Tỉnh giàu, kinh phí cho an toàn thực phẩm vẫn ít

03/03/2017 16:26 PM | Xã hội

Quảng Ninh không chỉ lo an toàn thực phẩm cho 1,2 triệu dân địa phương mà còn lo cho cả gần chục triệu du khách...

Sau khi giám sát tại cơ sở, sáng 2/3 đoàn giám sát của Quốc hội đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh về việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016.

Nhận xét chung từ buổi họp cho thấy an toàn thực phẩm của Quảng Ninh đã được quan tâm từ rất sớm, đã đạt nhiều kết quả song còn không ít tồn tại, hạn chế.

Chưa tương xứng

Báo cáo với đoàn giám sát về tình hình của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long đánh giá điểm nổi bật là tỉnh đã xác định rõ và giao rõ trách nhiệm người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền địa phương và các sở, ngành trong đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai một cách có hệ thống chương trình mỗi xã, phường có một sản phẩm (ocop) đến nay đã có 180 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở hộ sản xuất với 201 sản phẩm.

Thông qua việc xây dựng bộ nhận diện nhãn hiệu ocop Quảng Ninh, ban hành chu trình chuẩn ocop và bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm đạt tiêu chuẩn nhà sản xuất theo luật. Các sản phẩm được phát triển từ thấp đến cao và từng bước được hoàn thiện, đảm bảo tiêu chuẩn cao về an toàn thực phẩm, mẫu mã và được người tiêu dùng đón nhận tích cực.

Về đầu tư, ông Long cho biết tổng kinh phí cho công tác quản lý an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016 là 38,681 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 11,919 tỷ đồng, bình quân chi 6,446 tỷ đồng/ năm. Còn bình quân chi theo đầu người 5.372 đồng/người/năm, cao hơn 0,9 lần so với bình quân chung của cả nước (2.800 đồng/người/năm).

Lãnh đạo tỉnh đánh giá việc đầu tư kinh phí cho công tác đảm bảo an toàn thực phẩm chưa tương xứng yêu cầu nhiệm vụ, thiếu các phương tiện kiểm tra cơ động và trang thiết bị kiểm tra nhanh.

Nhưng, con số trên 38 tỷ được một số thành viên đoàn giám sát cho rằng đã rất lớn, gấp nhiều lần so với nhiều tỉnh đoàn đã đến giám sát.

Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, ông Nguyễn Lâm Thành thì Quảng Ninh là tỉnh có điều kiện (thu ngân sách gần 40.000 tỷ/năm - PV) có thể cân đối để đầu tư cho an toàn thực phẩm ở mức cao hơn nữa.

Có nhẹ tay, nhờn luật?

Theo báo cáo của tỉnh, giai đoạn 2011 - 2016 toàn tỉnh xảy ra 40 vụ ngộ độc thực phẩm với 299 người mắc, không có người tử vong.

Tỉnh đã đã tổ chức 4.824 đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm tra được 97.754 lượt cơ sở thực phẩm, xử lý hành chính 3.597 lượt cơ sở, phạt tiền 12,231 tỷ đồng, tịch thu tiêu huỷ 203,726 tấn thực phẩm.

Không có vụ nào xử lý hình sự thì có nhẹ tay, có nhờn luật hay không? Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề.

Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh cho biết lý do các vụ vi phạm chủ yếu là nhắc nhở, vì với các đoàn kiểm tra cấp huyện, xã biên chế chuyên trách không có, chủ yếu là nhân lực của ngành y tế.

Mặt khác, căn cứ kiểm tra đa số dựa vào test nhanh nên không đủ cở sở để xử lý mạnh.

Kiến nghị từ Quảng Ninh là khi sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự cần quy định rõ từng mức xử lý hình sự đối với vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.

Đề xuất tiếp theo là cho địa phương được tổ chức lực lượng thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm tại cấp huyện. Quy định mức thưởng, hình thức khen thưởng trực tiếp cho người phát hiện, khai báo cho chính quyền hoặc cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm về tổ chức, cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm.

Phát biểu cuối buổi làm việc, tiếp thu ý kiến đoàn giám sát, Chủ tịch Nguyễn Đức Long thừa nhận thực tế càng xuống dưới thì kết quả đảm bảo an toàn thực phẩm không được như mong muốn.

Yếu nhất vẫn là cơ sở, làm sao để ông chủ tịch xã hiểu được nhiệm vụ của mình chứ tỉnh không thể làm thay cơ sở, Chủ tịch Long nhấn mạnh.

Ông Long cũng không loại trừ có nơi có lúc còn chưa minh bạch trong thanh tra kiểm tra.

Quảng Ninh không chỉ lo an toàn thực phẩm cho 1,2 triệu dân địa phương mà còn lo cho cả gần chục triệu du khách, ông Long nhấn mạnh.

Kết luận cuộc họp, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Quảng Ninh có tốc độ phát triển kinh tế rất nhanh, mỗi năm đón gần 8 triệu du khách, an toàn thực phẩm đứng trước nhiều khó khăn thách thức.

Đoàn giám sát không phát hiện sai sót lớn từ văn bản quy phạm pháp luật đến thực thi chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn, tuy nhiên nguy cơ mất an toàn vẫn còn cao, Phó chủ tịch nói.

Các cơ sở đoàn đến kiểm tra dù đã được báo trước nhưng còn vi phạm về nhãn mác, bao bì chưa đảm bảo vệ sinh, hạn sử dụng chưa rõ ràng..., Phó chủ tịch nói tiếp.

Việc thanh tra xử lý vi phạm an toàn thực phẩm chưa nghiêm, huyện xã chỉ nhắc nhở nên khả năng răn đe ở mức độ thấp, Phó chủ tịch lưu ý.

Trưởng đoàn giám sát còn lưu ý Quảng Ninh về môi trường từ nguồn nước đến không khí tại một số khu vực chưa đảm bảo, điều này chắc chắn tác động tiêu cực đến an toàn thực phẩm.

Nguyên nhân của hạn chế, theo Phó chủ tịch chủ quan vẫn là chủ yếu, hiệu lực hiêu quả quản lý chưa đạt yêu cầu như mong muốn.

Theo Nguyên Vũ

Cùng chuyên mục
XEM