Tiến sĩ Trần Minh Hải: "Trồng 1 triệu ha lúa chất lượng cao chỉ để bán tín chỉ carbon là cách hiểu sai"

16/08/2024 16:21 PM | Kinh doanh

"Nếu chúng ta chỉ tập trung nghĩ về tài chính, bán tín chỉ carbon, thì trên 1 ha mỗi vụ lúa cũng chỉ thu về 960.000 đồng", TS Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn chỉ ra. Ông nhấn mạnh lợi ích lớn nhất của đề án là nâng cao được chất lượng lúa và thương hiệu gạo Việt Nam.

Tiến sĩ Trần Minh Hải: "Trồng 1 triệu ha lúa chất lượng cao chỉ để bán tín chỉ carbon là cách hiểu sai"- Ảnh 1.

Buổi Tọa đàm "Tín chỉ Carbon và nguồn nhân lực cho thị trường tín chỉ carbon".

Sáng 16/8, Trường Chính sách công và Phát triển Nông thôn phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam và Công ty TNHH hệ sinh thái VOS HOLDINGS tổ chức Tọa đàm "Tín chỉ Carbon và nguồn nhân lực cho thị trường tín chỉ carbon", trong bối cảnh Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng đang đối mặt nhiều thách thức. Giảm phát thải khí nhà kính có nhiều cách và nhiều cơ chế. Bên cạnh đó, mỗi loại cây, mỗi ngành, mỗi lĩnh vực, mỗi thị trường tín chỉ carbon lại có những điểm khác biệt nhất định.

Một trong những câu chuyện về tín chỉ carbon gây chú ý trong dư luận gần đây là đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030", được thực hiện tại 12 tỉnh thành thuộc ĐBSCL.

Theo thông tin từ các cơ quan báo chí truyền thông, Ngân hàng Thế giới (WB) cam kết mua 10 USD/tín chỉ carbon (1 tấn carbon bằng 1 tín chỉ carbon). Như vậy với 1 triệu ha lúa, nông dân sẽ thu về khoảng 100 triệu USD mỗi năm từ bán tín chỉ carbon.

Tuy nhiên, TS Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn cho rằng một số vấn đề đang bị "nói quá".

"Đề án 1 triệu ha mà các tỉnh đang thực hiện chỉ tập trung vào bán tín chỉ carbon là cách hiểu sai", vị Tiến sĩ nhấn mạnh, đồng thời giải thích rằng cơ chế của đề án là áp dụng 3 quy trình của Bộ Nông nghiệp để giảm phát thải.

"Bây giờ 1 ha lúa mỗi vụ, tôi cho là thu hoạch được 8 tấn. 8 tấn lúa tương đương mức phát thải 8 tấn carbon. Nếu chúng ta áp dụng tốt hết các quy trình thì tối đa sẽ giảm được 30% phát thải. Như vậy, từ 8 tấn chúng ta giảm được 2,5 tấn carbon. Đó là phần chúng ta được ghi nhận và chi trả.

Tuy nhiên, hiện nay giá trên thị trường chưa có. Bộ Nông nghiệp đang làm việc, thỏa thuận với các tổ chức trên thế giới, dự kiến khoảng 20 USD. Giả sử giá là 20 USD, nếu giảm được 2 tấn carbon thì được 40 USD. Nếu chúng ta chỉ tập trung nghĩ về tài chính, bán tín chỉ carbon, thì trên 1 ha mỗi vụ lúa cũng chỉ thu về 960.000 đồng", ông Hải phân tích.

Tiến sĩ Trần Minh Hải: "Trồng 1 triệu ha lúa chất lượng cao chỉ để bán tín chỉ carbon là cách hiểu sai"- Ảnh 2.

TS Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn

Ông chỉ ra rằng điều phải làm trong đề án này là thực hiện các phương pháp giảm đầu vào, canh tác bền vững, giảm tác động đến môi trường và sức khỏe con người, từ đó nâng cao chất lượng lúa và thương hiệu gạo Việt Nam. Đó là phần lợi nhuận, thặng dư lớn nhất của đề án.

"Với đề án này, chúng ta sẽ tổ chức sản xuất lại trên quy mô lớn, đầu tư đồng bộ hạ tầng, có cán bộ khuyến nông, liên kết giữa hợp tác xã và doanh nghiệp. Giảm được chi phí trung gian, tăng thu nhập cho người nông dân mới là điểm chính của đề án", TS Trần Minh Hải nêu quan điểm.

Theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP với trọng tâm là lộ trình triển khai thị trường carbon, kể từ năm 2025, Chính phủ sẽ thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon. Từ năm 2022 tới hết năm 2027, Chính phủ sẽ tích cực đẩy mạnh xây dựng các quy định quản lý tín chỉ carbon, thiết lập quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon và triển khai thí điểm cơ chế trao đổi cũng như bù trừ tín chỉ carbon.

Việc xây dựng quy định và quy chế này sẽ góp phần thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức và doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các cơ chế tài chính xanh và nâng cao hiệu quả quản lý môi trường.

Minh Anh

Cùng chuyên mục
XEM