Siêu thực phẩm rong biển: Vô cùng bổ dưỡng nhưng vẫn có lưu ý cần biết khi ăn

19/02/2017 10:10 AM | Sống

Rong biển vừa ngon, vừa giàu các khoáng chất, chất chống oxy hóa, vitamin cần thiết cho sức khỏe. Thế nhưng, tần suất ăn thế nào để không "hại người" thì ít người biết.

Rong biển là gì?

Rong biển hay còn gọi là tảo, là những loài thực vật sinh sống ở biển, thuộc nhóm tảo biển. Chúng là loại thực phẩm lành mạnh, tốt cho sức khỏe và còn được sử dụng như một loại thuốc thảo dược.

Các nhà khoa học đã chia rong biển thành nhiều loại khác nhau dựa trên sắc tố, cấu trúc tế bào và những đặc điểm khác của chúng như tảo xanh lá, tảo đỏ, tảo nâu, tảo xanh dương...

Cách chế biến và ăn rong biển

Rong biển có thể chế biến thành nhiều loại món ăn khác nhau. Dưới đây là một số gợi ý cho bạn:
Rong biển có thể chế biến thành nhiều loại món ăn khác nhau. Dưới đây là một số gợi ý cho bạn:

- Ăn liền: Tảo nori tảo dulse khô có thể ăn ngay sau khi bóc gói mà không cần chế biến. Khi mua, bạn nên kiểm tra nhãn mác cẩn thận và tránh chọn loại nhãn hiệu có chứa nhiều mì chính (MSG).

- Làm salad: Bạn có thể chế biến hầu hết các loại salad rong biển theo kiểu Nhật Bản, đó là trộn rong biển với dấm, dầu vừng, gừng và tỏi.

- Nấu canh: Bạn sẽ có một nồi canh rong biển tuyệt ngon khi nấu với nước xương.

- Bẻ vụn và rắc lên các món ăn khác: Bạn có thể rắc rong biển khô lên một số món ăn như salad, cơm và súp.

Hầu hết các loại rong biển không có vị đắng. Một số loại hơi ngọt và có thể chứa hương vị umami (một chất tạo ngọt từ Nhật Bản). Nhờ đó, chúng dễ ăn hơn và nhiều người đã chọn rong biển thay cho rau hàng ngày.

Lợi ích của rong biển với sức khỏe

1. Cung cấp vitamin và khoáng chất

Rong biển chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn bất kỳ loại rau trồng trên mặt đất nào. Chúng là nguồn cung cấp các vi chất dinh dưỡng như folate, canxi, ma- giê, kẽm, sắt và selen. Quan trọng hơn, rong biển còn chứa nguồn i- ốt lớn cho cơ thể.

2. Cung cấp DHA và EPA - axit béo omega -3

Không giống như các loại cây trồng trên mặt đất, rong biển có chứa các axit béo DHA và EPA, vì thế rong biển và dầu tảo là nguồn cung cấp omega -3 đáng tin cậy cho những người ăn chay.

3. Hỗ trợ hệ tiêu hóa

Một số người khi ăn các loại đậu thường bị đầy hơi và tức bụng. Nếu bạn bị như vậy, hãy cho thêm rong biển kombu, một loại rong biển rất phổ biến, vào nấu cùng với đậu thì các triệu chứng kia sẽ hoàn toàn biến mất.

4. Chứa chất chống oxy hóa

Rong biển có chứa rất nhiều chất chống oxy hóa. Là một loại thực phẩm lành mạnh, rong biển có thể giúp cơ thể chống lại sự mất cân bằng ô xi hóangăn chặn các bệnh mãn tính như ung thư và các bệnh về đường tiêu hóa.

5. Cung cấp chất xơ prebiotic

Tất cả các loại thực vật đều chứa chất xơ nhưng rong biển còn chứa nhiều loại carbohydrate (đường, tinh bột và chất xơ) khác giúp thúc đẩy hoạt động của các enzym trong hệ tiêu hóa mà cơ thể còn thiếu.

Đó là carrageenan , fucan, galactan và nhiều loại khác. Những chất carbohydrate này sau đó sẽ trở thành thức ăn cho các vi khuẩn trong đường ruột.

Tất cả những gì bạn ăn đều ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hoạt động của các vi khuẩn trong đường ruột của bạn. Nhiều loại vi khuẩn có thể hấp thụ tốt những thức ăn bạn đã ăn để phát triển.

Thực tế, các nhà khoa học đã chứng minh rằng vi khuẩn đường ruột có lợi trong cơ thể của một người Nhật khỏe mạnh đã tăng thêm rất nhiều nhờ thói quen thường xuyên sử dụng rong biển trong thực đơn hàng ngày.

Cảnh giác với những nguy cơ với sức khỏe khi ăn rong biển

1. Quá nhiều i - ốt có thể gây ra các vấn đề về tuyến giáp

I -ốt là một khoáng chất rất quan trọng đối với sự hoạt động của tuyến giáp và rong biển là nguồn cung cấp i- ốt dồi dào cho cơ thể.

Khi tuyến giáp phải tiếp nhận một lượng i - ốt quá lớn, nó có thể xuất hiện rất nhiều vấn đề xấu. Nếu bạn mắc các bệnh liên quan đến tuyến giáp thì cần phải đặc biệt lưu ý đến điều này.

Một nghiên cứu từ Nhật Bản đã chứng minh rằng những người phụ nữ thường xuyên ăn 15 đến 30gr rong biển kombu thì lượng TSH (một loại hormon sinh ra từ tuyến yên) sẽ tăng lên, còn T3 và T4 tự do (các hormon tuyến giáp) giảm xuống.

Khi họ dừng ăn rong biển thì TSH và các hormon tuyến giáp lại trở lại bình thường. Theo đó, các nhà nghiên cứu khuyến cáo rằng, chúng ta không nên tiêu thụ quá 3mg i-ốt một ngày (một suất ăn rong biển thông thường chứa 20 - 50mg i-ốt)

Trong nền ẩm thực đặc trưng châu Á, ngoài sử dụng rong biển, người dân còn sử dụng một số loại thức ăn có chứa goitrogens, đã giúp hạn chế sự hấp thụ i-ốt của tuyến giáp.

Những chất này có trong các món ăn thông thường như đậu phụ, sữa đậu nành và các loại rau cải. Đó là lí do hầu hết người Nhật tuy ăn nhiều rong biển nhưng không mắc các bệnh liên quan đến tuyến giáp.

Tuy thế, những vấn đề về tuyến giáp vẫn có thể xuất hiện nên phải hạn chế lượng hấp thụ i - ốt vào cơ thể. Điều này đặc biệt quan trọng với những người sống ở các quốc gia có thói quen sử dụng muối i - ốt.

Nói chung, ăn rong biển khoảng 2 - 3 lần/tuần như một loại gia vị (1 - 2 thìa) thì sẽ không vượt quá lượng 3mg i-ốt tiêu chuẩn cho phép.

Để đảm bảo an toàn, các bạn nên đến bác sĩ để đo chính xác mức độ hormon tuyến giáp của cơ thể khi bạn sử dụng rong biển trong chế độ ăn hàng ngày. Từ đó kiểm tra xem rong biển có phải là nguyên nhân gây ra các vấn đề cho tuyến giáp hay không.

2. Những vấn đề về tiêu hóa sinh ra từ carbohydrate và chất xơ của rong biển

Rong biển chứa nhiều loại carbohydrate mà hệ tiêu hóa của chúng ta không thể tiêu hóa được. Những loại carbohydrate này sẽ làm giảm các vi khuẩn đường ruột.

Với những người mắc các bệnh về đường tiêu hóa hoặc bị hội chứng loạn khuẩn ở ruột non thì những loại carbonhydrate này chính là nguyên nhân trực tiếp gây ra.

Các loại thức ăn công nghiệp thường sử dụng loại carbohydrate này như carrageenan và agar (bột rau câu) để tạo hình và làm mịn thức ăn.

Đặc biệt, carrageenan gây ra nhiều vấn đề. Nó là nguyên nhân gây ra sự kích thích đường ruột và toàn bộ cơ thể. Vì thế, chúng ta nên tránh xa các loại thức ăn có chứa chất carrageenan.

Trong khi đó, chất carrageenan tinh khiết lại rất tốt cho sức khỏe, hoàn toàn khác xa với chất carrageenan sử dụng trong thức ăn công nghiệp.

Tuy vậy, tốt nhất bạn nên tránh các loại rong biển có chứa hàm lượng chất carrageenan cao như rong biển màu đỏ tím và sử dụng các loại rong biển khác nhau một cách điều độ.

3. Nhiễm độc kim loại nặng

Ngoài việc giàu các khoáng chất có lợi, rong biển cũng có thể chứa một số kim loại độc. Điều này phụ thuộc vào nguồn gốc của từng loại rong biển, nơi thu hoạch và mức độ độc hại trong nước.

Mức độ kim loại nặng có trong rong biển rất khác nhau. Cách tốt nhất để biết chính xác là mang các sản phẩm rong biển đến phòng thí nghiệm để kiểm tra mức độ tồn tại kim loại nặng.

Hãy nhớ rằng, lượng kim loại nặng có thể bị phơi nhiễm qua nhiều nguồn khác nhau như từ môi trường, từ thức ăn, từ cá và hải sản.

Khả năng chuyển hóa kim loại nặng ở mỗi người cũng khác nhau. Nếu bạn lo lắng về mức độ nhiễm kim loại nặng thì cách tốt nhất là tránh xa rong biển và các loại hải sản.

Những điều cần lưu ý khi sử dụng rong biển - một loại siêu thực phẩm

- Rong biển có rất nhiều lợi ích và là loại thực phẩm bổ dưỡng.

- Sức khỏe con người có thể được nâng cao nếu ăn rong biển điều độ 2-3 lần/tuần.

- Nếu bạn có những vấn đề về tuyến giáp hay chức năng tiêu hóa, bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ xem có thể sử dụng hoặc lượng sử dụng rong biển cho phép trong chế độ ăn của bạn.

- Trong một số trường hợp đặc biệt, cần lưu ý đến mức độ nhiễm phóng xạ và nhiễm độc kim loại nặng ở mức thấp trong rong biển.

- Nói chung, rong biển được thu hoạch từ khu vực bờ biển Hàn Quốc khá an toàn.

Nếu bạn còn nghi ngờ về chất lượng của rong biển, hãy mua chúng từ những công ty uy tín mà sản phẩm của họ đã được kiểm chứng an toàn phóng xạ.

*Theo Wellnessmama

Theo Hồng Nhung

Cùng chuyên mục
XEM