Toàn ngành gỗ chứng kiến 80% đơn hàng bị hủy, hơn 90% DN dừng hoạt động, một doanh nghiệp đã tìm ra cơ hội tăng trưởng đột biến hậu Covid-19

24/04/2020 11:03 AM | Kinh doanh

Các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ là vô cùng quan trọng để có thể tiếp sức cho doanh nghiệp. Tuy nhiên bí quyết để có thể tồn tại qua khủng hoảng thì không chỉ từ bên ngoài mà còn tự bên trong nội lực của mỗi doanh nghiệp.

Từ trung tuần tháng 3/2020, dịch Covid-19 đã bùng phát mạnh tại các thị trường quan trọng nhập khẩu đồ gỗ của Việt Nam, bao gồm Mỹ (chiếm 50% tổng giá trị xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam) và EU (chiếm 10%). Dịch đang có dấu hiệu bùng phát trở lại tại Nhật Bản, thị trường tiêu thụ khoảng 13% các mặt hàng gỗ xuất khẩu của nước ta.

Chính phủ các quốc gia này hiện đang áp dụng các chính sách mạnh nhằm kiểm soát dịch lan rộng như đóng cửa biên giới, đóng toàn bộ các chuỗi cửa hàng không thiết yếu. Điều này dẫn đến các đứt gãy nghiêm trọng các chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều giao dịch thương mại bị đình trệ hay hủy bỏ.

Điều này đã tác động trực tiếp đến các DN ngành gỗ: Các DN trong ngành liên tục nhận được các thông báo từ đối tác về giãn thời gian giao hàng, dừng hoạt động giao hàng kể các các lô hàng đã hoặc đang trong quá trình sản xuất. Nhiều đơn hàng bị cắt giảm, chậm thanh toán và thậm chí là hủy đơn hàng. Các DN cũng được thông báo một số khách hàng lớn rơi vào tình trạng chuẩn bị phá sản.

Ở khía cạnh khác, mặc dù dịch có dấu hiệu được kiểm soát tại Trung Quốc – thị trường lớn thứ 3 của Việt Nam với 12% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hằng năm, để thị trường này khôi phục lại sức mua và các chuỗi cung như trước khi dịch xảy ra sẽ mất rất nhiều thời gian và chưa biết đến bao giờ sức mua sẽ trở lại như lúc ban đầu.

Với tình hình dịch đang diễn ra như hiện nay tại các thị trường xuất khẩu, tác động đến ngành gỗ Việt Nam – là ngành có mức độ hội nhập rất sâu và rộng là vô cùng lớn.

Một khảo sát trong ngành cho biết tính đến đầu tháng 4, thiệt hại ban đầu hơn 3.000 tỷ đồng, 93% doanh nghiệp đã và sắp dừng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất.

Mới đây, phóng sự VTV thực hiện cho biết mặc dù ngành gỗ chịu tổn thất nặng nề nhưng để tồn tại, vẫn có những doanh nghiệp nhanh chóng thích nghi với những cơ hội rất nhỏ. Đó là câu chuyện của Công ty cổ phần kiến trúc AA, không chỉ tìm ra phương án tồn tại được, mà đã chuẩn bị cho sự tăng trưởng đột biến sau dịch Covid-19.

Cơ hội đến với công ty này bắt đầu từ một cuộc họp trực tuyến triển khai một dự án kinh doanh mới. Nếu như trước kia công ty chỉ cung cấp sản phẩm bàn ghế truyền thống thì nay họ sẽ phối hợp với các đối tác cung cấp trọn gói giải pháp văn phòng thông minh, tích hợp các công nghệ kết nối để tối ưu hóa làm việc từ xa. 

Làm việc từ xa là một nhu cầu mới bùng nổ từ đợt dịch lần này. Nhận định đây sẽ là xu hướng từ tương lai, không bỏ lỡ thời cơ công ty bắt tay ngay vào sửa sang showroom, văn phòng thông minh mẫu.

Toàn ngành gỗ chứng kiến 80% đơn hàng bị hủy, hơn 90% DN dừng hoạt động, một doanh nghiệp đã tìm ra cơ hội tăng trưởng đột biến hậu Covid-19 - Ảnh 1.

Nhân viên AA làm việc trong thời dịch Covid-19.

"Trong câu chuyện văn phòng làm việc số bắt đầu từ câu chuyện hai đơn vị AA và FPT ngồi lại với nhau trong một dự án chuyển đổi số của cả công ty. Đối với các công ty, đây có thể xem là cú đấm trời giáng để mình phải thay đổi. Chúng tôi coi đây là chất xúc tác để chúng tôi tiếp tục phải nuôi dưỡng những ý tưởng mới. Bi quan sẽ giết chết chúng ta trước khi chúng ta đi vào bệnh viện. Làm sao lạc quan được? Chúng ta phải tận dụng tất cả những tin dù chỉ rất nhỏ nhưng nó là cơ hội", ông Nguyễn Chánh Phương, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần kiến trúc AA trả lời phỏng vấn VTV.

Chớp được cơ hội nên công ty này vẫn duy trì được sản xuất. Dù từ 3 ca cắt xuống còn 1 ca, dù lương giảm còn 50% nhưng những nhân viên tại CTCP kiến trúc AA cho biết cũng không quá lo lắng. Với họ những ngày này có việc đã là may mắn, khi công ty khác đã cho nhân viên nghỉ việc còn mình vẫn còn việc để làm. 

"Trong bản thân doanh nghiệp phải duy trì sự tồn tại. Có nghĩa là ngày hôm nay còn đơn hàng nào, còn một người công nhân nào tốt thì mình cố gắng giữ. Thứ hai nữa để duy trì sự tồn tại chắc chắn sẽ phải dựa vào sự hỗ trợ của Chính phủ, đó là mái nhà lớn nhất. Thứ ba là nghĩ tới chuyện hậu Covid-19", ông Phương chia sẻ.

Để tăng thêm quyết tâm và niềm tin cho nhân viên, AA mới đây cũng cho in một loạt đồng phục mới với khẩu hiệu "Chúng ta đồng lòng chống dịch để mạnh mẽ hơn sau dịch". Nhờ vậy những công nhân ở đây có thêm niềm tin rằng lãnh đạo doanh nghiệp đang làm hết sức để giữ được công việc cho mình. Một tinh thần làm việc mới, một tư duy mới đang được chuẩn bị cho các cơ hội bật tăng trở lại sau đại dịch. 

Toàn ngành gỗ chứng kiến 80% đơn hàng bị hủy, hơn 90% DN dừng hoạt động, một doanh nghiệp đã tìm ra cơ hội tăng trưởng đột biến hậu Covid-19 - Ảnh 2.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM