Những người phụ nữ Philippines đi nửa vòng trái đất tìm “miền đất hứa”

19/10/2016 16:18 PM | Kinh doanh

Những y tá người Philippines đầu tiên đã đến Saudi Arabia từ thập niên 1980. Ở thời điểm đó, khi mà Saudi Arabia thiếu nữ y tá trầm trọng, những người phụ nữ Philippines đầu tiên đã bắt đầu đến Saudi Arabia làm việc trong các trung tâm chăm sóc sức khỏe công và tư.

Tại Saudi Arabia, bác sỹ và y tá nam không bao giờ được phép sang khu của bệnh nhân nữ, chính vì vậy Saudi Arabia luôn cần rất nhiều nữ y tá. Tính từ thời điểm đó đến nay, mỗi năm trung bình từ 8.000 đến 10.000 y tá chuyển đến sống và làm việc tại Saudi Arabia. Đối với nhiều người phụ nữ Philippines, sống tại Saudi Arabia còn dễ chịu hơn nhiều so với các nước châu Âu.

Yêu cầu tuyển dụng y tá đầu vào của các nước châu Âu vốn cực kỳ khắt khe. Để được cấp phép làm y tá, phụ nữ Philippines sẽ phải thi rất nhiều bài thi đầu vào ví như thi tiếng Anh TOEFL hay IELTS cũng như vượt qua hàng loạt các cuộc kiểm tra sức khỏe mà không chắc được nhận làm.

Trong khi đó, yêu cầu của Saudi Arabia thấp hơn hẳn. Saudi Arabia chấp nhận tất cả những phụ nữ có 2 năm kinh nghiệm làm việc trong các bệnh viện và vượt qua được kỳ kiểm tra kỹ năng tay nghề vốn không quá hóc búa.

Để có thể thu hút được nữ y tá đến làm việc tại Saudi Arabia, chính phủ Saudi Arabia cũng đưa ra rất nhiều chính sách thu hút nhân lực. Dù sống ở Saudi Arabia bao lâu đi nữa, người nước ngoài sẽ không bao giờ có quốc tịch Saudi Arabia cũng không được hưởng giáo dục miễn phí, chăm sóc y tế miễn phí và không được quyền mua bất động sản.

Chính phủ đưa ra nhiều mức thuế thu nhập khá cao, tuy nhiên, y tá không phải đóng thuế thu nhập. Y tá cũng không phải chịu tất cả các khoản phí liên quan đến visa mà công ty thuê y tá phải chịu khoản đó. Ngoài ra, để ngăn tình trạng lạm dụng y tá, Saudi Arabia có trung tâm chuyên xử lý các thắc mắc của y tá nước ngoài.

Y tá không phải trả phí đi lại, không phải trả tiền thuê nhà. Chính phủ Saudi Arabia cũng cấp nhà ở miễn phí được trang bị đầy đủ thiết bị gia dụng có chất lượng tốt. Hiện nay, căn hộ cho nữ y tá cũng có đủ điều hòa nhiệt độ, lò nướng, lò sưởi. Khi đi siêu thị mua đồ ăn thức uống hay vật dụng cá nhân, y tá cũng được hưởng một số chương trình ưu đãi nhất định. Tỷ lệ tội phạm ở Saudi Arabia thấp nên y tá người nước ngoài cũng không phải lo lắng gì nhiều.

Y tá người nước ngoài cũng được hưởng chế độ chăm sóc y tế miễn phí, gói chăm sóc đó bao gồm bảo hiểm y tế, phí khám chữa bệnh, phí nằm viện và chẩn đoán bệnh tật. Nếu y tá mua xe ô tô, chi phí xăng xe rất rẻ và y tá được hưởng chế độ vay ưu đãi tùy theo thâm niên làm việc tại Saudi Arabia. Ngoài ra, chính phủ Saudi Arabia cũng cung cấp các khóa học tiếng miễn phí cũng như các khóa học về kỹ năng sống tại Saudi Arabia.

Chính sách mà chính phủ Saudi Arabia nhìn hấp dẫn vậy, nhưng trên thực tế cuộc sống của y tá người Philippines tại Saudi Arabia cũng không phải lúc nào cũng dễ chịu.

Có rất nhiều y tá người Philippines đã than phiền về việc họ bị các bệnh nhân người Saudi Arabia bạo hành hoặc dùng những từ ngừ vô cùng mất lịch sự khi giao tiếp với họ khiến họ cảm thấy tổn thương.

Rất nhiều bài báo tại Saudi Arabia đã được xuất bản về việc này và ngay cả người Saudi Arabia cũng không ủng hộ thái độ mất lịch sự ấy. Một người phụ nữ Saudi Arabia nói: “Chúng ta phải tôn trọng những y tá người Philippines bởi họ đã đi cả nửa vòng trái đất đến để phục vụ chúng ta. Nó cũng giống như việc chúng ta không tôn trọng những người thợ sửa xe thì không bao giờ có thể mong chúng ta có xe ô tô tốt để đi vậy. Những người Saudi Arabia yêu quý, đừng nghĩ rằng bạn có thể dùng tiền để mua tất cả mà không cần quan tâm đến người khác nghĩ gì.”

Ngoài ra, có nhiều nữ y tá Philippines rơi vào tình trạng được công ty tuyển dụng lao động đưa đến Saudi Arabia nhưng sau đó làm việc được một thời gian lại bị cắt hợp đồng trước thời hạn nhưng không hề được thông báo rõ lý do. Dù sau đó họ vẫn tiếp tục được ở nhà miễn phí, ăn miễn phí theo chương trình của chính phủ Saudi Arabia tuy nhiên việc phải ở một đất nước xa xôi suốt nửa năm trời mà không có việc làm và không biết trước ngày về nước cũng không hề dễ chịu gì.

Khác biệt về văn hóa và tôn giáo cũng gây ra nhiều trở ngại cho các y tá người Philippines. Dù trước khi tuyển dụng các y tá, ông chủ người Saudi Arabia không bao giờ đề cập đến lý do tôn giáo, thế nhưng sau này khi đã làm việc một thời gian, họ thường cố gắng khuyến khích hoặc thậm chí ép buộc các y tá phải cải đạo sang đạo Hồi nếu họ muốn làm việc lâu dài hoặc muốn được gia hạn hợp đồng.

Ngoài ra, dù không phải đạo Hồi nhưng các y tá người Philippines luôn được yêu cầu phải mang khăn trùm đầu dù họ ở bất kỳ đâu, nếu họ không đeo, cảnh sát sẽ lập tức nhắc nhở nếu họ nhìn thấy. Tuy nhiên, có nhiều người Philippines đã phản ứng bằng cách họ chỉ đeo khăn trùm đầu nếu cảnh sát hỏi còn sau khi cảnh sát đi họ lập tức lột ra.

Dù vậy, bất chấp những khó khăn trên, công việc y tá tại Saudi Arabia vẫn có rất nhiều sức hút đối với người Philippines, chẳng thế mà mỗi năm có từ 8.000-10.000 người Philippines sang Saudi Arabia làm trong ngành y, mang lại nguồn ngoại tệ cực kỳ quan trọng cho Philippines và hình thành nên cộng đồng người Philippines rất lớn mạnh tại Saudi Arabia.

Ngọc Thanh

Cùng chuyên mục
XEM