Tại sao quay nho trong lò vi sóng lại tạo ra plasma phá tan cái lò? Các nhà khoa học vào cuộc
Rất có thể mọi khẩu súng plasma trong game, trong phim đều chạy bằng nho.
Khuyến cáo: Đừng thử nghiệm tại nhà kẻo hỏng lò vi sóng.
Vài ngày gần đây, mạng Internet truyền nhau cách tạo ra … plasma trong lò vi sóng: cắt nửa quả nho ra, để hai nửa dính chút vỏ vào nhau, đưa vào lò vi sóng là bạn sẽ thấy điều kỳ diệu xuất hiện. Các nhà khoa học gãi đầu không hiểu tại sao, còn tiến hành cả thử nghiệm để lý giải hiện tượng kỳ lạ.
Nhà vật lý học Stephen Bosi tiến hành thử nghiệm kỳ quái hồi 2011. Trên camera, họ ngạc nhiên khi thấy plasma xuất hiện giữa hai phần quả nho, phía sau ánh hào quang của sân khấu YouTube , họ quệt nước mắt vì vừa làm hỏng cái lò vi sóng. Tốn kém là thế, vẫn chưa có ai hiểu thấu lý do plasma hình thành và quả nho thì đặc biệt ra sao.
Thí nghiệm năm 2011, khi đặt hai nửa quả nho vào lò vi sóng.
Một trong những lời lý giải dễ thấy trên mạng là quả nho bị chia ra chính là một cái ăng-ten, bằng cách nào đó đã điều hướng vi sóng vào đoạn nối mỏng manh giữa hai phần nho để rồi phát sáng. Chưa ai áp dụng toán học hay vật lý vào thử nghiệm khó hiểu này.
Cho tới khi ba nhà khoa học Canada xuất hiện: họ dành rất nhiều thời gian để bỏ lò mấy quả nho, sử dụng chương trình giả lập để xem hiệu ứng đã xảy ra. Rất có thể họ đã có được câu trả lời cuối cùng.
Hai quả "nho nhựa" cũng ra kết quả tương tự.
Các nhà khoa học chỉ ra người xem có thể đã quá tập trung vào tia lửa lóe lên. Đúng là "rất thú vị và đáng nhớ", nhưng nó mới chỉ là thứ quan tọng thứ hai thôi. Tia lửa là tập hợp của các electron và ion bay lung tung rồi tạo ra plasma, nhưng từng bước tạo ra được lượng plasma mới là thứ đáng chú ý (ít ra là với các nhà khoa học). Câu hỏi họ đặt ra là tại sao quả nho lại đạt nhiệt độ đủ cao mà tạo ra plasma
Thế là họ mang về tới vài chùm nho về phòng thí nghiệm, chắc chắn là có ăn vài quả trước khi "nướng chín" chúng bằng lò vi sóng. Đầu tiên họ thử nghiệm với một quả nho giả bằng nhựa thấm đẫm nước, nhằm tìm ra mức nhiệt độ chính xác khi quả nho bắt đầu tạo ra plasma, chưa cao đến mức nó phát ra tia lửa điện. Họ cũng làm lại cửa cái lò vi sóng để nhìn vào cho dễ.
Không cần cắt nửa, nho để nguyên quả cũng ra được plasma.
Kết quả nghiên cứu: quả nho có vẻ không phải là cái ăng-ten, mà giống một cái kèn trombone hơn, khi so sánh sóng viba với âm thanh. Khi bạn chơi kèn, bạn đưa không khí rung động từ đầu này sang đầu kia và tạo ra tiếng. Chỉ những rung động đúng bước sóng mới có thể đi được hết chiều dài cái kèn, mấy bước sóng khác sẽ triệt tiêu lẫn nhau.
Còn quả nho, nó ở kích cỡ hoàn hảo để khuếch đại thứ sóng lò phát ra. Sóng đi vào nho, nảy đi nảy lại để rồi tập trung năng lượng tại lớp vỏ mỏng đang níu kéo hai nửa quả. Cùng lúc đó, hai nửa lại cùng tập trung năng lượng nhận được vào điểm nối, nhận được nhiều năng lượng thì ắt sẽ nóng lên, chúng không thể giữ chặt được các electron có trong mình nữa, thế là biến thành tia lửa điện bạn thấy.
Theo nhà nghiên cứu Pablo Bianucci tới từ Đại học Concordia, có một điều người ta hay nhầm về cách thức lò vi sóng ảnh hưởng lên quả nho. Nó không ảnh hưởng tử ngoài vào trong, mà ảnh hưởng lên toàn bộ quả nho cùng một lúc.
Họ phát hiện ra một điều quan trọng khác: hình dáng của hai nửa quả nho, cùng với cầu nối nhỏ làm từ vỏ nho giữa hai nửa KHÔNG PHẢI YẾU TỐ QUAN TRỌNG tạo nên plasma. Hai quả nho đặt cạnh nhau cũng cho ra plasma, thậm chí chẳng phải là nho cũng sẽ có plasma.
Biết đâu khẩu súng plasma trong game viễn tưởng được vận hành bằng ... nho???
"Bất cứ thứ gì có kích cỡ tương đương nho đều được, chỉ cần vật đó có đủ nước trên người thôi", nhà vật lý học Hamza Kattak, người giữ cương vị "vận hành lò vi sóng" trong thử nghiệm, nói. Họ làm được với một số loại quả khác và cả thứ không phải quả: một đôi trứng chim cút.
Đừng vội chê khoa học rảnh rỗi không có việc gì làm nhé! Nghiên cứu mới này có những ứng dụng rất thực tiễn, theo lời nhà vật lý học Bosi, người đầu tiên quay lại thử nghiệm. Có thể kết quả thử nghiệm đến đó là hết, nhưng ông vẫn chưa kết tò mò.
"Tôi rất ấn tượng với chiều sâu mà thử nghiệm mang lại". Ông ca ngợi các nhà khoa học đã viết ra được cả phương trình toán học "chế tạo plasma từ nho", nếu như tìm cách áp dụng phương trình trên vào việc chế tạo plasma từ các hạt nano, ai biết ta sẽ có thêm những ứng dụng gì.
Nghiên cứu khoa học trên cũng chưa phải là lời khẳng định cuối cùng. Trong suốt quá tình thử nghiệm, các nhà nghiên cứu để ý thấy hai quả nho đặt cạnh nhau liên tục chuyển động, va vào nhau. Họ chưa biết thứ gì đã khiến chúng hành xử như vậy, dự định sẽ tiếp tục "điều tra".
Mong họ thành công.
Lại một lần nữa khuyến cáo: Đừng thử nghiệm tại nhà kẻo hỏng lò vi sóng