Tỉnh có siêu cảng lớn nhất Việt Nam lại sắp có thêm cảng đẳng cấp quốc tế, đón du thuyền, thủy phi cơ
Đây được xác định là công trình mang tính biểu tượng, đẳng cấp quốc tế và mỹ quan, phù hợp với quy mô của dự án là một cảng đích, không phải cảng ghé.
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa tổ chức cuộc họp nghe báo cáo về phương án đầu tư Cảng tàu khách quốc tế Vũng Tàu.
Theo báo cáo của Liên danh tư vấn PORTCOAST - TEDIPORT - HPEC, vị trí Cảng tàu khách quốc tế được xác định giáp khu tổ hợp nhà ga Cáp treo khu vực Bãi Trước (TP. Vũng Tàu).
Quy mô của cảng tàu khách gồm nhà ga hành khách kết hợp cửa hàng miễn thuế; văn phòng khách sạn và căn hộ du lịch; bến du thuyền; bãi xe taxi, xe buýt; các công trình hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan, cầu tàu, kè bờ, đê chắn sóng; khu bến cảng công vụ, hoa tiêu. Trong đó, bến khách gồm 1 cầu cảng cho phép đậu 2 bên, đáp ứng cho cỡ tàu 225.000 - 228.000 GT (hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện). Theo thiết kế, bến cảng có thể đón cùng một lúc 2 tàu du lịch siêu lớn chở theo đến 10.000 khách.
Theo thiết kế, tổng chiều dài bến là 420m, trong đó sàn đón khách dài 120m. Cầu cảng nối với bờ bằng cầu dẫn dài khoảng 700m và tổng diện tích dự án khoảng 7ha. Phía trong bố trí các bến du thuyền, bến tàu công vụ, dịch vụ hàng hải cho hoa tiêu, cảng vụ. Không gian giữa nhà ga và cầu tàu sẽ bố trí bến tàu du lịch.
Đặc biệt, trong hồ sơ thiết kế dự án có nêu bến thủy phi cơ được bố trí bến riêng phía Đông, Đông Nam. Kinh phí đầu tư do nhà đầu tư bỏ ra và tỉnh chỉ thu tiền thuê đất, mặt nước.
Tại cuộc họp, đơn vị tư vấn cũng đưa ra 4 phương án xây dựng với tổng mức đầu tư từ hơn 1.333 tỷ đồng đến 8.000 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng phần cầu dẫn là từ 170 tỷ đồng đến hơn 1.452 tỷ đồng.
Tuy nhiên, để vừa khai thác tối đa không gian biển và có thể thu hút được nhà đầu tư, lãnh đạo tỉnh yêu cầu đơn vị tư vấn nghiên cứu phương án số 8 mà đơn vị đã báo cáo tại cuộc họp trước đó. Phương án này có tổng mức đầu tư gần 4.600 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng khu cảng là gần 2.600 tỷ đồng.
Nếu được triển khai xây dựng, bến cảng tàu khách quốc tế Vũng Tàu được đánh giá có quy mô lớn nhất khu vực phía Nam.
Công trình mang tính biểu tượng, đẳng cấp quốc tế
Kết luận cuộc họp Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ giao Sở Kế hoạch - Đầu tư phối hợp Sở Giao thông -Vận tải tìm phương án lựa chọn nhà đầu tư thực hiện toàn bộ dự án bao gồm cả phần công trình thủy công và các công trình kiến trúc trên bờ thuộc phạm vi lấn biển khoảng 10ha theo hình thức đấu giá.
Phương án là làm sao để mức đầu tư không quá lớn, sẽ khó thu hút nhà đầu tư tham gia. Đồng thời, tỉnh cũng giao Sở KH-ĐT nghiên cứu, tham mưu (bằng văn bản) phương án đầu tư dự án theo hình thức đấu thầu hay đấu giá.
Sở Giao thông -Vận tải hoàn thiện hồ sơ dự án tiền khả thi trong tháng 10/2024 và đề xuất tổ chức lấy ý kiến các nhà đầu tư quan tâm đến dự án trước khi trình cấp có thẩm quyền chấp thuận.
Tại buổi họp trước đó vào cuối tháng 7, ông Lê Ngọc Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải, liên danh tư vấn khẩn trương hoàn thiện báo cáo phương án ưu tiên theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải và liên danh tư vấn ưu tiên lựa chọn phương án 1 có tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng vì tính phù hợp, và đã có trong hồ sơ đề xuất quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải, đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh thống nhất trong nội dung điều chỉnh quy hoạch gửi Bộ Giao thông vận tải.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lưu ý các cơ quan, đơn vị tư vấn cần xác định rõ vai trò, chức năng của Cảng tàu khách quốc tế Vũng Tàu là công trình mang tính biểu tượng, đẳng cấp quốc tế và mỹ quan, phù hợp với quy mô của dự án là một cảng đích, không phải cảng ghé.
Đồng thời, sau khi hoàn thành, cảng này sẽ là nơi tập trung, bảo đảm các hoạt động cộng đồng thường xuyên, tổ chức các sự kiện lớn của tỉnh và cả khu vực.
Cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải là cụm cảng biển nước sâu lớn nhất Việt Nam thuộc thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng chiều dài hơn 14km.
Với luồng chạy tàu có độ sâu âm là 14m, độ sâu khu vực bến cảng âm 16,8m và vũng quay tàu rộng 500m, cảng Cái Mép – Thị Vải trở thành nơi trung chuyển hàng hoá giao thương thuận lợi giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới.
Hồi tháng 6 vừa qua, liên danh Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) - Tập đoàn Geleximco - Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại quốc tế (ITC) đã đề xuất triển khai dự án đầu tư xây dựng cảng tổng hợp và container Cái Mép Hạ với tổng vốn 50.820 tỷ đồng, quy mô 351 ha, có thể đón các tàu biển lớn nhất thế giới.