Thu ngân sách 2016 đạt 1.094 nghìn tỷ đồng

06/01/2017 20:10 PM | Kinh doanh

Chiều nay, 6-1, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố tổng kết công tác tài chính - NSNN năm 2016, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2017. Tới dự hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chủ trì hội nghị.

Vượt dự toán 7,8%

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết: Ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cấp uỷ và chính quyền địa phương, động viên và tranh thủ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, để làm tốt công tác chỉ đạo, điều hành thu NSNN ngay từ đầu năm. Chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan chủ động, quyết liệt triển khai các giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế; cưỡng chế thu nợ thuế, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với các doanh nghiệp.

Năm 2016, cơ quan Thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra gần 82 nghìn doanh nghiệp, qua đó xử lý tăng thu 14,5 nghìn tỷ đồng (đã thực hiện thu vào ngân sách 9,2 nghìn tỷ đồng); đã đôn đốc, cưỡng chế thu được 42 nghìn tỷ đồng tiền nợ thuế năm 2015 chuyển sang, tăng 12,1% so với năm 2015 (số dư nợ thuế tại thời điểm 31-12-2016 khoảng 72,4 nghìn tỷ đồng, giảm 2% so với thời điểm 31-12-2015); xử lý thu 6,6 nghìn tỷ đồng các khoản Kiểm toán Nhà nước kiến nghị trong quyết toán NSNN năm 2014; đồng thời đã chuyển cơ quan Công an 2.776 hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế.

Cơ quan Hải quan đã thực hiện gần 9,3 nghìn cuộc kiểm tra sau thông quan, qua đó xử lý tăng thu cho ngân sách 3,3 nghìn tỷ đồng; đã thực hiện thu hồi và xử lý 499 tỷ đồng số nợ thuế của các tờ khai phát sinh trước ngày 31-12-2015; đã bắt giữ, xử lý gần 15,4 nghìn vụ buôn lậu, tăng thu cho ngân sách 166 tỷ đồng.

Để phấn đấu hoàn thành đến mức cao nhất nhiệm vụ thu ngân sách Trung ương năm 2016, giảm tối đa số giảm thu so với số đã báo cáo Quốc hội nêu trên, Bộ Tài chính đã tập trung chỉ đạo các cơ quan Thuế, Hải quan trong những tháng cuối năm 2016 tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các lực lượng chức năng (công an, quản lý thị trường,...) bám sát hoạt động sản xuất - kinh doanh, làm tốt hơn công tác quản lý thu, đẩy mạnh chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quyết liệt xử lý nợ đọng, thu đầy đủ, kịp thời các khoản thu theo kết luận của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán nhà nước và các cơ quan bảo vệ pháp luật khác; tập trung vào những địa bàn, lĩnh vực có đóng góp số thu ngân sách Trung ương. Nhờ vậy, kết quả thu NSNN đã đạt khá hơn dự báo.

Đến ngày 31-12-2016, thu cân đối NSNN ước đạt khoảng 1.094 nghìn tỷ đồng, vượt 79,6 nghìn tỷ đồng (7,8%) so dự toán, tăng thêm 55 nghìn tỷ đồng so số báo cáo Quốc hội.

Trong đó, thu ngân sách địa phương đạt 118,6% dự toán (tương ứng vượt 77,8 nghìn tỷ đồng), hầu hết các địa phương đều thu đạt và vượt dự toán được giao (58/63 địa phương); thu ngân sách Trung ương không kể ghi thu, ghi chi viện trợ cho các dự án, cơ bản đạt dự toán.

Trong điều kiện cân đối ngân sách Trung ương hết sức khó khăn, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ xử lý, điều hành ngân sách chủ động, tích cực nên những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách vẫn được đảm bảo thực hiện kịp thời, đầy đủ.

Trên cơ sở kết quả thực hiện thu NSNN và rà soát, cắt giảm nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai, cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương các cấp cơ bản được đảm bảo được đảm bảo. Bội chi NSNN năm 2016 được điều hành trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định là 254 nghìn tỷ đồng (4,95%GDP).

11 nhiệm vụ trọng tâm

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2017, Bộ Tài chính đã đề ra 11 giải pháp trọng tâm.

Một là, tập trung tổ chức triển khai thực hiện tốt Luật Ngân sách nhà nước năm 2015; các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, Kế hoạch Tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Hai là, thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất - kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra.

Ba là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính, trọng tâm là lĩnh vực Thuế, Hải quan, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Bốn là, triển khai quyết liệt công tác thu NSNN, quyết tâm thu đạt và vượt dự toán Quốc hội quyết định.

Năm là, tổ chức điều hành, quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định, chống lãng phí; nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN; chỉ đề xuất ban hành chính sách làm tăng chi NSNN khi thật sự cần thiết và có nguồn đảm bảo:

Sáu là, tăng cường công tác quản lý giá, thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Bảy là, đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; phát triển đồng bộ các loại hình thị trường tài chính.

Tám là, đẩy mạnh đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công, giá dịch vụ công:

Chín là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Mười là, chủ động hợp tác, hội nhập tài chính quốc tế.

Mười một là, điều hành ngân sách trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 và xử lý tiếp các nhiệm vụ của năm 2016.

Có thể nói, việc triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2017 diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội đất nước tiếp tục có những chuyển biến tích cực, song cũng còn nhiều khó khăn. "Bộ Tài chính tin tưởng với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương và với quyết tâm cao của cán bộ, công chức trong toàn ngành Tài chính, chúng ta nhất định sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ giao" - Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải nhấn mạnh.

Trên cơ sở kế hoạch phát triển KT-XH năm 2017 và dự báo bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua dự toán thu cân đối NSNN năm 2017 là 1,21 triệu tỷ đồng. Trong đó: Dự toán thu nội địa 990 nghìn tỷ đồng; dự toán thu dầu thô 38 nghìn tỷ đồng (giá dầu khoảng 50 USD/thùng); dự toán thu cân đối từ hoạt động XNK 180 nghìn tỷ đồng.

Dự toán chi NSNN là 1,39 triệu tỷ đồng. Trong đó: Dự toán chi đầu tư phát triển NSNN là 357 nghìn tỷ đồng; dự toán chi thường xuyên NSNN là 896 nghìn tỷ đồng; dự toán chi trả nợ lãi là 99 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, chi trả nợ gốc của NSNN (không tính trong chi cân đối NSNN) khoảng 164 nghìn tỷ đồng.

Dự toán bội chi NSNN là 178 nghìn tỷ đồng (3,5%GDP), trong đó bội chi ngân sách Trung ương mức 3,38%GDP (172 nghìn tỷ đồng); bội chi ngân sách địa phương mức 0,12%GDP (6 nghìn tỷ đồng).

Theo Hồng Vân

Cùng chuyên mục
XEM