Ai cũng thích lên đỉnh nhưng chẳng ai chịu leo núi, bởi vậy chẳng có mấy người thành công
Câu hỏi quan trọng nhất cuộc đời bạn là gì? Đừng hỏi bản thân hay người khác những câu hỏi như "bạn muốn gì ở cuộc đời mình?" câu hỏi đúng phải là "bạn sẵn sàng đối mặt với những đau đớn, khổ sở nào trong cuộc sống?".
Ai cũng muốn có được một cuộc sống nhàn hạ, muốn được vui vẻ, hạnh phúc và mọi thứ tới thật dễ dãi. Bạn có muốn thế không? Thôi, đừng nói dối nữa, ai chẳng thích thế. Ngoài những yếu tố trên, người ta còn muốn có được nhiều thành công trong cuộc sống, một bạn đời hoàn hảo và những chuyến du hành khiến người người ngưỡng mộ. Có cuộc sống như thế hẳn là rất thích.
Nếu như tôi hỏi bạn "bạn muốn gì với cuộc đời mình?" và câu trả lời của bạn có dạng như "tôi muốn hạnh phúc mãi mãi, gia đình tuyệt vời và một công việc tôi ao ước". Bạn có chắc mình muốn câu trả lời như thế không? Nếu đúng, xin chúc mừng, bạn xem quá nhiều phim Hàn Quốc và sống quá ảo rồi đấy!
Mặc dù vậy, ai cũng thế thôi, nên đừng trách bản thân làm gì, vì câu hỏi tôi đưa ra nó rất vô nghĩa. Một câu hỏi có nghĩa phải là "bạn có những đau đớn nào trong cuộc đời mình? bạn đang gặp phải rắc rối nào?" đó mới là thứ mà chúng ta đối mặt và đó mới là cuộc sống.
Ai cũng muốn có được một công việc tuyệt vời, mức lương nhiều chữ số và khả năng tài chính rủng rỉnh, thế nhưng không phải ai cũng chấp nhận làm việc 10 giờ mỗi ngày, trải qua đống giấy tờ chất như núi, những cuộc họp được thành lập chỉ để cân não nhân viên hay ngày ngày phải đối chất với những đồng nghiệp mà bạn chỉ muốn tránh càng xa càng tốt. Mọi người thích thứ dễ dàng, sự giàu có chóng vánh mà không mạo hiểm, không hi sinh, không chờ đợi và không phải có nhiều điều kiện phức tạp để có được.
Ai cũng muốn có được một người bạn đời bốc lửa, chăm lo cho gia đình và luôn nghe lời, thế nhưng không phải ai cũng muốn trải qua những cuộc cãi vã, những màn làm quen nghĩ đến đã thấy ngượng hay các cung bậc cảm xúc tiêu cực có thể trải qua để đến với tình yêu. Chính vì thế con người an phận, họ an phận và rồi mỗi ngày tự soi gương và nói với mình rằng "sẽ ra sao nếu?..." và sau nhiều năm, câu hỏi này trở thành "chỉ thế thôi sao?".
Hạnh phúc yêu cầu đánh đổi, hào quang trong cuộc sống là hiệu ứng phụ của những góc tối lạnh lẽo, cô đơn. Chúng ta chỉ có thể tránh những trải nghiệm tiêu cực tới một lúc nào đó, tới khi chúng kêu gào được xuất hiện trong cuộc sống mỗi người.
Cốt lõi trong mỗi con người, nhu cầu của chúng ta giống với nhau. Những trải nghiệm tích cực, những điểm sáng trong cuộc sống thì rất dễ để xử lý. Thế nhưng những thứ không tốt đến với mỗi người mới định nghĩa được bản thân chúng ta, khiến ta khổ sở, mất phương hướng. Những gì ta có được ở cuộc sống không thể đánh giá bằng các cảm xúc tích cực ta có mà phải tới từ những thứ tiêu cực chúng ta dám và có thể đương đầu để đánh đổi lấy hạnh phúc.
Ai cũng muốn có được một thân hình đẹp, nhưng chẳng ai dám tập thể dục hàng ngày, nâng ta đến rơi tay để có được vóc dáng ao ước...
Ai cũng muốn trở thành một doanh nhân lắm tiền nhiều của, thế nhưng bạn không thể thành một doanh nhân như thế nếu không chấp nhận đương đầu với thử thách, những thất bại nối tiếp hay làm việc nhiều giờ để tới một cái đích không rõ ràng. Đây là một phần của cuộc sống, nó giống như một trò chơi, nếu không chơi bạn không thể thắng được.
Thứ xác định thành công không tới từ câu hỏi "ta muốn tận hưởng thứ gì khi chiến thắng?" mà nó tới từ câu "ta phải vượt qua những nỗi đau nào để đến gần với thành công?". Có nhiều kẻ ngốc ngoài kia cho rằng chỉ cần ta muốn đủ, ta sẽ thực hiện được nó, sự thật có phải thế không?
Trên đời ai chẳng muốn giàu, muốn đủ là đủ tới mức nào? Nếu ai cũng muốn giàu thì thế giới đâu còn người nghèo, đâu còn gì phải tranh đấu?
Tất cả mọi thứ trên đời đều có giá của nó, nếu bạn muốn khoẻ mạnh bạn phải ăn uống đều đặn, tập luyện thường xuyên, vượt qua cơn đau của những buổi tập, vượt qua sự buồn ngủ khi dậy sớm.
Thỉnh thoảng tôi hỏi mọi người "bạn chọn cách khổ sở ra sao?", mọi người nhìn tôi như thể tôi là con gái của thuỷ tề mới về với Trái Đất vậy. Thế nhưng, câu hỏi đó được đặt ra vì nó đi xa hơn những nguyện vọng và mơ ước của mỗi người, hỏi sung sướng thì quá dễ, khổ thì sao?
Nếu trả lời được câu hỏi trên, bạn có thể thay đổi cuộc sống của mình, nó tạo nên sự khác biệt giữa bạn và 7 tỷ con người đang chen chúc nhau trên Trái Đất.
Tôi từng có ước mơ trở thành một nghệ sĩ guitar tài năng, một ngôi sao nhạc rock trên sân khấu. Bất cứ khi nào nghe một bài hát, tôi nhắm mắt lại và tưởng tượng ra viễn cảnh mình đang bặm môi cắn lợi lùa quét ngón tay trên các phím đàn, khán giá phía dưới thì lột hết áo quay cuồng cùng những gì tôi chơi. Những viễn cảnh ấy giúp tôi có được nhiều giờ luyện tập mỗi ngày, học nhạc điên cuồng và luôn định hướng theo con đường đã chọn.
Thế nhưng, câu hỏi không phải là tôi có bao giờ hiện thực hoá được ước mơ của mình hay không, câu hỏi là khi nào ước mơ đó mới thành sự thật? Thay vào đó, tôi phải hoàn thành quá trình học tập tại trường và rồi cắm mặt ra đường kiếm việc làm, kiếm tiền để duy trì cuộc sống, và rồi chẳng có bất ngờ nào xảy ra cả.
Mơ ước không bao giờ tới, vỡ mộng khiến bản thân gặp quá nhiều cảm xúc tiêu cực, chán nản, buồn bã và cho tới một ngày tôi nhận ra rằng, mình không thật sự muốn nó.
Tôi rất thích kết quả (cái hình ảnh bặm môi lùa quét và khán giả gào rú bên dưới) thế nhưng tôi không thích quá trình để đến được với kết quả này. Vì thế, tôi thất bại, tôi chẳng hề cố gắng chút nào để biến ước mơ thành sự thật.
Nó giống với việc nhìn một ngọn núi cao cùng quãng đường kéo dài lên đỉnh núi, ta tưởng tượng ra rằng mình sẽ leo lên đó và tới đỉnh. Sự thật là ít người muốn leo lắm, chúng ta chỉ thích cảnh lên đỉnh.
Khi nói về ước mơ của tôi, người khác sẽ cho rằng tôi là kẻ thất bại, đứa thua cuộc, những "chuyên gia" tâm lý sẽ cho rằng tôi chưa đủ yếu tố này, yếu tố kia theo nghiên cứu này, nghiên cứu kia. Những doanh nhân "dỏm" hay các nhà làm start up ảo tưởng sẽ cho rằng tôi muốn chưa đủ, làm chưa đủ, hãy đi học thêm các lớp về quản trị hay gì đó đi.
Sự thật mà tôi ngẫm ra hay hơn thế nhiều: Tôi nghĩ rằng mình muốn gì đó, nhưng sau này tôi nhận ra mình chẳng muốn nó chút nào. Hết!
Tôi muốn thành quả, chứ không phải những thứ khổ sở mình phải vượt qua, tôi đã yêu nhưng không phải yêu quá trình mà là kết quả. Tất nhiên, đời chẳng bao giờ thế.
Bạn là ai? Câu trả lời được khẳng định bằng những thứ bạn dám đương đầu với. Chỉ có thất bại, khó khăn mới cho ta biết ta có thể thành công tới mức nào. Vì thế, hãy chọn thứ để thất bại, thứ để đương đầu chứ đừng chọn thành công.