Tiếp tục hé lộ nhiều bí ẩn trong nghiên cứu chỉnh sửa gen người: Nó có được tài trợ bởi chính phủ Trung Quốc?
Trong slide thứ 6 phác thảo mục tiêu của nghiên cứu, He Jiankui tuyên bố nguồn tài trợ ông sử dụng là từ Chương trình Nghiên cứu Trọng điểm của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Cuối năm ngoái, nhà chức trách Trung Quốc kết luận trong bản điều tra nhà khoa học He Jiankui rằng, ông này đã tự bỏ tiền túi để tài trợ cho nghiên cứu chỉnh sửa gen gây tranh cãi, tạo ra ít nhất hai bé gái mang gen đặc biệt có thể miễn nhiễm với HIV.
Theo đó, He Jiankui đã một mình lách qua các quy định về học thuật, cố tình vi phạm pháp luật để thực hiện một nghiên cứu phi đạo đức, không thể chấp nhận và không được cho phép ở Trung Quốc.
Kết luận điều tra đã khép lại vụ việc và để ngỏ một hình phạt cho He Jiankui, thậm chí có thể là mức án tử hình , trong khi ông này bị giam lỏng tại một nhà khách ở Thâm Quyến.
Nhưng trong một khảo cứu tài liệu mới, trang tin STAT News nói rằng một phần tiền của dự án CRISPR rõ ràng đến từ chính Chính phủ Trung Quốc.
Mặc dù chưa thể kết luận rằng các quan chức nước này có biết He Jiankui sẽ dùng tiền của mình vào mục đích tạo ra những đứa trẻ biến đổi gen hay không, các tài liệu mới vẫn chỉ ra sự thật mâu thuẫn với kết luận điều tra cuối cùng mà Trung Quốc đã công bố.
"Tôi không nghĩ rằng He Jiankui có thể đã làm điều đó mà không cần sự khuyến khích của chính phủ", Jing-Bao Nie, nhà sinh học tại Đại học Otago, New Zealand cho biết. "Họ muốn anh ta trở thành vật tế thần, bằng cách đó, mọi người có liên quan khác đều sẽ được minh oan".
Khảo cứu tài liệu tiếng Trung phát hiện nhiều mập mờ về các nguồn tài trợ
Trở lại tháng 11 năm ngoái, nhà khoa học He Jiankui tuyên bố trước một hội nghị ở Hồng Kông rằng ông ta đã chỉnh sửa gen cho một loạt các phôi thai người và một trong số các phôi đó đã sinh ra 2 bé gái sinh đôi.
Bằng cách sử dụng công cụ CRISPR, He Jiankui can thiệp vào một gen có ký hiệu CCR5 với mong muốn giúp những đứa trẻ sinh ra có khả năng miễn nhiễm với virus HIV.
Cộng đồng khoa học quốc tế đã nhanh chóng lên án hành động của ông He, nói rằng việc chỉnh sửa gen không chỉ đi ngược lại đạo đức khoa học, mà bản thân kỹ thuật ông ấy sử dụng còn rất cẩu thả, có thể gây hại cho 2 bé gái nhưng chẳng đem lại lợi ích gì cả.
Vào thời điểm đó, chính phủ Trung Quốc cũng nhanh chóng phản ứng bằng cách lên án He Jiankui và tuyên bố khởi động một cuộc điều tra toàn diện. Họ nhanh chóng đi đến kết luận rằng He Jiankui đã thầm lặng ấp ủ nghiên cứu, đơn độc thực hiện và tự mình tài trợ cho nó, bất chấp lệnh cấm của chính phủ để theo đuổi danh tiếng cá nhân.
Nhưng STAT News đã thu thập được 3 tài liệu cho thấy dự án nghiên cứu của ông He nhận được một nguồn kinh phí rất phức tạp. Ba tài liệu này bao gồm một bản thuyết trình của He Jiankui và nhóm của ông này, các mẫu chấp thuận của bệnh nhân viết bằng tiếng Trung Quốc và đăng ký thử nghiệm lâm sàng cũng bằng tiếng Trung Quốc.
Các tài liệu liệt kê 3 nguồn tài trợ cho nghiên cứu dẫn đến sự ra đời của cặp song sinh chỉnh sửa gen, bao gồm: Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc; Ủy ban Đổi mới Khoa học và Công nghệ Thâm Quyến, trực thuộc chính quyền thành phố; và Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Nam, nơi ông He từng làm việc dưới tư cách phó giáo sư.
Nguồn tiền mà He Jiankui sử dụng để tạo ra hai đứa bé biến đổi gen có thể đến từ Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc; Ủy ban Đổi mới Khoa học và Công nghệ Thâm Quyến và Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Nam
He jiankui: "Con cưng" của Bộ Khoa học Trung Quốc
Năm 2012, sau khi He Jiankui rời Mỹ trở về Trung Quốc theo diện nhân tài hồi hương, ông được coi là một ngôi sao đang lên trong giới khoa học, đồng thời nhận được rất nhiều sự hỗ trợ tài chính của chính phủ Trung Quốc.
Jia Ping, một luật sư tại Bắc Kinh cho biết ông He là một trong số những "con cưng" của bộ khoa học. Tháng 9 năm 2017, người ta thấy ông ấy xuất hiện trên kênh truyền hình quốc gia CCTV13, để giới thiệu một thiết bị giải trình tự DNA mà mình tự phát triển.
"Không phải mọi tác phẩm khoa học đều có thể tự nó xuất hiện lên truyền hình", ông Jia nói. "Bạn có thể cần các cơ quan chính phủ hỗ trợ bạn". Thật vậy, chương trình TV mà He Jiankui góp mặt có dẫn một tuyên bố của Bộ Khoa học Công nghệ Trung Quốc, nói công việc của ông He là một thành tựu quan trọng.
Bộ này sau đó dường như đã tài trợ cho nghiên cứu chỉnh sửa gen người CRISPR của He Jiankui. Tên của họ xuất hiện trong một bài thuyết trình bằng tiếng Trung của ông ấy, gồm tất cả 14 trang nói về quá trình tuyển dụng tình nguyện viên cho thử nghiệm lâm sàng. STAT News có được nó từ một nhà khoa học Trung Quốc tham gia vào dự án.
Trong slide thứ 6 phác thảo mục tiêu của nghiên cứu, He Jiankui tuyên bố nguồn tài trợ ông sử dụng từ Chương trình Nghiên cứu Trọng điểm của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Cơ quan Đăng ký Thử nghiệm Lâm sàng Trung Quốc liệt kê ra một nhà tài trợ khác cho thử nghiệm của He Jiankui: Dự án Khám phá Đổi mới Khoa học và Công nghệ Thâm Quyến, một chương trình được tài trợ bởi Ủy ban Đổi mới Thâm Quyến. Nhưng tại đây không đề cập đến Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Nam.
Vậy mà tháng 11 năm ngoái, sau khi nói về thử nghiệm lâm sàng của mình tại Hội nghị Thượng đỉnh Quốc tế lần thứ hai về Chỉnh sửa bộ gen người ở Hồng Kông, ông He nói rằng công việc được tài trợ một phần bằng tiền tiết kiệm của chính ông và một phần bởi một quỹ khởi nghiệp của trường đại học nơi ông công tác.
STAT News tìm thấy Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Nam cũng được liệt kê vào danh sách tài trợ trong 2 tài liệu chấp thuận và thông báo bằng tiếng Trung, thứ mà ông He đã sử dụng để tuyển dụng tình nguyện viên nam và nữ tham gia nghiên cứu.
Ông ấy cũng có thể đã tìm kiếm sự hỗ trợ từ một cơ quan chính phủ khác. Một nguồn tin thân cận với Bộ Y tế Trung Quốc nói với STAT News rằng nhóm của He Jiankui đã vận động chính quyền tỉnh Hải Nam thành lập các phòng khám IVF chuyên chỉnh sửa tế bào dòng mầm - thay đổi DNA của phôi, trứng hoặc tinh trùng.
He Jiankui xuất hiện trên đài truyền hình quốc gia CCTV13 của Trung Quốc hồi năm 2017
Phía Trung Quốc nói gì?
Trong một email mới được gửi đến STAT News, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc nói: "Dựa trên những kết quả điều tra sơ bộ, bộ không tài trợ cho nghiên cứu chỉnh sửa bộ gen con người". Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Nam thì vẫn từ chối mọi sự liên quan đến He Jiankui, kể từ khi vụ việc của ông bị phanh phui.
Ủy ban Đổi mới Thâm Quyến cũng không trả lời yêu cầu bình luận của STAT News. Hiện cũng không có bất kể phát ngôn mới nào của He Jiankui.
Một số nhà khoa học Trung Quốc thì tỏ vẻ hoài nghi về việc chính phủ nước này trực tiếp tài trợ cho nghiên cứu chỉnh sửa gen người.
"Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu các cơ quan chính phủ tài trợ chính thức cho dự án những đứa trẻ CRISPR", Mu-ming Poo, giám đốc Viện Khoa học Thần Kinh trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc tại Thượng Hải cho biết. "Tuy nhiên, rất có thể ông He đã sử dụng các khoản tài trợ khác của chính phủ để chạy dự án những đứa bé CRISPR, bởi cách chi tiền tài trợ luôn có những điểm linh hoạt".
Có thể những điểm linh hoạt mà ông Mu-ming nói đến là kẽ hở trong nghiên cứu gen ở Trung Quốc hiện nay. Thông thường, các nhà khoa học xin tài trợ ở Trung Quốc thường phải ghi chi tiết cụ thể cách họ sẽ sử dụng tiền. Nhưng điều đó có thể có kẽ hở đối với nghiên cứu mới của He Jiankui.
Ông ấy có thể đã sử dụng nguồn tiền cũ trước đây, từng được đưa vào phòng thí nghiệm của mình nhưng là dành cho các dự án khác. Trước đó, cả Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc lẫn Ủy ban Đổi mới của Thâm Quyến đều từng tài trợ cho nghiên cứu tiền lâm sàng của He Jiankui, trong đó cũng sử dụng công nghệ CRISPR nhưng không tiến đến bước mang thai ở người.
Do đó, mặc dù có thể khẳng định một phần nguồn tiền trong dự án chỉnh sửa gen người của He Jiankui đến từ chính các cơ quan chính phủ Trung Quốc, nhưng trách nhiệm của họ đến đâu vẫn còn là một dấu hỏi chưa được hé lộ.
Hiện nay, chúng ta vẫn liên tục bị thiếu các thông tin mới về He Jiankui, về sức khỏe của hai đứa trẻ sinh đôi và về cả những bà mẹ vẫn đang mang thai những đứa bé được chỉnh sửa gen còn lại trong nghiên cứu.
Một vấn đề nữa, trong khi chúng ta đổ dồn sự chú ý vào Trung Quốc với nghiên cứu này, một câu hỏi nên được hỏi nữa là: Liệu sẽ có thêm những đứa trẻ CRISPR được sinh ra ngoài Trung Quốc hay không?
Chúng ta đều biết sự lỏng lẻo trong các quy định nghiên cứu sinh học ở Trung Quốc đã biến nước này trở thành một miền đất hứa cho các nghiên cứu "đột phá" nhưng phi đạo đức. Tuy nhiên, các lỗ hổng tương tự cũng từng được phát hiện ở Israel, Nga và Tây Ban Nha.
Vẫn còn đó rất nhiều cơ hội cho những đứa trẻ CRISPR khác được sinh ra một cách không an toàn, nếu chúng ta không rà soát và thắt chặt các quy định liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu nhạy cảm này.