Tiếng Việt đang bị sử dụng “lệch chuẩn”

13/11/2016 10:09 AM | Sống

Trong giao tiếp hằng ngày, cả trên truyền hình, mạng xã hội hiện nay, không khó để bắt gặp tình trạng “tiếng ta pha tiếng Tây”, dùng lẫn lộn giữa ngôn ngữ nói và viết. Nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo lúc còn sống đã từng nhiều lần cảnh báo: “Người Việt hiện không còn biết nói và viết tiếng Việt nữa!”, để nói đến thực trạng tiếng Việt đang bị “Tây hóa”, đang bị sử dụng dễ dãi trong đời sống hằng ngày và cả trên phương tiện truyền thông. Vấn đề này một lần nữa được các nhà nghiên cứu, nhà ngôn ngữ học, đại biểu đặt ra tại hội thảo “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng” diễn ra mới đây tại Hà Nội.

Hiếm hội thảo nào có sự tham gia của đông đảo các chuyên gia như thế, với 240 bài tham luận, đều là những trao đổi tâm huyết, thể hiện tình yêu với Tiếng Việt và việc cấp thiết cần bảo vệ sự trong sáng của tiếng “mẹ đẻ” trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay.

Tiếng Việt bị làm mới dễ dãi

Tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có những phát biểu tâm huyết: “Tiếng Việt rất giàu, rất đẹp… Hiến pháp nước Cộng hòa XHCNVN đã khẳng định “Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt”. Bác Hồ cũng đã dạy, tiếng Việt là tài sản quý báu của dân tộc mà chúng ta phải giữ gìn...”. Theo Phó Thủ tướng, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là trách nhiệm của mỗi người. Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là ngoài xã hội, trên các diễn đàn, trong một số tài liệu, báo cáo, kể cả trên các ấn phẩm thông tin đại chúng và sách giáo khoa đang có nhiều biểu hiện thiếu chuẩn mực trong sử dụng tiếng Việt, quá dễ dãi trong phát triển, làm mới tiếng Việt. Hiện tượng lạm dụng, sử dụng ngôn từ, từ tiếng nước ngoài đang ngày càng nhiều.

Cũng trong hội thảo này, nhà báo lão thành Phan Quang đã kể lại câu chuyện từ 50 năm trước, mùa hè năm 1966, khi chiến tranh leo thang ác liệt, Hội nghị “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” theo ý kiến chỉ đạo của Bác Hồ đã được tổ chức bên gốc đa cổ thụ. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã tới dự và phát biểu. Sáng hôm sau, các hãng thông tấn Pháp, Anh, Mỹ đồng loạt đưa tin: “Trong khi tại Nhà Trắng, Bộ tham mưu của Tổng thống Mỹ cấp tập hoàn chỉnh kế hoạch tập kích thủ đô Bắc Việt, thì tại Hà Nội, Thủ tướng Việt Nam luận bàn về ngôn ngữ”… Câu chuyện của nhà báo Phan Quang là một ví dụ sâu sắc về yêu cầu khẩn thiết phải giữ gìn tiếng Việt, dù ở thời nào. Ông cũng trăn trở, trước sự biến đổi không ngừng, tiếng Việt đang đi đâu, về đâu?

Đó cũng là câu hỏi nhiều đại biểu đặt ra, trước thực trạng tiếng Việt đang bị sử dụng “lệch chuẩn”. Nhất là thời gian qua, không ít sai sót trong các cuốn từ điển tiếng Việt - vốn được xem là công cụ chuẩn hóa việc sử dụng tiếng Việt - đã được phát hiện, lên án. Nhiều “thảm họa từ điển” từ việc sao chép, vay mượn từ nước ngoài… đã nằm trên kệ sách ở nhiều thư viện trên cả nước, trong đó không thiếu những từ mới, được giải thích theo cách ngô nghê.

Còn trên các phương tiện truyền thông, luôn xuất hiện cách dùng ngôn ngữ mới. Nói về điều này, GS.TS. Nguyễn Văn Khang (Viện Ngôn ngữ học) đưa ra nhiều dẫn chứng: Những từ vốn xưa kia chỉ dùng nói về thời tiết nay được dùng để nói về quan hệ tình cảm, như “quan hệ đang băng giá”, “quan hệ đang đóng băng”, hay “một nền kinh tế ốm yếu”. “Tựa đề trên nhiều báo mạng được sử dụng theo kiểu giật gân câu khách, thậm chí làm sai lệch nội dung so với bài viết xuất hiện ngày càng nhiều. Cũng chưa bao giờ phát ngôn khen được dùng nhiều như hiện nay, với đủ các từ để diễn tả: Cực, cực kỳ, tuyệt vời, bá đạo, vãi… Từ “tặc” là yếu tố Hán Việt có nghĩa là “kẻ cắp, kẻ trộm” vốn chỉ xuất hiện trong từ mượn “hải tặc”, nay dùng để tạo ra hàng loạt từ mới: Cát tặc, game tặc, cẩu tặc, sưa tặc, gỗ tặc, đinh tặc… Theo dự đoán của tôi, rất có thể sắp tới sẽ có “tình tặc” - nhà ngôn ngữ hài hước bình luận.

Trong một thế giới mà truyền thông xã hội bùng nổ, ngôn ngữ chắc chắn sẽ bị tác động mạnh mẽ. Nhiều từ mới sẽ được du nhập vào đời sống ngôn ngữ. Nhưng phải thừa nhận rằng, một bộ phận không nhỏ người Việt đang có tâm lý sính ngoại, nên thường pha trộn tiếng Anh vào tiếng Việt trong cả văn nói và văn viết. Theo PGS.TS. Nguyễn Trường Lịch, Trường ĐH KHXH-NV Hà Nội thì “việc làm mới tiếng Việt không đúng lúc, đúng chỗ, chẳng khác nào đã làm nhem nhuốc tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ”.

Lạm dụng ngôn ngữ thời “a còng”

Theo PGS.TS. Phạm Văn Tình -Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, hiện nay, nhiều học sinh ở các lứa tuổi, kể cả nhân viên văn phòng rất hay đưa ngôn ngữ viết, ngôn ngữ nói trên mạng, qua tin nhắn vào cuộc sống hằng ngày, áp dụng vào mọi tình huống. Những cách viết, lối nói như: “2 e!” (chào em!), “Mìn k hỉu nủi” (Mình không hiểu nổi), “nó cá chê tao rồi” (nó chê tao rồi), hoy (thôi), “9xac" thay cho "chính xác... Để đối chiếu với tiếng Việt toàn dân thì các cách dùng này rõ ràng phải coi là rất “lệch chuẩn”. Dù thừa nhận việc tiếp thu cái mới cũng là cách mà ngôn ngữ phát triển, chuẩn của thời đại này là lệch chuẩn của thời đại trước và có thể trở thành chuẩn của thời đại sau, nhưng ông cũng cảnh báo việc sử dụng tùy tiện trong một thời gian dài, liên tục có thể khiến nhiều thanh, thiếu niên rất khó khăn với những yêu cầu tưởng như sơ đẳng: Viết đúng chính tả, đặt câu đúng ngữ pháp, sử dụng từ ngữ phù hợp, đúng ngữ nghĩa.

Đáng buồn hơn, không chỉ những thanh, thiếu niên mới lớn bị ảnh hưởng bởi cách sử dụng ngôn ngữ nói, ngôn ngữ viết kiểu như trên, mà đến cả một số người ở tuổi trưởng thành cũng bị ảnh hưởng, lây nhiễm… Theo PGS. TS. Phạm Văn Tình, sẽ là đáng báo động nếu những ngôn ngữ “lệch chuẩn” trên được sử dụng nhiều, trở thành thói quen gây ra “nghiện”. Điều đó dẫn đến việc mất kiểm soát, dùng ngôn ngữ một cách tùy tiện trong văn hóa giao tiếp và ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt.

PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi (Tạp chí Người làm báo) thì gọi vui ngôn ngữ giới trẻ sử dụng để giao tiếp bây giờ là “ngôn ngữ thời a còng”, với sự pha trộn Tây - ta đủ cả. Theo ông dù bao biện thế nào thì hiện tượng này vẫn ảnh hưởng tới sự trong sáng của tiếng Việt - một trong các yếu tố cơ bản làm nên bản sắc văn hóa dân tộc.

Một thực tế đáng buồn khác là, tiếng Việt vốn là ngôn ngữ quốc gia, là “căn cước” văn hóa của dân tộc, nhưng thời gian gần đây đã xuất hiện những hiện tượng làm tiếng Việt bị “ô nhiễm”. Chị Vũ Thị Bích - một giáo viên - trăn trở: “Hiện nay Tiếng Việt là phương tiện giao tiếp chính thống trên toàn lãnh thổ Việt Nam, để có được vị trí này, biết bao lớp thế hệ người Việt đã phải khổ công gìn giữ Thế mà hiện nay nhiều người trẻ ngang nhiên nói tục, chửi thề, làm vẩn đục thứ tiếng nói cao quý của dân tộc ta”.

Cách đây không lâu, một phóng sự về quán “bún chửi” ở Hà Nội được phát sóng trên kênh truyền hình CNN của Mỹ đã làm dấy lên nhiều tranh cãi. Rất nhiều người đã bày tỏ sự xấu hổ, khi những hình ảnh, ngôn từ không đẹp đó được phát đi rộng rãi, thế giới sẽ nghĩ gì về văn hóa của Việt Nam? Nói thế để thấy, ngôn ngữ không chỉ là phương tiện giao tiếp, mà còn là văn hóa, việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt cũng như là cách để làm đẹp nền văn hóa dân tộc.

Theo Đặng Chung

Cùng chuyên mục
XEM