Tỉnh giấc lúc 4 giờ 30 sáng ở Harvard: Sự thật và những lời nói dối

08/12/2016 11:12 AM | Sống

Không ai ở Harvard dám cười nếu như bạn hỏi một câu hỏi quá cơ bản hay phát biểu một điều quá ngu ngơ. Nhưng nếu bạn toàn thức khuya mặt mũi phờ phạc, người ta sẽ khuyên bạn đi tư vấn sức khỏe ở trung tâm y tế ngay cạnh sân trường.

Những lời nói dối ở Harvard

Harvard không phải là nơi ai ai cũng cắm mặt vào đọc sách như những cỗ máy cô độc nghĩ mình là trí thức tinh hoa, phải nỗ lực hết mình để sau này ra đời đi cứu thế giới. Khi quay bộ phim hài “Legally Blonde” về ngôi trường này, nhà làm phim đã không thể nhờ các sinh viên Luật Harvard đóng vai quần chúng bởi vì họ quá… trần tục và đời thường. Kết quả là họ phải thuê diễn viên bên ngoài thì mới toát lên cái vẻ thượng lưu và “chỉ biết học”.

Harvard là như thế: một ngôi trường luôn bị thêu dệt bởi những huyền thoại. Đến mức độ người ta ghét Harvard cũng vì những điều đó. Ngay cả những sinh viên ở đây cũng hay tự diễu lẫn nhau về những thêu dệt như kiểu “ba lời nói dối ở Harvard”.

Mặc dù đây là một ngôi trường cũng có nhiều vấn đề và bị chỉ trích, không ai có thể phủ nhận giá trị đỉnh cao của việc dạy và học ở Harvard. Nhưng đó là sự dạy và học thông qua trao đổi và giao lưu, chứ không phải ở bao nhiêu quyển sách bạn đã đọc hay tối qua bạn thức đến mấy giờ.

Cái đẹp của Harvard là ở cởi mở giao lưu, chứ không phải thu gọn. Quảng trường Harvard là nơi mà sinh viên, giáo sư, người dân, khách du lịch, dù đến từ đâu, đều chào hỏi và nói chuyện với nhau một cách chân thành, cởi mở và văn minh.

Một ngày sau bầu cử tổng thống Mỹ, tôi thấy một cô gái trẻ Hồi giáo bước đi với tâm trạng u ám vì không biết tương lai của mình như thế nào. Một người phụ nữ cao tuổi đã bước tới chủ động chào và chúc một ngày tốt lành với cô ấy. Cử chỉ đó là điều đẹp đẽ nhất tôi từng được chứng kiến. Ở đây, dù bạn có khác biệt như thế nào, tiếng Anh có tệ đến đâu, người ta cũng sẽ quan tâm đến bạn, muốn nghe bạn nói.


Bức ảnh từng được cộng đồng mạng Trung Quốc lan truyền và nói rằng đây là hình ảnh chụp ở thư viện của Harvard lúc 4h30 sáng.

Bức ảnh từng được cộng đồng mạng Trung Quốc lan truyền và nói rằng đây là hình ảnh chụp ở thư viện của Harvard lúc 4h30 sáng.

Cái hay của Harvard là ở thói quen trao đổi, chứ không phải “cày bừa” lấy trí thức

Canteen và những quán cafe ở quanh Harvard như Starbucks, Peets hay Algiers là những nơi ồn ào nhất. Ở đây bạn có thể bắt gặp một ông lão ăn mặc vô cùng lôm côm nhưng thực ra đó là một giáo sư đáng kính. Ông ấy ăn một cốc kem hoa quả còn người tiếp chuyện với ông ấy là một sinh viên với ly cà phê đen đặc.

Vậy đó, chẳng có một sự rập khuôn hình mẫu hay phân biệt đẳng cấp nào cả. Ở đó chỉ có sự trao đổi về các ý tưởng, tôn trọng tuyệt đối các quan điểm trái chiều. Là nơi những ý tưởng bị phản biện một cách thẳng thắn nhất, rồi qua đó được bồi bổ, được thăng hoa.

Có áp lực thì đó là để làm sao duy trì được thời gian ngủ 7-8 tiếng

Nếu có một sự đúng đắn nho nhỏ nào đó của bài viết “Harvard 4h30 sáng”, thì đó là yêu cầu cao ở ngôi trường này. Nhưng đó là yêu cầuc đối với tư duy, chứ không phải gánh nặng dùi mài kinh sử.

Văn hóa của Harvard là luôn phải phản biện để phá vỡ những định kiến và cách nghĩ cũ, luôn phải trao đổi cởi mở để tư duy ra ngoài khuôn khổ. Nếu có phải đọc sách, thì là để có thể nghĩ tốt hơn, làm tốt hơn, chứ không phải có nhiều chữ hơn rồi im lặng để đó.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ở thời đại mà tất cả những cuốn sách nào cũng đều có thể lấy được trên mạng, hay bất cứ điều gì cũng có thể “tra google”; thì không ai có được đặc quyền về thông tin nữa. Giá trị thực sẽ nằm ở khả năng tư duy và phản biện chứ không còn ở quyết tâm học gạo mù quáng nữa.

Đặc biệt, đó còn là áp lực quản lý thời gian cá nhân, khi mà thời gian biểu của mỗi người có thể bị xé lẻ ra từng 15-30 phút. Làm sao để cân bằng giữa 4-5 tiếng đồng hồ đi học, viết bài luận, và dành thời gian cho bạn bè và gia đình.

Vì thế, đó là áp lực làm sao để duy trì được thời gian ngủ 7-8 tiếng, chứ chưa bao giờ là áp lực của việc đọc bao nhiêu sách một ngày. Không ai ở đây dám cười nếu như bạn hỏi một câu hỏi quá cơ bản hay phát biểu một điều quá ngu ngơ. Nhưng nếu bạn toàn thức khuya mặt mũi phờ phạc, người ta sẽ khuyên bạn đi tư vấn sức khỏe ở trung tâm y tế ngay cạnh sân trường.

“Veritas” – sự thật

Những trí thức trẻ đắm mình trong tháp ngà khoa học đến 4:30 sáng ở thư viện Harvard - đó thực sự là điều lãng mạn đẹp lung linh như câu chuyện tình “Không ngủ ở Seattle” mà người Mỹ vẫn hay kể ở thập niên 90s.

Sẽ chẳng có gì quá sai trái nếu như sự thực không bị huyền thoại hóa quá mức bởi một quyển sách chỉ có mỗi bản tiếng Trung trên Amazon . Cũng sẽ chẳng đáng nói nếu như nó không khiến cho nhiều người không khỏi cảm thấy Harvard là một nơi chẳng thể với tới, theo kiểu “phải giỏi lắm mới vào được”.

Sinh viên ở Harvard. Nguồn ảnh: Internet.
Sinh viên ở Harvard. Nguồn ảnh: Internet.

Nếu ai đó thấy bài viết “Harvard: 4h30 sáng” là hay, thì cũng đừng nói họ cả tin. Bởi vì họ có cái lý riêng: chịu thương chịu khó là một trong những đức tính tốt đẹp nhất của người Việt. Không một ai lười mà thành công được cả. Và ai cũng có những giai đoạn mà đúng là phải thức đến sáng để hoàn thành một việc quan trọng nào đó.

Chỉ là ở đây ta cần coi trắng đêm chỉ nên là giải pháp nhất thời chứ không phải là chìa khóa để thành công.Cần cù chỉ là một vế của vấn đề. Vế còn lại là cách làm hiệu quả. Phương thức học thuộc lòng để lấy kiến thức khô cứng đã trở nên cũ kỹ rồi.

Khác với nhiều trường Đại học khác ở Mỹ, Harvard không chọn một hình tượng linh vật (mascot) nào, chỉ có một chữ “Veritas” (“sự thật”) màu đỏ đậm. Họ tự hào về triết lý đó. Vậy nên cần phải nhìn thẳng vào những giá trị thật của Harvard, và nói rằng đây một nơi cũng rất phàm trần. Ai cũng có thể đạt được nếu nỗ lực đúng cách.

… Và tất nhiên, việc mỗi tối ngủ đủ giấc để chuẩn bị cho tiết học đầu tiên lúc 8h45 sáng hôm sau là một lẽ quá đỗi thường tình.

Sơ Nguyên

(Cựu sinh viên Harvard, hiện là Visiting Fellow tại trường Harvard Kennedy)

Cùng chuyên mục
XEM