Thương mại điện tử Việt Nam phát triển nhanh nhưng cần bền vững, tiếp tục tăng tốc trong năm 2024

11/02/2024 09:50 AM | Kinh doanh

Tăng trưởng ổn định, tích cực là điểm sáng của thương mại điện tử Việt Nam trong những năm vừa qua. Tuy nhiên, đi kèm với tốc độ phát triển nhanh, vấn đề phát triển một cách bền vững cũng cần được quan tâm, là tiền đề thúc đẩy tăng trưởng vững chắc, dài hạn trong thời gian tới.

Thương mại điện tử Việt Nam phát triển nhanh nhưng cần bền vững, tiếp tục tăng tốc trong năm 2024 - Ảnh 1.

Phát triển bùng nổ theo bề rộng

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, trong năm 2023, thị trường tiêu dùng trong nước vẫn giữ được mức tăng trưởng tích cực trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn và có dấu hiệu suy giảm, doanh số bán lẻ tại một số nền kinh tế lớn trên thế giới như các nước châu Âu đều tăng chậm.

Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 ước đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 354,5 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 328,5 tỷ USD. Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư ước đạt gần 30 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022.

Kết quả này đã góp phần nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô. Tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 ước tăng 9,6% so với năm 2022, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra (mục tiêu tăng 8-9%).

Đáng chú ý, hoạt động thương mại điện tử tiếp tục phát triển trở thành kênh phân phối quan trọng, góp phần phát triển chuỗi cung ứng và lưu thông trong và ngoài nước, hỗ trợ tiêu thụ hiệu quả lượng lớn nông sản, thực phẩm cho người nông dân và doanh nghiệp, đặc biệt khi vào vụ thu hoạch.

Nhiều doanh nghiệp, bao gồm nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, tăng trưởng đột phá nhờ ứng dụng thương mại điện tử, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới tăng cao. Thương mại điện tử đã khẳng định là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước đạt 20,5 tỷ USD, chiếm 8% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước, đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 25%/năm tương ứng với mức tăng 4 tỷ USD so với năm 2022. Việt Nam là quốc gia được xếp vào nhóm 10 đất nước có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Thương mại điện tử Việt Nam phát triển nhanh nhưng cần bền vững, tiếp tục tăng tốc trong năm 2024 - Ảnh 2.

Có thể thấy, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử nhiều năm qua phản ánh xu hướng tiêu dùng đã có sự thay đổi, khả năng tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin của người tiêu dùng ngày càng cao hơn.

Đồng thời, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục được cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp. Qua đó, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Cần phát triển thương mại điện tử theo chiều sâu

Đi đôi với sự phát triển mạnh mẽ, thương mại điện tử đã bộc lộ những hạn chế như đảm bảo nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cá nhân; hạ tầng logistics thương mại điện tử còn chưa đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng của thị trường; niềm tin của người tiêu dùng trong giao dịch trực tuyến...

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam Trần Văn Trọng, thương mại điện tử của Việt Nam cần phát triển dựa trên 3 trụ cột chính để hướng tới bền vững. Đó là khắc phục khoảng cách phát triển thị trường thương mại điện tử giữa nông thôn và thành thị khi có tới 70% quy mô thương mại điện tử tập trung ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; phát triển nguồn nhân lực cho thương mại điện tử đang thiếu trầm trọng; bảo vệ môi trường để hạn chế tối đa rác thải và phát thải.

Để phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần chuyển dịch ra khỏi phương thức vận tải phát thải CO2 cao. Logistics xanh là cách thức tối ưu vòng quay phương tiện và năng lực vận chuyển của các phương tiện để giảm thiểu xe rỗng, đạt hiệu quả cao nhất đồng thời liên kết các phương thức vận tải nhằm giảm thiểu phương thức không thân thiện với môi trường, bà Phạm Thị Lan Hương, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam nhấn mạnh.

Ngoài ra, chuyển đổi xanh còn là sử dụng vật liệu thân thiện môi trường trong hoạt động logistics như bao gói, hoạt động nhà kho…

Về vấn đề chất lượng hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử, bà Nguyễn Quỳnh Anh - Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia khuyến cáo, người tiêu dùng cần tự bảo vệ mình trước khi mong đợi người khác bảo vệ. Bởi vì họ cần phải trở thành người tiêu dùng thông minh, lựa chọn mua sắm trên những trang web đã được đăng ký với Bộ Công thương, lựa chọn những sàn thương mại điện tử đã có được chứng nhận. Nếu mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng không đúng chất lượng, ngay lập tức báo cho cơ quan quản lý Nhà nước.

Định hướng thị trường thương mại điện tử trong năm 2024, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) Lê Hoàng Oanh khẳng định, mục tiêu phát triển thương mại điện tử không chỉ dừng lại ở việc phát triển nhanh mà phải tập trung ở yếu tố bền vững. Để đạt mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng đóng góp của kinh tế số chiếm từ 20 đến 25%, mức tăng doanh số bán lẻ thương mại điện tử đạt 20-25%, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp lý, tăng cường quản lý hoạt động thương mại điện tử để chống hàng giả, hàng nhái; thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương, tăng cường bảo vệ môi trường; khắc phục hạn chế của hạ tầng thương mại điện tử liên quan tới logistics, thanh toán…

“Bộ Công Thương sẽ tiếp tục ban hành các chính sách thúc đẩy chuyển đổi số; triển khai cơ sở dữ liệu về công nghiệp và thương mại, xây dựng trục hợp đồng điện tử, nền tảng thương mại không giấy tờ; tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trên thương mại điện tử; quy tắc ứng xử trên môi trường kinh doanh mạng và trên nền tảng thương mại điện tử…”, Cục trưởng Lê Hoàng Oanh nhấn mạnh.

Theo Nhật Đức

Cùng chuyên mục
XEM