taxi Mai Linh Phạm Minh Sương mong muốn có sự bình đẳng trong quản lý, điều kiện kinh doanh, điều tiết quản lý giao thông, tham gia vào vận tải công cộng, để doanh nghiệp có thể tồn tại.

Chính sách thuế tạo ra cuộc cạnh tranh không cân sức

Về câu chuyện này, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM cho rằng taxi Uber đã làm dậy sóng thị trường vận tải cả nước, từ đó tạo ra cuộc cạnh tranh không cân sức giữa doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước.

Ông Long cho biết hiện nay số lượng xe hợp đồng dưới 9 chỗ được cấp phù hiệu tại TP.HCM là dưới 20.000 xe trong khi đó, từ năm 2010 đến nay, số lượng xe taxi vẫn giữ nguyên khoảng 11.000 xe. Chính sự phát triển áp đảo này đã và đang thu hẹp thị phần của taxi truyền thống một cách nhanh chóng, đẩy taxi truyền thống vào thế thua ngay trên sân nhà, do giảm lượng khách, giảm lái xe, giảm doanh thu.

Điều đáng nói, chính sách thuế cũng là một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp taxi truyền thống vô cùng bức xúc.


Chính sách thuế đang tạo ra cuộc cạnh tranh không cân sức giữa taxi truyền thống và hình thức kinh doanh taxi kiểu mới như Uber, Grab

Chính sách thuế đang tạo ra cuộc cạnh tranh không cân sức giữa taxi truyền thống và hình thức kinh doanh taxi kiểu mới như Uber, Grab

Ông Hỷ phân tích trong khi các hãng taxi truyền thống đang phải chịu nhiều loại thuế, trong đó có 2 loại thuế khá cao là thuế giá trị gia tăng 10% và thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%.

Trong khi đó, đối với Uber, Bộ Tài chính áp thuế cho Uber theo thuế suất 3% thuế giá trị gia tăng trên doanh thu được hưởng. Để đảm bảo công bằng các cơ quan chức năng nên áp dụng thống nhất chính sách thuế cho taxi truyền thống và xe hợp đồng – Grab và Uber.

Ví dụ, thuế giá trị gia tăng VAT hoặc là 10% hoặc là 5% trên doanh thu. Dù có xé lẻ, tách nhỏ doanh thu cho từng bộ phận thì tổng thuế phải nộp cũng dựa trên cơ sở tỷ lệ 100% doanh thu. “Chúng tôi kiến nghị thuế giá trị gia tăng các doanh nghiệp kinh doanh taxi Grab và Uber nên ở mức 5%”, ông Hỷ cho biết.

Liên quan đến chính sách thuế, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Việt Nam cho rằng chính sách thuế hiện nay đang tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Uber và Grab đang có lợi thế giá cước tăng tùy ý vì xe hợp đồng không khống chế giá còn taxi phải đăng ký giá với cơ quan quản lý Nhà nước, sau khi được chấp thuận mới được tăng giá, và mất nhiều quy trình mới thay đổi được giá sau khi giá xăng dầu thay đổi. Còn Grab và Uber thay giá tùy tiện, có ngày có thể tăng 5-7 lần.

“Uber 2 năm nộp được 30 tỷ. Theo con số chúng tôi tính toán, Uber có thông báo lái xe trung bình thu nhập 35-40 triệu đồng/tháng, có 75.000 lái xe tham gia, ước tính thu về 1800 tỷ/năm. Như vậy riêng với Uber số 30 tỷ đã nộp thuế chưa bằng số lẻ mà họ lẽ ra phải nộp hàng năm”, ông Bình cho hay.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Taxi Việt Nam Uber hay Grab cũng cần được quản lý như taxi truyền thống, tức chịu 10% trên tổng doanh thu chuyến đi, và chịu 20% thuế thu nhập doanh nghiệp như các hãng taxi truyền thống đang áp dụng.

Theo Hải Minh

Cùng chuyên mục
XEM