Tiếp tục trong danh sách theo dõi thao túng tiền tệ của Mỹ: Chuyên gia đưa ra 4 hàm ý chính sách đối với Việt Nam

16/01/2020 11:06 AM | Xã hội

Trong báo cáo tháng 1 của Mỹ, Việt Nam vẫn tiếp tục nằm trong danh sách theo dõi song đã có nhiều tín hiệu tích cực hơn khi đáp ứng được hai tiêu chí và chỉ còn bị chạm 1 tiêu chí.

TS. Cấn Văn Lực và Nhóm Nghiên cứu Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa có báo cáo về động thái Mỹ tiếp tục đưa Việt Nam vào danh sách 10 nước cần theo dõi thao túng tiền tệ và đưa ra một số khuyến nghị đối với Chính phủ, Bộ, ngành nhằm chủ động ứng phó với những diễn biến, tác động bên ngoài, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính-tiền tệ, hỗ trợ đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra.

Cụ thể, báo cáo cho biết, ngày 13/01/2020, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố Báo cáo định kỳ bán niên về chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ, trong đó kết luận không có quốc gia nào thao túng tiền tệ. So với báo cáo hồi tháng 5/2019, Mỹ đã bổ sung Thụy Sỹ vào danh sách theo dõi; nâng danh sách theo dõi lên 10 nước.

Một số điểm chính trong Báo cáo tháng 1/2020 của Mỹ

Thứ nhất, giữ nguyên các tiêu chí đánh giá và bổ sung 1 quốc gia (Thụy Sỹ) vào danh sách theo dõi các nước có khả năng thao túng tiền tệ.

 Tiếp tục trong danh sách theo dõi thao túng tiền tệ của Mỹ: Chuyên gia đưa ra 4 hàm ý chính sách đối với Việt Nam  - Ảnh 1.

Như vậy, các tiêu chí đánh giá về cơ bản vẫn được giữ nguyên so với Báo cáo tháng 5/2019. Theo 3 tiêu chí này, danh sách theo dõi khả năng thao túng tiền tệ đã tăng từ 9 lên 10 quốc gia bao gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Ireland, Singapore, Malaysia, Việt Nam và Thụy Sỹ (Thụy Sỹ bị bổ sung trong báo cáo tháng 1/2020, mặc dù đã được ra khỏi danh sách trong Báo cáo tháng 5/2019). Trong đó, có 2 nước chạm ngưỡng C1 là Trung Quốc và Việt Nam, 8 nước còn lại đều "chạm" hai tiêu chí C1 và C2 (như bảng 1 trên).

Thứ hai, thay đổi quan điểm đối với Trung Quốc theo chiều hướng tích cực hơn. Tháng 8/2019, Mỹ đã gắn mác "thao túng tiền tệ" đối với Trung Quốc khi căng thẳng thương mại giữa hai nước leo thang. Tuy nhiên, tại Báo cáo lần này, Mỹ đã đưa Trung Quốc ra khỏi diện "thao túng tiền tệ" khi Trung Quốc đã có những động thái thực thi cam kết về việc không chủ động phá giá tiền tệ và minh bạch hóa các số liệu liên quan tới tỷ giá. Theo đó, đồng Nhân dân tệ (CNY) đã có dấu hiệu tăng giá trở lại kể từ đầu tháng 9 tới nay; tỷ giá USD/CNY hiện (cập nhật ngày 15/1/2020) đang được giao dịch ở mức khoảng 6,89 CNY/USD, giảm gần 4% so với mức đỉnh ngày 30/8/2019.

Mặc dù vậy, thặng dư thương mại của Trung Quốc đối với Mỹ tiếp tục ở mức vượt trội so với các đối tác thương mại khác, với giá trị khoảng 401 tỷ USD (trong 4 quý tính hết tháng 6/2019, tương đương với 45% thâm hụt thương mại của Mỹ trong giai đoạn này). Vì vậy, Báo cáo vẫn đề nghị Trung Quốc cần tiếp tục thực thi các chính sách nhằm tránh phá giá tiền tệ, minh bạch hóa các số liệu liên quan đến điều hành chính sách tỷ giá; kích thích nhu cầu nội địa và giảm mức độ phụ thuộc vào đầu tư và xuất khẩu.

Việt Nam vẫn nằm trong danh sách theo dõi, song đã thay đổi tích cực khi chỉ chạm 1 tiêu chí

Trong Báo cáo tháng 5/2019, Việt Nam lần đầu tiên có mặt trong danh sách theo dõi về khả năng thao túng tiền tệ, khi bị xác định chạm hai tiêu chí là C1 và C2.  Đối với báo cáo lần này, Việt Nam vẫn tiếp tục nằm trong danh sách theo dõi song đã có nhiều tín hiệu tích cực hơn khi đáp ứng được hai tiêu chí C2 và C3, chỉ chạm 1 tiêu chí là C1. Sau Báo cáo tháng 5/2019, nhiều chuyên gia, bộ phận nghiên cứu của các ngân hàng như Citibank, ING… nhận định Việt Nam là một trong số các quốc gia dễ bị tổn thương nhất, là quốc gia có khả năng khá cao về việc bị chuyển nhóm sang nước thao túng tiền tệ, nếu không có biện pháp phù hợp, quyết liệt. Tuy nhiên, thời gian qua, hai nước đã phối hợp chặt chẽ hơn, trao đổi thông tin, thực hiện một số động thái cụ thể; và  Mỹ đã có những nhận định tích cực hơn. Cụ thể:

Thứ nhất, mặc dù vẫn nằm trong danh sách theo dõi thao túng tiền tệ của Mỹ, việc cải thiện chỉ còn chạm 1/3 tiêu chí (so với 2/3 tiêu chí tại báo cáo trước đó) là tín hiệu tích cực.

Thứ hai, việc vẫn nằm trong danh sách theo dõi do chỉ chạm tiêu chí C1 cho thấy vị thế thương mại của Việt Nam với Mỹ đã và đang tiếp tục được khẳng định. Năm 2019, tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt 517 tỷ USD, đứng thứ 23 thế giới. Trong đó, Việt Nam xuất siêu sang Mỹ khoảng 47 tỷ USD - đứng thứ 6 trong danh sách các nước có thặng dư thương mại với Mỹ (chạm tiêu chí thặng dư thương mại lớn hơn 20 tỷ USD).

Thứ ba, với hai tiêu chí còn lại, Việt Nam không chạm và đã có những cải thiện đáng kể so với báo cáo hồi tháng 5/2019. Cụ thể, tỷ trọng thặng dư cán cân vãng lai/GDP của Việt Nam trong 12 tháng gần nhất (tính đến hết tháng 6/2019) đã giảm mạnh từ trên 5% xuống còn khoảng 1,7% (thấp hơn ngưỡng 2%) và tỷ trọng giá trị mua ròng ngoại tệ/GDP đã giảm từ khoảng 1,7% xuống còn khoảng 0,8%. Ngoài ra, mặc dù trong năm 2019, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng lên mức khoảng 79 tỷ USD do Việt Nam vẫn cần tăng dự trữ ngoại hối nhằm tăng gối đệm đối với các cú sốc bên ngoài, song việc can thiệp thị trường ngoại hối theo hướng có mua, có bán. Do đó, Việt Nam đáp ứng được tiêu chí về can thiệp thị trường ngoại hối trong 6/12 tháng vừa qua (tính từ tháng 7/2018 đến hết tháng 6/2019.

Khuyến nghị 4 hàm ý chính sách đối với Việt Nam

Theo nhóm chuyên gia của BIDV, qua thời gian vừa qua, có thể thấy việc Việt Nam chủ động, chuẩn bị nội dung trao đổi thông tin, giải trình với phía Mỹ cùng với một số động thái cụ thể như tăng mua hàng hóa của Mỹ, đã mang lại những kết quả tích cực.

Trong thời gian tới, dự báo các chỉ tiêu đánh giá vẫn trong tầm kiểm soát và khả năng Việt Nam bị gắn mác thao túng tiền tệ tại báo cáo tiếp theo là không cao; song không được chủ quan và cần giữ quan điểm thận trọng, xác định đây là một vấn đề quan trọng cần được theo dõi, kiểm soát một cách chặt chẽ và tăng hành động cụ thể. Theo đó, nhóm chuyên gia khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiêm túc thực hiện những điểm sau.

Một là, cần chú trọng minh bạch hóa các dữ liệu liên quan tới dự trữ ngoại hối, các động thái can thiệp thị trường và cán cân thương mại (như phía Mỹ đề nghị trong Báo cáo lần này).

Hai là, tăng cường có hành động cụ thể; nhất là cân bằng hơn cán cân thương mại với Mỹ (nhập nhiều hơn hàng hóa, nhất là nông sản và thiết bị từ Mỹ). Ngoài ra, trong 6 tháng cuối năm 2019, Việt Nam đã tăng mạnh dự trữ ngoại hối. Vì vậy, trong năm 2020, Việt Nam cần kiên định điều hành chính sách tỷ giá theo hướng tiếp tục chủ động, linh hoạt, hạn chế can thiệp trực tiếp, một chiều và liên tục vào thị trường ngoại hối (cần có mua, có bán như đã làm vừa qua), nhằm tránh kịch bản bất lợi đối với Việt Nam.

Ba là, Việt Nam cần quan tâm tiếp tục giải quyết các vấn đề mà phía Mỹ quan tâm như cán cân thương mại, cụ thể hóa qui định về quản lý an ninh mạng (Phòng Thương mại Mỹ - Amcham cũng đã khuyến nghị điều này tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2019 vừa qua), tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh một cách thực chất, nhất quán, minh bạch và đồng bộ…v.v.

Cuối cùng, cải thiện mạnh mẽ khâu phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng vốn dĩ là khâu yếu điểm, nhất là trong xây dựng và thực thi chính sách, cung cấp thông tin, số liệu, thực thi các cam kết, nghĩa vụ nợ của Việt Nam và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp.

Theo Hằng Kim (ghi theo báo cáo của nhóm tác giả)

Cùng chuyên mục
XEM