Thích cô độc nhưng khao khát nhận được quan tâm, nhạy cảm và sĩ diện cao: Xin chúc mừng, bạn là mẫu người hướng nội điển hình
Vì rất nhạy cảm nên người hướng nội thường có thái độ nghi ngờ bản thân đã làm những việc sai trái trong khi sự việc vẫn chưa đến mức bị lên án.
Chúng ta có xu hướng coi những chuyện đã xảy ra trong quá khứ là đặc biệt quan trọng. Ta khó lòng quên được những sự kiện đó bởi nó đã có một quá trình hình thành và phát triển rất tốt đẹp và mang lại cho ta nhiều xúc cảm tuyệt vời.
Người hướng nội được xem là dạng người khó khăn trong việc tìm kiếm niềm vui bằng cách tạo ra những kỉ niệm mới nên ký ức cũ của họ có cơ hội để giày vò và làm tổn thương tâm trí họ nhiều hơn.
Người hướng nội là bậc thầy của việc lưu giữ ký ức và thường "lật ngược" tâm trí của mình lại chỉ để nhìn và xuýt xoa cho những điều đã qua. Họ thường suy nghĩ rất tiêu cực rằng sau này sẽ chẳng có chuyện gì có thể làm họ vui vẻ hơn như vậy nữa. Tương lai còn chưa đến, hiện tại thì quá đỗi bình lặng, duy chỉ có hoài niệm – những câu chuyện thực tế, rõ ràng mang đến cho họ những cảm xúc chân thật – mới thực sự là khoảng thời gian tuyệt vời nhất, đáng lưu tâm nhất và cũng là thứ luôn ám ảnh người hướng nội phải sống trong sự giày vò của tâm trí. Vì lẽ đó mà người hướng nội dễ tiêu tàn và rơi vào khủng hoảng bởi những kỉ niệm không mấy đẹp đẽ.
Họ xem việc thường xuyên nhớ lại những hồi ức là cách gìn giữ riêng cho các giá trị tâm hồn của họ. Con người sẽ không có thể có những giây phút tồn tại ngay bây giờ nếu không có một tập hợp các suy nghĩ và hành động được tạo nên từ quá khứ.
Người hướng nội sẵn sàng bỏ qua mọi lỗi lầm ở hiện tại với người từng cùng họ tạo ra những ký ức đẹp đẽ. Họ cho rằng tương lai chưa đến, quá khứ là những gì làm nên hiện tại nên họ rất trân trọng việc suy tư và hồi tưởng về những ký ức đã qua, nó giúp họ tránh mắc lại những sai lầm đã có và hạn chế được các ảnh hưởng tiêu cực lên cảm xúc của họ từ những trải nghiệm cũ.
Người hướng nội là những cá nhân cực kỳ nhạy cảm. Họ thường có cảm giác như mình vừa làm chuyện gì đó có lỗi với người đối diện trong khi người đó chỉ mới cau mày vì một nguyên nhân khách quan trong cuộc trò chuyện giữa hai người. Dù có thể là người đó đang bị một ai khác lén quan sát từ phía xa, hoặc có cảm giác bị một vài người đằng sau nghe trộm cuộc hội thoại hay đơn giản bị muỗi đốt ở chân khi đang tập trung lắng nghe.
Vì rất nhạy cảm nên người hướng nội thường có thái độ nghi ngờ bản thân đã làm những việc sai trái trong khi sự việc vẫn chưa đến mức bị lên án. Đặc biệt, họ cũng thường tự chỉ trích và phán xét bản thân chỉ vì một khuyết điểm nhỏ.
Người hướng nội là thành phần không bao giờ được đón tiếp một cách nhiệt tình ở các bữa tiệc ồn ào, sôi động. Lý do là họ sẽ không mở miệng để nói một lời nào góp vui cho đến khi được hỏi hoặc được người khác bắt chuyện. Họ sẽ đứng khoanh tay một góc và nhìn người khác khiêu vũ hoặc im lặng nhấp từng ngụm vang và quan sát người khác trò chuyện. Việc này khiến họ dễ bị người khác đánh giá là kẻ nham hiểm hoặc là "thám tử không mời mà đến".
Đừng vội nghĩ sai về họ. Họ chỉ đơn giản là đang vui vẻ theo cách của riêng mình. Họ sẽ khó chịu ra mặt và có thể dứt khoát ra về ngay lập tức khi bị hiểu sai và bị coi là "kẻ theo dõi" chỉ vì tính cách đặt biệt đó. Họ đang tận hưởng không khí của buổi tiệc theo cách mà những người hướng nội cho là thoải mái nhất.
Người hướng nội muốn dành thời gian ở một mình, đó vừa là bản chất, vừa là hệ quả của nhân cách đặc biệt do chính họ tạo ra.
Chúng ta có xu hướng chê trách người hướng nội là những người ít nói và lãnh đạm. Thực tế không phải như vậy. Họ rất muốn chia sẻ và được chia sẻ với những người xung quanh.
Nhu cầu cơ bản của con người là được thấu hiểu, cảm thông và sẻ chia nên người hướng nội xem đó vừa là nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống của mình vừa là ưu thế mà họ có khi đối diện với người khác. Họ sẵn sàng lắng nghe và nhiệt tình chia sẻ tất cả những gì họ cảm thấy. Điều này sẽ khiến họ và người đối diện cảm thấy an lòng hơn.
Nhân cách định hình nên phong cách giao tiếp xã hội của chúng ta và người hướng ngoại sẵn sàng làm cho một buổi tiệc trở nên sôi động theo cách đặt biệt chỉ riêng họ có. Họ sẵn sàng bật cười thỏa mãn trước những trò đùa dai và những câu nói hài hước vô hại từ những người khác hướng vào tâm lý và con người họ trong một buổi gặp gỡ vì họ biết điều đó đơn giản chỉ để khiến không khí của một buổi tiệc trở nên vui vẻ hơn.
Ngược lại, phong cách cơ bản nhất của một người hướng nội thường là tự ái và mẫn cảm trước những lời đùa cợt hướng vào họ, mặc dù chúng có thể hoàn toàn vô hại. Đây là dấu hiệu điển hình cho nỗi sợ bị coi thường ở người hướng nội. Họ là những người nhạy cảm và sĩ diện cao. Tuy nhiên, họ sẽ tha thứ và bỏ qua cho những trò đùa như vậy nếu chúng đến từ một người bạn rất thân. Vì họ hiểu rằng đấy là những lời tạo nên tiếng cười cho cả hai.
Người hướng nội bị hấp dẫn bởi những suy nghĩ và cảm xúc đến từ nội tâm của chính mình và của người mà họ quan tâm. Họ chú trọng vào việc phân tích tâm lý, phán đoán hành vi, những đặc điểm tạo ra hứng thú từ các sự kiện xảy ra xung quanh họ, đặc biệt họ thích tự ám thị bản thân và chính mình cũng ám thị người khác – một dạng thao túng tâm lý có lợi khi người hướng nội đang trong quá trình tạo nên một kiệt tác nghệ thuật hoặc một cuộc cách mạng trong công việc và đời sống. Những việc ám thị đó lại có hại khi họ muốn thao túng cảm xúc của mình (ví dụ khơi lên ý muốn tự tử khi bị trầm cảm đeo đuổi dai dẳng) và tâm lý của người khác để người đó có thể trở thành người yêu, người làm không công cho họ hoặc là người để họ có thể thoải mái chỉ trích không thương tiếc.
Người hướng nội rất sợ những cuộc nói chuyện phiếm nhưng họ cực kỳ hưng phấn, thậm chí quá khích khi được trở thành trọng tâm trong một buổi thảo luận mang tính học thuật về những vấn đề sâu sắc như triết học, vũ trụ học và tâm lý học.
Sự cô độc là một người bạn thân của họ. Ở những thời điểm phải một mình chịu đựng và chống chọi lại cảm giác cô độc, hoặc chính họ là những người lựa chọn cho mình cách sống cô quạnh trong tĩnh lặng, tâm trí người hướng nội luôn đào sâu vào tận gốc rễ những vấn đề gây cho họ nhiều khúc mắc, chẳng hạn như các câu hỏi triết học siêu hình về sự tồn tại của vạn vật hoặc về vũ trụ, tôn giáo, tâm linh…
Vì đã quá quen với cảm giác tự mình đặt câu hỏi rồi trả lời chỉ trong cùng một bộ óc tư duy, nên khi được cùng người khác trò chuyện về các vấn đề mà mình quan tâm thì người hướng nội tỏ ra cực kỳ sâu sắc và nhạy bén. Họ hạnh phúc vì được lắng nghe, họ phấn khích vì được chia sẻ những vấn đề chẳng mấy ai hiểu được và họ tỏ ra thích thú khi tìm thấy số ít người có cùng những mối bận tâm giống họ.
Người hướng nội theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo nhưng lại né tránh sự khởi đầu với hầu hết mọi việc. Đây cũng là đặc điểm chung của phần lớn những người khao khát đạt được kết quả tốt nhất nhưng lại không thể bắt tay vào làm một việc gì đó. Họ đơn giản là sợ phải bắt đầu để rồi không thể đi đến vạch đích như mình mong muốn.
Người theo chủ nghĩa hoàn hảo, hay còn được biết đến với tên gọi người cầu toàn, có xu hướng muốn chi phối tất cả và khao khát tất cả phải hoàn hảo, từ gia đình, bạn bè, công việc, sự nghiệp lẫn hạnh phúc. Một số lý do dẫn đến tâm lý sống hoàn hảo của người hướng nội có thể đến từ việc họ mắc một vài hội chứng rối loạn tâm lý bất mãn hoặc căng thẳng quá mức, cũng có thể vì họ là nạn nhân của căn bệnh trầm cảm hoặc lo âu lâu dài. Ngoài ra, những bất ổn xảy đến trong các mối quan hệ của họ chẳng hạn như bị bỏ rơi trong tình yêu hay đổ vỡ trong công việc và sự nghiệp cũng là những nguyên do khiến cho người hướng nội sống theo chủ nghĩa hoàn hảo trở nên áp đặt tâm lý tạo sự thúc đẩy một cách thái quá cho bản thân mình.
*Nội dung được trích từ cuốn sách "Nâng lên được, đặt xuống được" của tác giả Trương Di.