Tổng thống Duterte đổi giọng tại Nhật Bản, nói công du Trung Quốc chỉ vì kinh tế

26/10/2016 20:43 PM | Xã hội

Trong chuyến công du Nhật Bản, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte khẳng định chuyến công du Trung Quốc của ông chỉ nhằm mục đích kinh tế và thề sẽ đứng về phía Tokyo trong tranh chấp trên biển, bao gồm cả Biển Đông.

Tại Bắc Kinh, nhà lãnh đạo Philippines khiến nhiều người lo ngại khi bày tỏ sự thân thiết với Trung Quốc , để ngỏ khả năng cắt đứt quan hệ đồng minh với Mỹ vì cho rằng tự do của Philippines đang bị Washington can thiệp. Nhà lãnh đạo Philippines cũng thể hiện thiện chí cùng hợp tác giải quyết vấn đề Biển Đông với Trung Quốc dù chính Manila đệ đơn kiện yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh lên toà Trọng tài Liên Hợp Quốc.

Một ngày trước chuyến công du Nhật Bản, ông Duterte tiếp tục dùng những từ ngữ nặng nề để nói về quan hệ đồng minh với Washington đồng thời đe doạ chấm dứt các hiệp ước quốc phòng giữa Manila và Washington. Tuy nhiên, ngày 26/10, ông Duterte đã có những động thái trấn an quốc gia Đông Bắc Á, Reuters đưa tin.

Tại Tokyo, ông Duterte nhấn mạnh tuyên bố “chia rẽ” với Mỹ khi thăm Trung Quốc không phải là sự cắt đứt quan hệ đồng minh lâu năm với Washington mà chỉ đơn thuần là việc Philippines theo đuổi một chính sách ngoại giao độc lập. Tuy nhiên, tuyên bố khó hiểu của nhà lãnh đạo Philippines khiến Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đau đầu trong bối cảnh Tokyo muốn xây dựng mối quan hệ thân thiết hơn với Mỹ để đối trọng với Trung Quốc trong khu vực.

Tổng thống Duterte cũng nhấn mạnh: “Tới Trung Quốc, tôi đảm bảo với các bạn rằng đó là về kinh tế. Chúng tôi không nói về vũ trang, chúng tôi tránh bàn về việc xây dựng mối quan hệ đồng minh”. Nhà lãnh đạo Philippines cũng mô tả Nhật Bản là “một người bạn đặc biệt, thân thiết hơn cả anh em” và Philippines sẽ đứng về phía Tokyo trong tranh chấp trên biển, trong đó có cả lập trường của Nhật Bản về vấn đề Biển Đông.

Trước những gì nhà lãnh đạo Philippines thể hiện, Thủ tướng Abe hoan nghênh nỗ lực của ông Duterte trong việc cải thiện quan hệ với Bắc Kinh đồng thời cho biết hai nhà lãnh đạo đã nhất trí về tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp trên biển bằng biện pháp hoà bình, không sử dụng vũ lực.

Trước đó, cả Tokyo và Washington đã cam kết với Tổng thống Benigno Aquino, nhà lãnh đạo tiền nhiệm của ông Duterte, về việc ngăn chặn những mối đe doạ từ phía Trung Quốc trên Biển Đông. Cả Nhật Bản và Mỹ đều không tuyên bố chủ quyền ở tuyến hàng hải huyết mạch bậc nhất thế giới này nhưng khẳng định lợi ích quốc gia với tuyến đường biển có lượng hàng hoá trị giá 5.000 tỷ USD qua lại mỗi năm.

Theo Linh Anh

Cùng chuyên mục
XEM