Một nhà máy có khả năng đưa Việt Nam thành trung tâm cung cấp mặt hàng "ai cũng phải dùng" cho toàn bộ châu Á - Thái Bình Dương

23/07/2024 08:40 AM | Kinh doanh

Nhà máy tại Việt Nam đang là "ngôi sao" trong hệ thống sản xuất của Tập đoàn Schneider Electric – công ty "bền vững nhất thế giới" với mục tiêu mỗi sản phẩm khi xuất xưởng sẽ không tạo ra CO2.

Schneider Electric là tập đoàn hàng đầu toàn cầu trong lĩnh vực chuyển đổi số quản lý năng lượng và tự động hóa, với tổng cộng 195 nhà máy và 90 trung tâm phân phối trên toàn cầu. Được khánh thành hồi năm 2017 tại Khu Công nghệ cao Thủ Đức (TP.HCM), nhà máy Schneider Electric Việt Nam có diện tích khoảng 26.000 m2, trong đó xưởng rộng khoảng 4.800 m2, kho rộng 2.500 m2.


Tham vọng cung cấp mặt hàng "ai cũng phải dùng" cho toàn bộ châu Á - Thái Bình Dương

Mỗi nhà máy của Schneider Electric phụ trách sản xuất một loại sản phẩm khác nhau. Tại Việt Nam, nhà máy tập trung sản xuất công tắc và ổ cắm – hai mặt hàng thiết yếu được sử dụng mọi nơi, có nhiều mẫu đa dạng dùng trong dân dụng cũng như hoạt động công nghiệp.

Bên cạnh đó, nhà máy Schneider Electric Việt Nam còn sản xuất dòng sản phẩm thông minh, điều chỉnh được độ sáng tối, tắt mở thiết bị qua điện thoại… Hầu hết sản phẩm của Schneider Electric thuộc phân khúc cao cấp.

Một nhà máy có khả năng đưa Việt Nam thành trung tâm cung cấp mặt hàng "ai cũng phải dùng" cho toàn bộ châu Á - Thái Bình Dương- Ảnh 1.

"Hiện tại, nhà máy Việt Nam là một trong những cơ sở sản xuất được Tập đoàn đánh giá cao nhất trên toàn cầu ở lĩnh vực sản xuất công tắc, ổ cắm. Nhiều lãnh đạo nhà máy ở châu Âu và châu Mỹ thường xuyên nhờ chúng tôi chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số để cải tiến cho nhà máy của họ", ông Phạm Công Tấn - Giám đốc Nhà máy Schneider Electric Việt Nam chia sẻ.

"Chúng tôi muốn Việt Nam sẽ trở thành trung tâm về công tắc, ổ cắm cho toàn bộ châu Á - Thái Bình Dương trong chiến lược của Schneider Electric. Ngoài việc tập trung vào sản xuất và cải tiến, chúng tôi còn kỳ vọng nâng cao vị thế của kỹ sư Việt Nam, giúp họ tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đóng góp nhiều hơn trong công tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm", vị lãnh đạo bày tỏ.

Trên thực tế, những sáng kiến và giải pháp tại nhà máy Việt Nam, do chính đội ngũ nhân sự người Việt phát triển, đã được nhân rộng ra hơn 30 nhà máy của Schneider Electric ở nhiều khu vực.

"Có những hệ thống tự động được phát triển bởi người Việt, gia công tại Việt Nam, chẳng hạn như một máy tự động lắp ráp công tắc giúp giảm từ 60 nhân sự phụ trách xuống chỉ còn 2 người vận hành", một đại diện nhà máy lấy ví dụ.

Hồi tháng 3, nhà máy được chấm 912/1.200 điểm – điểm đánh giá nội bộ cao nhất trong hệ thống nhà máy của Schneider Electric.

Một nhà máy có khả năng đưa Việt Nam thành trung tâm cung cấp mặt hàng "ai cũng phải dùng" cho toàn bộ châu Á - Thái Bình Dương- Ảnh 2.


Mỗi sản phẩm khi xuất xưởng sẽ không tạo ra CO2

Tháng trước, Schneider Electric vừa được Tạp chí TIME và Statista vinh danh là "Công ty Bền vững nhất thế giới" năm 2024. Tại Việt Nam, nhà máy đã và đang triển khai nhiều giải pháp giảm khí thải, hướng tới phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Cụ thể, Schneider Electric Việt Nam yêu cầu các nhà cung ứng cam kết giảm thải bao nhiêu phần trăm một năm. Bản thân nhà máy cũng thay nhựa sử dụng một lần bằng vật liệu tái chế, dùng thùng giao hàng có thể tái sử dụng thay vì giấy truyền thống, sử dụng tấm pin năng lượng mặt trời để sản xuất điện cung cấp khoảng 30-35% tổng lượng điện năng tiêu thụ, số hoá dữ liệu để cập nhật liên tục về năng lực sản xuất của nhà máy thay cho dữ liệu giấy…

"Là tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng, chúng tôi có nhiều thuận lợi để sớm hoàn thành kế hoạch Net Zero. Tuy nhiên, với vai trò của một doanh nghiệp lớn, Schneider Electric còn có nhiệm vụ hỗ trợ các đối tác, nhà cung ứng trong toàn bộ chuỗi cung ứng của mình cùng chuyển đổi xanh.

Quá trình này có thể dài hơn, vì không phải ai cũng có đủ nguồn lực cần thiết, nhưng chúng tôi sẽ cùng đi với họ để đến đạt được mục tiêu mỗi sản phẩm của Schneider Electric khi xuất xưởng sẽ không tạo ra CO2. Đó là tôn chỉ cho một tương lai bền vững", ông Phạm Công Tấn khẳng định.

Một nhà máy có khả năng đưa Việt Nam thành trung tâm cung cấp mặt hàng "ai cũng phải dùng" cho toàn bộ châu Á - Thái Bình Dương- Ảnh 3.

Ông Phạm Công Tấn - Giám đốc Nhà máy Schneider Electric Việt Nam.

Các hành động này đều yêu cầu đầu tư tài chính, dẫn đến giá thành mỗi sản phẩm sẽ tăng lên nếu không nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm chi phí. Vì vậy, cùng với phát triển bền vững, nhà máy cũng phải cải tiến, đổi mới sáng tạo không ngừng để cạnh tranh được với các cơ sở khác của Schneider Electric trong khu vực, cũng như những thương hiệu khác trên thị trường.

"Mục tiêu của tôi là sản phẩm phải xanh, có giá thành phù hợp và thỏa mãn yêu cầu của những khách hàng khó tính nhất. Khi đó, nhà máy mới thật sự phát triển bền vững, mang lại lợi ích lâu dài cho cả khách hàng, đối tác và hàng trăm, hàng nghìn người lao động của chính chúng tôi", ông Tấn cho hay.

Minh Anh

Cùng chuyên mục
XEM