Tiền hiếu, hỷ, nghỉ mát của nhân viên EVN cũng được tính vào giá điện

18/05/2016 09:38 AM | Kinh tế vĩ mô

Bộ Tài chính vừa công bố Dự thảo Nghị định ban hành Quy chế Quản lý tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để lấy ý kiến.

Dự thảo gồm 4 chương, 48 điều quy định chi tiết việc quản lý tài chính đối với EVN.

Trong Điều 26 của Dự thảo Nghị định này có quy định về 19 khoản chi phí được tính vào chi phí sản xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Theo Dự thảo Nghị định, chi phí hoạt động kinh doanh của EVN là các khoản chi phí phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm tài chính. Quy địnhtại khoản s điều 26 ghi rõ:

"Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như: chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau; chi khen thưởng con của người lao động có thành tích tốt trong học tập; chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động và những khoản chi có tính chất phúc lợi khác.

Tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của EVN".

Theo quy định, tất cả các khoản chi này được tính vào chi phí sản xuất và đi vào giá thành sản xuất điện, thì người gánh chịu cuối cùng chính là người tiêu dùng.

Trả lời trên Zing.vn, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng: “Cần tính những khoản đó vào chi phí hành chính ở mức độ hợp lý chứ không nên đưa toàn bộ tiền hiếu, hỷ…cho nhân viên EVN vào khoản kinh phí khách hàng phải gánh chịu. Điều đó phi lý quá!

Đó không phải là chi phí sản xuất. Nếu EVN được tính như thế, toàn bộ các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng “đòi” tính thế thì giá thành ở Việt Nam sẽ tăng vọt ra sao?”.

Ngoài ra, một điểm đáng lưu ý khác là việc phân phối lợi nhuận của EVN.

Cụ thể, lợi nhuận của EVN sau khi chia lãi cho các thành viên và bù đắp lỗ các năm trước sẽ được trích 30% cho quỹ đầu tư phát triển, sau đó đến các quỹ khen thưởng, phúc lợi khác.

Tuy nhiên, quy định nêu rõ, nếu không đủ nguồn trích lập các quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ thưởng dành cho quản lý, thì sẽ giảm trừ lợi nhuận trích quỹ đầu tư phát triển để bổ sung cho các quỹ khen thưởng.

Chi tiết nêu tại điểm d, khoản 3, điều 30: "Trường hợp số lợi nhuận còn lại sau khi trích lập Quỹ đầu tư phát triển quy định tại điểm a khoản này mà không đủ nguồn để trích các quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ thưởng người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên theo mức quy định thì doanh nghiệp được giảm trừ phần lợi nhuận trích lập quỹ đầu tư phát triển để bổ sung nguồn trích lập đủ quỹ khen thưởng, phúc lợi, quỹ thưởng người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên theo mức quy định, nhưng mức giảm tối đa không quá mức trích vào Quỹ đầu tư phát triển trong năm tài chính."

Thực tế quỹ đầu tư phát triển (dùng để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh hoặc đầu tư chiều sâu của doanh nghiệp) luôn được các doanh nghiệp ưu tiên trong phân phối lợi nhuận. Sau khi trích quỹ này mới trích các quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi.

Châu Anh

Cùng chuyên mục
XEM