Tìm giải pháp ngăn người bỏ trốn khi bị khởi tố

15/07/2020 08:37 AM | Xã hội

Sau hàng loạt cựu quan chức, lãnh đạo doanh nghiệp lớn bỏ trốn trước khi bị khởi tố, phải phát lệnh truy nã vừa qua, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học (Bộ Công an) cho rằng, các cơ quan liên quan phải ngồi lại, sớm tìm ra nguyên nhân, bịt kẽ hở để không xảy ra các trường hợp tương tự.

Tìm giải pháp ngăn người bỏ trốn khi bị khởi tố - Ảnh 1.
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học (Bộ Công an) 

Nghi ngờ có chống lưng, bảo kê

Cơ quan điều tra vừa tạm đình chỉ điều tra và phát lệnh truy nã đối với cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa. Trước đó, nhiều đối tượng trong các vụ án lớn cũng đã bỏ trốn, như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy, Bùi Quang Huy. Theo ông, việc này gây ảnh hưởng như thế nào đến quá trình điều tra, truy tố, xét xử?

Trước tiên, việc đối tượng bỏ trốn làm khó cho các cơ quan tố tụng. Thứ nữa là hậu quả với xã hội, người dân đặt ra nghi ngờ, liệu có ai tiếp tay, chống lưng cho các đối tượng bỏ trốn không? Điều đó sẽ làm giảm lòng tin của người dân với cơ quan nhà nước nói chung. Bên cạnh đó, việc đối tượng bỏ trốn rất dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng để nói xấu, xuyên tạc, bôi nhọ…làm hạ uy tín của Đảng, Nhà nước. Ba hậu quả này rất lớn, cần đúc rút kinh nghiệm, tìm ra kẽ hở để bịt lại.

Ông có suy nghĩ gì khi các đối tượng bỏ trốn đa phần là những cựu quan chức, ông chủ doanh nghiệp có thế lực, địa vị trong xã hội?

Trước đây khi đối tượng Bùi Quang Huy bỏ trốn, tôi đã đề nghị cơ quan tư pháp phải tìm ra tội phạm để xử lý. Bên cạnh đó, tôi cũng đề nghị Ủy ban kiểm tra của Đảng, Ban Bảo vệ chính trị nội bộ, Ban Tổ chức Trung ương phải vào cuộc để xem có ai chống lưng cho Bùi Quang Huy hay không.

Sau hàng loạt những vụ bỏ trốn như vậy, người dân đưa ra nghi ngờ là đúng thôi. Như vậy, cơ quan nhà nước phải kiểm tra, đánh giá, làm rõ và trả lời công khai minh bạch cho người dân biết, vụ bỏ trốn đó có ai chống lưng không, nếu không thì do sơ hở ở khâu nào.

Bịt kẽ hở, chấm dứt tình trạng bỏ trốn

Sau hàng loạt những vụ bỏ trốn như vậy, theo ông liệu có xảy ra sơ hở gì về mặt nghiệp vụ?

Chắc chắn có sơ hở rồi, nếu không sơ hở thì sao đối tượng trốn được. Cũng giống như căn nhà của chúng ta, bị các đối tượng đào tường khoét vách chui vào mỗi tối, thì chắn chắn phải có sơ hở ở cửa ra vào, hay cửa sổ gì đó. Nếu hàng rào cửa ngõ cẩn thận, có hệ thống cảnh báo nghiêm ngặt thì các đối tượng làm sao đột nhập vào nhà chúng ta được. Để các đối tượng bỏ trốn như vậy, hệ thống của chúng ta có bất cập, sơ hở, điều này không có gì phải bàn cãi.

Tìm giải pháp ngăn người bỏ trốn khi bị khởi tố - Ảnh 2.
Nhiều cựu quan chức, sếp doanh nghiệp lớn bỏ trốn khi bị khởi tố, phải phát lệnh truy nã

Vậy phải làm gì để bịt được kẽ hở, để không còn xảy ra những vụ việc đáng tiếc như vừa qua, thưa ông?

Vấn đề ở chỗ sau vụ Trịnh Xuân Thanh, Bùi Quang Huy, các cơ quan chức năng liên quan cần họp lại với nhau, đánh giá khách quan xem sơ hở khâu nào. Muốn vậy, cơ quan công an, kiểm sát, tòa án, chính quyền các cấp phải vào cuộc. Thậm chí cả hệ thống chính trị cũng phải vào cuộc.

“Chắc chắn có sơ hở rồi, nếu không sơ hở thì sao đối tượng trốn được. Để các đối tượng bỏ trốn như vậy, hệ thống của chúng ta có bất cập, sơ hở, điều này không có gì phải bàn cãi”, Thiếu tướng Lê Văn Cương

Rồi chính quyền địa phương cũng phải có trách nhiệm chứ. Nếu bà Thoa định cư ở Hà Nội thì UBND thành phố phải chủ trì, Viện kiểm sát, công an, tòa án cũng phải làm đến cùng.

Cần phải tìm ra nguyên nhân, để từ đó đưa ra giải pháp thiết thực, hiệu quả. Đáng lẽ sau vụ Trịnh Xuân Thanh sẽ không có vụ Bùi Quang Huy bỏ trốn, rồi sau vụ Bùi Quang Huy thì sẽ không có vụ Hồ Thị Kim Thoa bỏ trốn.

Nhưng sau vụ bà Thoa thì phải dừng lại, các cơ quan chức năng phải gấp rút vào cuộc, bịt kẽ hở . Điều quan trọng không phải để phê bình, kỷ luật ai, mà cốt yếu để phát hiện ra sơ hở, từ đó đưa ra các giải pháp bịt lại để không xảy ra các vụ việc tương tự.

Cảm ơn ông!

Theo quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự hiện hành về tạm hoãn xuất cảnh (điểm a khoản 1 và khoản 3, điều 124) , người có thẩm quyền theo quy định của bộ luật này có thể tạm hoãn xuất cảnh đối với “Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ”; “ Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh không được quá thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm…”.


Luân Dũng

Cùng chuyên mục
XEM