Thương vụ "bom tấn" của làng công nghệ chính là cơn ác mộng dành cho Trung Quốc?
Arm thuộc sở hữu của 1 công ty Mỹ sẽ mở ra cánh cửa cho phép chính phủ Mỹ ngăn cản Trung Quốc tiếp cận với những công nghệ tiên tiến nhất.
"Thách thức lớn nhất" đe dọa thương vụ sáp nhập Nvidia – Arm là phải được Trung Quốc thông qua, theo nhận định của 1 giám đốc quỹ đầu tư.
Nguyên nhân là vì chính phủ Trung Quốc sẽ muốn tránh "cơn ác mộng" khi Arm thuộc sở hữu của 1 công ty Mỹ - điều sẽ mở ra cánh cửa cho phép chính phủ Mỹ ngăn cản Trung Quốc tiếp cận với những công nghệ tiên tiến nhất. Đó là nhận định của Sebastian Hou, giám đốc điều hành và trưởng bộ phận nghiên cứu công nghệ tại CLSA.
Trong thỏa thuận trị giá 40 tỷ USD, nhà sản xuất chip đồ họa thuộc hàng lớn nhất thế giới Nvidia (của Mỹ) đã đồng ý mua lại công ty thiết kế chip Arm của nước Anh từ tay SoftBank. Arm bán thiết kế chip cho các công ty công nghệ trên khắp thế giới và có vai trò đặc biệt quan trọng đối với thị trường smartphone.
Thông báo chung do các bên liên quan đưa ra cho biết để hoàn tất thì giao dịch này cần được Anh, Mỹ, EU và Trung Quốc thông qua. Nvidia có trụ sở tại Mỹ, Arm đặt trụ sở tại Anh nhưng cả hai đều có văn phòng tại EU, Trung Quốc và một số nơi khác.
Gần như mọi chiếc điện thoại thông minh được bán ra ngày nay đều sử dụng công nghệ của Arm. Theo Arm, hơn 180 tỷ chip với bộ vi xử lý và các linh kiện khác do hãng thiết kế đã được xuất xưởng trên toàn thế giới.
Các nhà đầu tư Trung Quốc cũng nắm cổ phần đa số tại chi nhánh Arm ở Trung Quốc. Bộ phận này đóng góp khoảng 20% tổng doanh thu của Arm trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2018, theo SoftBank.
CEO của Nvidia, Jensen Huang, cho biết ông tự tin thương vụ này sẽ được các nhà quản lý Trung Quốc chấp nhuận. Tuy nhiên, 1 bài bình luận mới đây trên tờ Thời báo Hoàn cầu cho rằng Trung Quốc cảm thấy không hài lòng khi Arm bị 1 công ty Mỹ mua lại. Được coi là cơ quan ngôn luận của chính phủ Trung Quốc, tờ báo viết: "Nếu Arm rơi vào tay Mỹ, các công ty công nghệ Mỹ có thể gặp bất lợi lớn".
Theo Hou, Trung Quốc sẽ là thách thức lớn nhất đối với thương vụ này về mặt pháp lý. "Nếu Arm thuộc sở hữu của 1 công ty Mỹ, sẽ mở ra khả năng chính phủ Mỹ cấm vận và kiểm soát khả năng tiếp cận công nghệ mới của Trung Quốc. Đó chính là cơn ác mộng tồi tệ nhất đối với chính phủ Trung Quốc", Hou nói.
Ngoài ra chính phủ Anh cũng cho biết đang tìm hiểu thêm để hiểu rõ "toàn bộ các tác động" của việc bán Arm. Caroline Dinenage, Bộ trưởng Văn hóa và kỹ thuật số của nước này, cho hay Nvidia và SoftBank đã cam kết sẽ giữ trụ sở của Arm ở Cambridge và tiếp tục mở rộng hoạt động ở thành phố này.
Tham khảo CNBC