Tại sao Alibaba, Baidu và Xiaomi chỉ 'nổi' tại Trung Quốc?

14/11/2014 15:58 PM | Marketing

Alibaba, Baidu và Xiaomi là những thương hiệu đình đám. Tại Trung Quốc, điều đó chẳng còn gì phải bàn cãi. Tuy nhiên, những cái tên này lại không mấy nổi bật khi đem ra thị trường nước ngoài.

Xiaomi vừa vượt mặt Samsung để trở thành hãng smartphone chiếm thị phần lớn nhất Trung Quốc. Alibaba – phiên bản kết hợp giữa Amazon.com, eBay và PayPal của Trung Quốc – cũng đang làm ăn rất phát đạt sau thương vụ IPO lớn nhất lịch sử. Baidu thì đang nắm giữ vị trí số một về cung cấp công cụ tìm kiếm trên Internet tại nước này.

Cả ba đều đang đạt được mức lợi nhuận khổng lồ, đặc biệt là Alibaba với biên lợi nhuận hoạt động lên đến 40%. Đó là lý do tại sao Baidu và Alibaba được phố Wal chú ý. Cổ phiếu của cả hai hãng đều được giao dịch tại đây.

Tuy nhiên, không có công ty nào trong ba hãng trên được xếp vào danh sách Những thương hiệu giá trị nhất thế giới (World’s Most Valuable Brands List) của Forbes hay Những thương hiệu tốt nhất thế giới (Best Global Brands) do Interbrand xếp hạng.

Trên thực tế, ngoại trừ Huawei mới lọt vào bảng xếp hạng của Interbrand với vị trí thứ 94 thì không còn công ty Trung Quốc nào chen chân được vào hai danh sách này.

Vậy đâu là lý do khiến các công ty đến từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới lại không mấy nổi bật ở những nước khác?

Theo Forbes, việc các hãng Trung Quốc không xuất hiện nhiều trên thị trường tiêu thụ nước ngoài, nhất là Mỹ - thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới, có thể xuất phát từ những nguyên nhân sau.

Trước hết, cả ba công ty trên còn khá trẻ, thậm chí Xiaomi chỉ mới thành lập được 4 năm.

Thứ hai là do cấu trúc sở hữu. Nhiều công ty lớn của Trung Quốc như hãng lọc dầu Sinopec, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) và Công ty Điện lực State Grid hiện đang là doanh nghiệp quốc doanh.

Do thuộc sở hữu nhà nước, bị chính trị ràng buộc nên khả năng phát triển ra nước ngoài thông qua con đường mua lại và sáp nhập của các công ty này khá hạn chế. Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) từng vướng phải rắc rối khi mua lại công ty dầu khí của Mỹ Unocal hồi năm 2005. Huawei cũng thất bại khi muốn mua lại 3Com vì nguyên nhân chính trị.

Thứ ba, các công ty Trung Quốc không thể tạo bước nhảy vọt từ bắt chước sang sáng tạo cái mới. Bằng chứng là các hãng lớn đến từ Trung Quốc không xuất hiện nhiều trong danh sách Những công ty sáng tạo nhất (World’s Most Innovative Companies list) của Forbes. Nói một cách đơn giản, Trung Quốc vẫn chưa xây dựng được các công ty có khả năng cạnh tranh hiệu quả với những doanh nghiệp họ từng bắt chước.

Chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc và được Wall Street chú ý có thể là điều kiện cần để tạo nên một thương hiệu toàn cầu cho các công ty Trung Quốc. Tuy nhiên, các công ty này vẫn chưa đạt được điều kiện đủ: chiếm lĩnh thị trường tiêu thụ quốc tế.

>> Xiaomi có đáng giá 50 tỷ USD để 'ngồi mâm trên' với Samsung & Apple?

Thu Thảo

Thu Thảo

Cùng chuyên mục
XEM