Tiki lỗ 322 tỷ trong 2 năm, khi nào thương mại điện tử Việt Nam hết "đốt" tiền?
Dù lỗ nhưng các trang thương mại điện tử tại Việt Nam tiếp tục được rót tiền để tồn tại, khi nào thì thực trạng này mới chấm dứt?
Từ báo cáo thường niên của VNG về các khoản lỗ ở các công ty liên kết cho thấy năm 2017, Tiki lỗ khoảng 282 tỷ đồng. Cộng với khoản tiền Tiki báo lỗ 40 tỷ đồng năm 2016, sau 2 năm trang thương mại điện tử này đã "đốt" 322 tỷ đồng.
Nhân viên Tiki chuẩn bị giao đợt hàng điện thoại di động - Ảnh: Tiki |
Tiki nằm trong nhóm những trang thương mại điện tử có thị phần lớn hiện nay tại Việt Nam, cùng với những cái tên khác như Lazada, Shopee. Từ một trang chỉ bán sách tiếng Anh năm 2010, Tiki nhận các khoản đầu tư khác nhau sau đó nhận hơn 380 tỷ đồng từ VNG vào năm 2016 sau khi mở rộng ngành nghề sang bán hàng điện tử, thời trang, và nhiều thứ khác. Kể từ thời điểm VNG rót tiền, Tiki liên tục báo lỗ, và có lẽ công ty khởi nghiệp này sau 8 năm vẫn chưa có lợi nhuận.
Giống với Tiki, những cái tên như Lazada hay Shopee cũng được cho là chưa có lợi nhuận tại thị trường Việt Nam. Dù vậy, Lazada và Tiki vẫn đang được các nhà đầu tư đổ thêm tiền để… lỗ.
JD.com, doanh nghiệp thương mại điện tử lớn thứ hai Trung Quốc, dẫn đầu một nhóm nhà đầu tư đã bỏ số tiền 44 triệu USD vào Tiki hồi cuối năm 2017, sau đó tiếp tục bơm vốn cho trang bán hàng Việt Nam hồi đầu năm 2018.
Động thái rót tiền vào Tiki của JD.com diễn ra sau khi Alibaba - đối thủ số một của JD.com tại Trung Quốc - đổ tiền vào Lazada ở khu vực Đông Nam Á.
Vì sao những gã khổng lồ tầm cỡ thế giới tiếp tục đổ tiền vào thương mại điện tử Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng dù bán hàng online vẫn không mang về lợi nhuận cho các website này?
Điều hiển nhiên rằng thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam tăng trưởng liên tục hai con số, có những dự báo lạc quan cho thấy quy mô thị trường có thể đạt 10 tỷ USD vào năm 2020. Dân số trẻ, tỷ lệ dùng smartphone và Internet cao khiến các nhà đầu tư tiếp tục lạc quan vào thị trường này.