Tiến sĩ Lê Đăng Doanh kể chuyện phân bổ ngân sách phía sau cánh gà: Có tiêu chí đấy, nhưng thực chất vẫn là cơ chế xin cho
Trong một buổi hội thảo gần đây, tiến sỹ Lê Đăng Doanh đã tiết lộ rằng cơ chế phân bổ ngân sách đa phần là từ cơ chế xin cho - cơ chế của những mối quan hệ đằng sau cánh gà
Hội thảo “Xây dựng sáng kiến thúc đẩy công khai minh bạch Ngân sách nhà nước”, tổ chức bởi Liên minh Minh bạch Ngân sách (BTAP), đã diễn ra với nhiều ý kiến sôi nổi xung quanh thực trạng của ngân sách quốc gia.
Vấn đề nổi bật nhất, đến từ phần trình bày của Tiến sĩ Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Lê Đăng Doanh, chính là chuyện thu chi bất hợp lý ngân sách ở các địa phương.
Theo đó, có những tình còn nghèo, các khoản thu đều được ngân sách trung ương “cho thêm” như Điện Biên, thì bạo chi tới 5 đồng trong khi chỉ thu về được 1 đồng. Trong khi đó, lại có những nơi như Thành phố Hồ Chí Minh (nộp ngân sách nhiều nhất trong 63 tỉnh thành) thì ngược lại, thu 5 đồng mà chỉ chi có 1 đồng.
Về nguyên nhân của câu chuyện này, có thể nói rằng chuyện chi sai, chi quá tay mới chỉ là “đường con hươu chạy”, còn lại, chính cơ chế phân bổ ngân sách không minh bạch hiện nay mới là tác giả có vai trò “vẽ đường”.
Để làm rõ hơn, tiến sĩ Doanh đưa ra một ví dụ về sự thiếu nhất quán trong phân bổ ngân sách.
Theo đó, ông Doanh đã nêu điểm bất hợp lý với thành phố Hồ Chí Minh, khi mà nơi đây dẫn đầu về thu ngân sách quốc gia thì chỉ giữ lại được 23% con số đó, còn lại 77% phải nộp cho nước. Chú ý, mức 23% này chính là mức thấp nhất cả nước.
Trong 5 thành phố trực thuộc trung ương (đều thuộc nhóm các địa phương tự cân đối được ngân sách, không cần “xin thêm” từ ngân sách trung ương), tỷ lệ giữ lại tiền thu được cũng khác nhau một cách khó hiểu: Thành phố Hồ Chí Minh giữ được 23%, Hà Nội giữ được 42%, còn các tỉnh Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ giữ được tới từ 85 – 90%.
Khi được vị chủ tọa hỏi về các tiêu chí thực hiện việc phân bố này, tiến sỹ Doanh chia sẻ: “Như tôi biết thì có tiêu chí, như dựa theo số giường bệnh trên một bệnh nhân, số trường học trên một bệnh nhân. Mặc dù vậy, thực chất vẫn là cơ chế xin cho, tức là "cù cưa"”. Ai "cù cưa" giỏi thì giữ được nhiều.
"Mở rộng ra, điều này cũng lý giải vì sao, nhiều tổ chức xã hội mời những quan chức đã nghỉ hưu về làm chủ tịch", ông Doanh nói thêm.