Tìm về cội nguồn Thiền phái Trúc Lâm

23/08/2016 10:51 AM | Sống

Phật giáo Việt Nam phát triển cực thịnh trong khoảng đầu thế kỷ XIII đến đầu thế kỷ XIV. Đỉnh cao nhất chính là Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã thống nhất 3 dòng Thiền phái Thảo Đường, Vô Ngôn Thông, Tì-ni-đa-lưu-chi để sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Dòng thiền phái này mang tinh thần của người Việt, gắn bó mật thiết với sự hưng vong triều đại nhà Trần.

1. Người xưa có câu "Danh sơn Yên Tử/ Thiền phái Trúc Lâm" hay "Ai qua Yên Tử, Quỳnh Lâm/ Vĩnh Nghiêm chưa tới, thiền tâm chưa đành".

Có thể nói Yên Tử luôn được nhắc tới đầu tiên, nơi khởi nguồn và ra đời Thiền phái Trúc Lâm. Hiện nay khu di tích thắng cảnh Yên Tử nằm ở xã Thượng Yên Công, TP. Uông Bí, Quảng Ninh.

Cho đến hôm nay, khu di tích Yên Tử có gần 10 ngôi chùa và cả trăm am, mộ tháp mang dấu ấn của Thiền phái Trúc Lâm do Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập hơn 700 năm trước.

Từ chùa Suối Tắm ở bên con đường dẫn lên núi Yên Tử cho đến chùa Giải Oan, chùa Hòa Yên, chùa Vân Tiêu, chùa Bảo Sái, và kết thúc là chùa Đồng trên đỉnh non thiêng, hàng trăm năm qua là nơi tu hành của những thiền sư, hòa thượng của dòng Thiền phái Trúc Lâm.

Khu mộ tháp Huệ Quang là một dấu ấn lớn trong toàn bộ khu di tích Yên Tử. Ở đây có 97 mộ tháp với hình dạng và kích thước khác nhau. Nằm ở vị trí trung tâm của khu mộ tháp Huệ Quang là tháp Phật Hoàng Trần Nhân Tông với kích cỡ lớn nhất, được làm bằng đá xanh. Bên trong tháp có bức tượng Phật Hoàng bằng đá cẩm thạch. Những hàng mộ tháp nhỏ của các nhà sư tu hành viên tịch ở Yên Tử nằm thành từng hàng ngay ngắn ở hai bên.

Chùa Đồng và tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông tuy được xây sau này (khánh thành cuối năm 2014), tất cả đều nhằm khẳng định núi Yên Tử chính là trung tâm Phật giáo của dòng Thiền phái Trúc Lâm.

Có thể nói dấu ấn kiến trúc trong các công trình Phật giáo như chùa, am, mộ tháp... ở Yên Tử đều mang đậm phong cách đời Trần do những bàn tay tài hoa của các nghệ nhân Đại Việt xưa sáng tạo. Nó là những sáng tạo của người Việt, do người Việt xây dựng lên chứ không phải du nhập hoặc chịu ảnh hưởng của các công trình Phật giáo Ấn Độ, Trung Hoa.

2. Từ năm 1329, Tổ đệ nhị của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là Pháp Loa đã mở rộng nhiều công trình Phật giáo đồ sộ, tinh xảo ở khu vực chùa Quỳnh Lâm (Đông Triều, Quảng Ninh) được xây dựng từ thời Lý. Văn bia lập vào triều Nguyễn đã phong Quỳnh Lâm Tự là Đệ nhất danh lam cổ tự chốn An Nam. Chùa Quỳnh Lâm bị các cuộc chiến tranh tàn phá nặng nề, sau này phục dựng lại nên quy mô không bằng nguyên gốc.

Tuy nhiên, những di vật còn sót lại đã minh chứng giá trị nghệ thuật trong kiến trúc xây dựng chùa của ông cha ta thời nhà Trần. Ở chùa Quỳnh Lâm cũng có khu mộ tháp cổ kính rêu phong, nơi an nghỉ của các nhà sư, cao tăng của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Có một điều đặc biệt trong các ngôi chùa thuộc Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là không chỉ thờ Phật nói chung, mà còn có khu thờ riêng các vị Tổ sư Trúc Lâm như tháp Phật Hoàng, tượng Tam Tổ, tượng Trần Nhân Tông...

Như vậy, ngoài giá trị kiến trúc nghệ thuật mang đậm dấu ấn Việt Nam thì các ngôi chùa thuộc Thiền phái Trúc Lâm còn mang ý nghĩa lưu niệm danh nhân, gắn với sự nghiệp của các bậc cao tăng, danh nhân văn hóa như Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang.

Đại đích Thích Thành Vịnh giới thiệu về ván kinh của Thiền phái Trúc Tâm
Đại đích Thích Thành Vịnh giới thiệu về ván kinh của Thiền phái Trúc Tâm

3. Một di sản vật thể có giá trị rất lớn mà Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử để lại là kho mộc bản kinh Phật đang lưu giữ ở chùa Vĩnh Nghiêm (xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang). Vĩnh Nghiêm cũng chính là trung tâm Phật giáo thứ ba của dòng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Ngay sau khi sáng lập Thiền phái Trúc Lâm, Đức Phật Hoàng đã cho biên tập, san khắc, ấn hành một số kinh sách quan trọng nhằm phổ biến giáo lý, tư tưởng hành đạo của các vị cao tăng, thiền sư Thiền phái Trúc Lâm. Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được chế tác bởi những thợ thủ công lành nghề thuộc các phường thợ ở Bắc Ninh, Bắc Giang và đặc biệt là Liễu Tràng (Hải Dương) - một làng chuyên làm nghề khắc mộc bản từ lâu đời.

Các mộc bản đều được làm từ gỗ cây thị, khắc bằng chữ Hán cổ và Nôm, số ít khắc xen chữ Phạn. Chữ được khắc ngược trên hai mặt của mỗi ván gỗ (số ít khắc một mặt) với độ sâu từ 1 đến 1,5mm. Kỹ thuật khắc chữ và hình ảnh trang trí trên mỗi tấm ván được thực hiện đúng theo qui chuẩn in của người Việt thời bấy giờ.

Bộ mộc bản được san khắc vào thời kỳ này bao gồm 3.050 bản ván khắc lưu giữ tại 8 kệ sách trong điện chính. Kích thước các mộc bản không đều nhau, tùy theo từng bộ kinh, sách. Bản khắc lớn nhất có chiều dài hơn 100cm, rộng 40 - 50cm, bản nhỏ nhất khoảng 20 x 15cm.

Ngày 16/5/2012, tại hội nghị Ủy ban UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương tổ chức tại Bangkok (Thái Lan), Mộc bản Kinh Phật Thiền phái Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm đã được công nhận là Di sản Tư liệu thế giới thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Các cư sĩ tập tu tại Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (Tam Đảo, Vĩnh Phúc)
Các cư sĩ tập tu tại Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (Tam Đảo, Vĩnh Phúc)

4. Người đời đã ví Phật Hoàng Trần Nhân Tông như vị Phật tổ Thích Ca Mâu Ni của người Việt vì đã có công sáng lập ra dòng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Trần Nhân Tông là người có công giải phóng dân tộc (đánh bại quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ ba), người cải cách tôn giáo, nhà tư tưởng và là Đức Phật Hoàng.

Thời Trần, Phật giáo rất thịnh trị và được mọi tầng lớp nhân dân tôn sùng, đặc biệt các vị hoàng thân quốc thích. Trần Nhân Tông đã biết kế thừa và sáng tạo tư tưởng thiền học của vua cha Trần Thái Tông và sư phụ Tuệ Trung Thượng Sĩ, chứ không phải học thiền từ Ấn Độ hay Trung Hoa. Có nghĩa Trần Nhân Tông đã biết tiếp thu một cách sáng tạo tư tưởng thiền nảy sinh trên đất Đại Việt, rồi nuôi dưỡng, khái quát nó để sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Phật giáo Ấn Độ và Trung Hoa du nhập vào Đại Việt đến thời Trần đã được Việt hóa một cách rõ nét. Nó đã chịu tác động của tín ngưỡng dân gian Đại Việt. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử ra đời đã phục vụ đắc lực cho sự nghiệp củng cố sức mạnh dân tộc trong quá trình dựng nước, giữ nước và mở rộng biên cương về phương Nam.

Ba vị tổ sư từ Phật Hoàng Trần Nhân Tông rồi đến Pháp Loa, Huyền Quang đã biết kết hợp sáng tạo giữa Phật giáo với nhân sinh quan của Nho giáo và vũ trụ quan của Lão giáo, đặt lợi ích dân tộc và nhân dân lên trên hết. Tinh thần nhập thế đạo và đời như một thể thống nhất không tách rời.

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã đơn giản hóa việc tập tu và không câu nệ nghi thức, công nhận tu sĩ tu ở chùa và cư sĩ tu ở nhà bình đẳng như nhau. Như vậy có thể nói Thiền phái Trúc Lâm đã có sự kếp hợp độc đáo giữa tính bác học và tính dân gian, nên nó tự nhiên nhiễm sâu vào tâm thức đông đảo các tầng lớp nhân dân. Đó chính là dòng thiền của người Việt, với tư tưởng Phật giáo thuần Việt.

5. Sau khi nhà Trần sụp đổ, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã phải chịu cảnh mai một, lãng quên. Phải đến thế kỷ XVII, Thiền phái Trúc Lâm mới được phục hưng.

Từ thế kỷ XVII đến nay, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã được duy trì và có những bước phát triển mới. Hiện nay, Thiền phái đã ảnh hưởng sâu rộng ra cả nước với minh chứng là có tám Thiền viện Trúc Lâm đã và đang được xây dựng từ Bắc vào Nam (các thiền viện nổi tiếng như Yên Tử, Giác Tâm, Tây Thiên, Bạch Mã, Chánh Giác...). Hằng năm có hàng trăm khóa tập tu được các thiền viện mở cho cư sĩ đến học.

Theo Diệp Băng

Cùng chuyên mục
XEM