"Toa thuốc" thành công: Thích làm gì, cứ làm!
“Hãy làm theo những nguyên lý của Keith, và bạn sẽ không chỉ đến được nơi bạn muốn mà còn sẽ yêu thích từng khoảnh khắc trong quá trình đó!”. Đây là chia sẻ của Paul Sanderson – CEO The Cobra Group of Companies sau những gì học được và làm theo những chỉ dẫn của Keith Abraham – nhà sáng lập Passionate Performance Inc..
Keith Abraham được xem là một trong những nhà lãnh đạo tư tưởng hàng đầu thế giới về sống đam mê và xây dựng văn hóa dựa trên đam mê. The Passionate Performance Program của ông đã được triển khai cho hơn 260 công ty ở 20 quốc gia, trong đó có những thương hiệu hàng đầu như Toyota, Toshiba, Lexus, Westpac, Bupa, NAB, AIA…, giúp họ tìm ra đam mê của mình, khai thác đam mê và biến đam mê thành vốn cá nhân và vốn chuyên môn.
Ba thập niên qua, Keith Abraham đã hỗ trợ nhiều người trên khắp thế giới làm việc khôn ngoan hơn, lãnh đạo bằng cách truyền cảm hứng và đạt được thành tích cao. Trong cuốn It Starts With Passion (bản tiếng Việt: Bắt đầu từ đam mê của NXB Trẻ), Keith chia sẻ những công cụ hiệu quả để bạn thành công trong công việc và cuộc sống.
Những thông điệp rõ ràng của Keith được hỗ trợ bằng các mô hình trực quan và những câu chuyện truyền cảm hứng để giúp người đọc tìm thấy lại ước mơ của mình và xác định điều thực sự quan trọng với mình, kết nối đam mê công việc và cuộc sống, tháo gỡ những chướng ngại tinh thần và cảm xúc để thành công. Đặc biệt, tác giả còn giúp bạn biết cách khơi dậy đam mê ở người khác, và trở thành một nhà lãnh đạo hiệu quả.
Một số trích đoạn trong Bắt đầu từ đam mê:
“Không có điều vĩ đại nào xảy ra cho đến khi có người say mê điều gì đó”. Đây là một trong những câu trích dẫn ưa thích của tôi. Thử nghĩ về bất kỳ thành tựu nào trên thế giới này mà xem. Thành tựu có thể bắt nguồn từ một nhu cầu, một sự bất công, một loạt tình huống không công bằng, một cơ hội hay ý tưởng đúng lúc – nhưng một người hay một nhóm những con người đam mê đã biến điều đó thành hiện thực.
Tạo dựng sự giàu có thật sự
Với đa số mọi người, tiền rất quan trọng. Tiền cho họ những lựa chọn, quyền lựa chọn và mang lại cho họ một phong cách sống nào đó. Tôi tin rằng giàu có thật sự là sự kết hợp của ba yếu tố cấu thành cơ bản, mà tôi gọi là giàu có ngoại thân, giàu có nội tại và giàu có vĩnh viễn.
Giàu có ngoại thân được đo bằng những gì bạn có, bất luận đó là việc làm, chức vụ, địa vị, tiền trong ngân hàng, hay khu vực bạn sinh sống, cái bạn sở hữu, những lợi ích bạn theo đuổi hay thậm chí là chiếc xe bạn đang lái.
Đa số xã hội dùng tiêu chuẩn này đo lường mọi người. Tuy nhiên, thành tựu hay sự giàu có đó không đảm bảo hạnh phúc hay thành công trong cuộc sống nói chung, cho dù nó có ý nghĩa thế nào với bạn. Trong các chuyến đi, tôi đã gặp những người rất giàu được bao phủ bởi những thứ thể hiện sự thành công và thể hiện trước thế giới bên ngoài là những người thành đạt cao không một chút lo lắng trên đời, nhưng họ vẫn khổ sở và không toại nguyện trong cuộc sống.
Giàu có nội tại được đo bằng mức độ bạn yêu thích bản thân. Đó là lòng tự tôn – khả năng thích con người bạn đang là, việc bạn làm và sự khác biệt bạn tạo nên. Kiểu giàu có này không đo lường được bằng quyết toán hay tài khoản ngân hàng. Nó được đo bằng cảm giác của bạn, hạnh phúc đến mức nào, có bao nhiêu tình yêu trong cuộc sống và có bao nhiêu niềm vui ngay lúc này. Có lẽ cuộc sống đối với bạn thật mãn nguyện!
Yếu tố cuối cùng, giàu có vĩnh viễn, được đo lường bằng việc bạn làm cho người khác. Đó là di sản bạn để lại cho người khác hưởng, lợi ích bạn tạo ra cho người khác, những giá trị bạn truyền lại cho những người quen biết và cho những người biết bạn từ xa. Đó là những món quà bạn tạo ra và để lại cho người khác hưởng cả khi bạn còn sống lẫn khi bạn đã ra đi. Không nhất thiết phải là lập một quỹ từ thiện hay quỹ tín thác, mà là tạo ra một di sản lớn hơn bạn, bên ngoài bản thân bạn và sẽ tiếp tục tồn tại sau khi bạn không còn trên đời.
Nếu muốn khám phá tiếp ý tưởng này, hãy tự hỏi mình những câu hỏi sau:
- Giàu có ngoại thân: Bạn muốn đạt được sự giàu có vật chất và thành công nào trong cuộc sống để có cảm giác đảm bảo hạnh phúc và mãn nguyện?
- Giàu có nội tại: Bạn cần đạt được điều gì để cảm thấy tự tôn hơn?
- Giàu có vĩnh viễn: Bạn muốn tạo ra di sản gì cho những người khác hưởng cả khi bạn còn sống lẫn khi đã ra đi?
Mất cân bằng để được suôn sẻ
Các chuyên viên thường bảo chúng ta tìm sự cân bằng trong cuộc sống, nhưng điều đó thật sự nghĩa là gì? Tám tiếng ngủ, tám tiếng làm việc, và tám tiếng vui chơi ư? Tôi không chắc người ta có thể đạt cân bằng qua phân bổ thời gian không, tuy nhiên có thể đạt được bằng cách bước những bước nhỏ, tăng dần tạo ra một tâm trạng - một cảm giác suôn sẻ.
Ý tôi là gì khi nói suôn sẻ? Cách giải thích tốt nhất là cảm giác mà bạn có khi mọi thứ đứng về phía bạn. Các mục tiêu đạt được với cảm giác dễ dàng hơn, thậm chí là rất dễ dàng. Cơ hội này dẫn tới cơ hội khác và lại dẫn tới cơ hội khác nữa, rốt cuộc mở cánh cửa cho bạn đạt được mục tiêu mà trước đó bạn không hề có ý nghĩ làm sao có thể đạt được. Đây là một tập hợp các tình huống tự xuất hiện trong đời bạn, kết nối bạn với đúng người và đưa bạn tiến lên và gần hơn tới mốc quan trọng tiếp theo.
Nói thế không có nghĩa là bạn không gặp thách thức, nhưng dường như bạn có khả năng vượt qua dễ dàng. Bạn thư thả hơn, điềm tĩnh hơn, và tìm ra những giải pháp đơn giản để thực hiện và giải quyết vấn đề.
Trái ngược với suôn sẻ là bế tắc.
Tình trạng bế tắc không diễn ra một sớm một chiều, nó lẻn đến với bạn dần dần qua những việc bạn làm hay không làm, những sự lựa chọn không giúp ích gì cho bạn.
Bạn bế tắc khi dừng ra quyết định, khi do dự, khi chần chừ. Chần chừ là kẻ góp phần lớn nhất vào tình trạng bế tắc, vì chần chừ là kẻ cướp lòng tự hào và lòng tin lớn nhất.
Cái bạn cần khi ra một quyết định chính là tin vào lựa chọn của mình. Vấn đề thường bắt đầu khi bạn lần lữa những chuyện nhỏ, rồi đến các quyết định lớn hơn, cho đến khi rốt cuộc bạn tránh mọi quyết định vì sợ sai lầm hoặc gặp phải sự soi mói, chỉ trích các lựa chọn của bạn.
Hãy ra quyết định, và nếu không đúng thì hãy ra quyết định khác. Hãy tập thói quen ra quyết định nếu muốn tiến bộ. Đây không phải là chuyện trở nên hoàn hảo, đây là chuyện tạo ra tiến bộ.
Con người ta thường xuyên chờ cho đến khi mọi thứ hoàn hảo rồi mới bắt đầu, đây chỉ là một hình thức chần chừ khác. Nếu muốn chiến thắng sự chần chừ, hãy thôi suy nghĩ về việc hoàn thành nhiệm vụ hoặc đạt mục tiêu, cứ tập trung bắt tay vào hành động để bắt đầu.
Người ta đánh mất đam mê như thế nào
Có một câu hỏi từ lâu đời là, các lãnh đạo được sinh ra hay được tạo ra? Tôi nghĩ họ được tạo ra từ một loạt các hoàn cảnh và tình huống bấm nút và bật ra điều tốt nhất trong họ. Điều tương tự cũng được áp dụng cho đam mê?
Tôi không tin thế. Tôi tin rằng tất cả chúng ta sinh ra đều đã có đam mê và ở một giai đoạn nào đó trong đời, hoặc ta đổ thêm nhiên liệu vào ngọn lửa hoặc ta để nó tắt lịm. Tôi nhìn hai con gái và thấy trong mắt chúng niềm đam mê những điều chúng thích làm. Tôi thấy những người lớn kết nối lại với niềm đam mê của mình sau không biết bao nhiêu năm và có niềm vui sống lần hai trong đời với nhiều sinh lực để bùng cháy dù ở độ tuổi nào.
Vậy người ta đánh mất đam mê như thế nào? Theo đánh giá của tôi thì đó là do cuộc đời ta chia thành bốn lĩnh vực: Thích làm, muốn làm, ghét làm và phải làm.
Có những việc trong đời ta thích làm - những việc cho ta niềm vui lớn nhất, những việc ta đam mê, tiếp thêm sinh lực cho ta, sạc lại pin cho ta. Rồi có những việc ta muốn làm. Những việc này mang lại niềm vui, nhưng ta không tha thiết như những việc ta thích làm.
Còn có những việc trong đời ta phải làm để đạt một mục tiêu hay kết quả. Những việc đó không cho ta nhiều niềm vui hay sinh lực, nhưng ta biết đó là một phần của cả quá trình và là cái giá ta phải trả để công việc được hoàn thành.
Cuối cùng, có những việc trong đời ta ghét làm. Nếu được lựa chọn ta sẽ tránh làm, ta có thể ủy quyền hay thậm chí là thuê thực hiện những nhiệm vụ này. Cách này cách khác những việc đó phải được hoàn thành, nhưng đó là nỗi khốn khổ và làm ta kiệt quệ.
Tôi sẽ không nói các bạn nên chấm dứt tất cả những việc mà các bạn phải làm hoặc ghét làm, nhưng tôi biết rằng người ta mất đi sinh lực hay niềm đam mê là vì họ chẳng có gì ở hai phần kia, “thích làm” và “muốn làm” cả. Chuyện đơn giản là hoàn thành nhiệm vụ ở hai mục này cho chúng ta khả năng và sinh lực xử lý những điều phiền phức và khó chịu; sạc lại pin cho ta, phục hồi tinh thần và đam mê sống để ta có thể thực hiện đến cùng những việc không mang lại cho ta niềm vui.
Bạn sẽ nhận ra khi người ta buồn nản, không hăng hái và mất niềm vui sống. Toa thuốc của tôi rất đơn giản: Bạn muốn làm gì?
Thư giãn? Vẽ? Nấu nướng? Giao du? Đọc sách? Chơi đùa với con cái? Khiêu vũ? Đánh golf? Viết lách? Xem phim?... – Thích làm gì, cứ làm đi!
Hầu hết nguyên nhân khiến người ta không theo đuổi đam mê là họ tự phỉnh mình. Họ đưa ra lý do, như “tôi không có thời gian”. Phải hiểu điều này: bạn sẽ không bao giờ có thời gian đâu. Vấn đề là xếp thứ tự ưu tiên, vấn đề là lựa chọn có tính toán. Bạn sẽ không bao giờ lấy lại được thời gian bạn đã chi vào việc làm những thứ bạn thích làm. Tuy nhiên, bạn sẽ lấy lại được sinh lực, tình yêu và niềm vui để có thể làm được nhiều hơn với thời gian bạn có.
Tôi tin rằng tất cả chúng ta đều có một bình ắc-quy trong người, và nếu thỉnh thoảng không sạc lại, nó sẽ cạn. Nó có biểu hiện thành một trận ốm hoặc cơn mệt mỏi và kiệt sức của bạn.
Điều bạn thích làm là gì? Hãy theo đuổi nó! Làm đi! Rồi tình yêu sẽ theo bạn! Niềm vui sẽ theo bạn!