Tối nay, nhân loại sẽ nhìn thấy tấm ảnh chụp hố đen đầu tiên trong lịch sử

10/04/2019 17:25 PM | Khoa học

Buổi họp báo công bố sự kiện đột phá ngành vật lý thiên văn sẽ diễn ra vào 8 giờ tối nay, theo giờ Việt Nam.

Tối nay, các nhà khoa học sẽ công bố tấm ảnh chắc chắn sẽ làm chấn động toàn bộ giới nghiên cứu thiên văn: tấm ảnh chụp hố đen đầu tiên trong lịch sử ngành. Đây là đột phá vật lý thiên văn sẽ giúp ta có một cái nhìn gần gũi hơn, chính xác hơn vào vật thể bí ẩn trên Vũ trụ mang tên hố đen, với trường lực hấp dẫn mạnh tới mức hút được cả ánh sáng vào trong.

Quỹ Khoa học Quốc tế Mỹ dự định mở một cuộc họp báo tại Washington, công bố "kết quả bất ngờ từ dự án Kính thiên văn Chân trời Sự kiện (EHT)", kết quả của sự hợp tác có từ năm 2012, nhắm tới việc chụp ảnh môi trường bên trong hố đen. Song song với Washington sẽ là những buổi họp báo diễn ra tại Brussels, Santiago, Thượng Hải, Đài Loan và Tokyo.

Buổi họp báo sẽ diễn ra vào 8 giờ tối nay theo giờ Việt Nam, mang theo cơ hội thử thách thuyết tương đối của Einstein. Thiên tài người Đức luận ra thuyết tương đối để giải thích những quy luật xoay quanh lực hấp dẫn và mối liên hệ của nó với những yếu tố khác. Bạn có thể xem livestream tại đường link này.

Vùng chân trời sự kiện của hố đen vũ trụ chắc chắn phải thuộc top đầu những khu vực nguy hiểm nhất từng tồn tại: những thứ đi vượt qua ranh giới đó đều không trở về, dù đó có là một ngôi sao khổng lồ, một hành tinh, khí gas, bất cứ bức xạ điện từ nào và thậm chí, ánh sáng cũng không thể thoát ra khỏi hố đen. Vì thế, việc chụp ảnh hố đen sẽ là một trong những dấu mốc quan trọng của ngành thiên văn học.

Các nhà khoa học có liên quan tới dự án không hề hé lộ trước điều gì, họ kín tiếng cho tới lúc diễn ra buổi họp báo. Tuy vậy, họ vẫn tuyên bố rõ ràng mục tiêu nghiên cứu.

"Đây là dự án chụp tấm ảnh đầu tiên của hố đen vũ trụ. Kết quả tới từ sự hợp tác của 200 nhà nghiên cứu tới từ khắp nơi trên thế giới", nhà vật lý thiên văn Sheperd Doeleman, giám đốc dự án EHT cho hay hồi tháng Ba.

Tối nay, nhân loại sẽ nhìn thấy tấm ảnh chụp hố đen đầu tiên trong lịch sử - Ảnh 1.

Về phần nghiên cứu, các nhà khoa học tập trung vào quan sát hai hố đen siêu lớn.

Đầu tiên là Sagittarius A, nằm tại trung tâm Dải Ngân hà của chúng ta. Nó có khối lượng lớn gấp 4 triệu lần Mặt Trời, nằm cách ta 26.000 năm ánh sáng. Theo những gì ta biết, mỗi một thiên hà đều có một hố đen khổng lồ nằm chính tại chung tâm, có những giả thuyết cho rằng chúng là mỏ neo cố định vị trí một thiên hà trong vũ trụ.

Hố đen thứ hai là M87, nằm tại trung tâm thiên hà Virgo A cạnh chúng ta. Nó có khối lượng gấp 3,5 triệu lần Mặt Trời, cách ta 54 triệu năm ánh sáng. Virgo A phát ra một chùm tia hạt hạ nguyên tử với tốc độ xấp xỉ tốc độ ánh sáng.

Một hố đen thường xuất hiện khi một ngôi sao tiến vào giai đoạn cuối của vòng đời: nó sẽ "sập" xuống, tạo thành một khu vực khổng lồ làm biến dạng tấm nền không thời gian. Hai hố đen nói trên thuộc dạng khổng lồ nhất, rất có thể là do nhiều hố đen gộp lại thành.

Chúng hút cả ánh sáng nên việc quan sát hố đen khá khó khăn; vì vậy, các nhà khoa học nhắm tới việc quan sát vòng ánh sáng – những bức xạ và vật chất lao vào trong hố đen với tốc độ ánh sáng, ở ngay rìa vùng chân trời sự kiện. Chính chúng sẽ tạo thành hình dáng của một hố đen, một vòng trong khổng lồ với vùng tâm có khả năng hút vào bất cứ thứ gì.

Tối nay, nhân loại sẽ nhìn thấy tấm ảnh chụp hố đen đầu tiên trong lịch sử - Ảnh 2.

Vòng sáng đó cũng có thuật ngữ khoa học riêng: họ gọi đó là bóng của hố đen.

Nếu giả thuyết của Einstein chính xác, ta sẽ dự đoán dược cả kích cỡ và hình dáng hố đen. "Hình dáng của bóng hố đen sẽ là một đường tròn gần hoàn hảo, dựa trên tính toán của giả thuyết Einstein đặt ra", nhà nghiên cứu Dimitrios Psaltis làm việc cho EHT cho hay.

"Nếu như số liệu lệch với dự đoán, ta sẽ gạt bỏ tất cả để làm lại từ đầu".

Theo Dink

Cùng chuyên mục
XEM