Giải 'bài toán' chọn tên cho doanh nghiệp mới

16/02/2015 14:07 PM | Marketing

Việc chọn tên doanh nghiệp hoặc thương hiệu mới là “bài toán” tương đối khó với không ít doanh nhân khi khởi sự kinh doanh.

Nội dung nổi bật:

- Việc đặt tên thương hiệu càng mang ý nghĩa quảng bá cao thì bạn càng ít phải “nhọc tâm” truyền đạt thông điệp đến khách hàng.

- Tên của doanh nghiệp hoặc thương hiệu của bạn phải dễ phát âm, đặc biệt là trong trường hợp bạn có kế hoạch sử dụng nó rộng rãi trong việc in quảng cáo hoặc biểu tượng. Sẽ thực sự là thảm họa khi một công ty non trẻ tự hạn chế mình với những đoạn quảng cáo khiến người khác... “léo lưỡi”.


Trong cuốn sách mang tên Start your own business, các tác giả của Entrepreneur Media đã hướng dẫn người đọc những bước cơ bản để khởi nghiệp cũng như chia sẻ bí quyết để “sống sót” trong những năm đầu kinh doanh.

Sau đây là phần nội dung (đã được tóm lược và tổng hợp) về cách chọn tên phù hợp và ấn tượng nhất dành cho các “lính mới”.

Ý nghĩa truyền thông của tên thương hiệu

Bước đầu tiên phải làm khi chọn tên cho doanh nghiệp mới chính là trả lời câu hỏi “Điều gì khiến công ty của bạn khác biệt với những công ty khác?” và “Thông điệp mà bạn muốn truyền đạt đến mọi người là gì?”.

Để đạt được hiệu quả truyền thông cao nhất, tên công ty của bạn cần phải có tác dụng thể hiện và góp phần nâng cao thông điệp chính yếu đó.

Hãy nhớ rằng, tên thương hiệu càng mang ý nghĩa quảng bá cao thì bạn càng ít phải “nhọc tâm” truyền đạt thông điệp đến khách hàng.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, bạn nên ưu tiên cho những từ ngữ có ý nghĩa hoặc kết hợp nhiều từ có nghĩa với nhau, bởi vì mọi người sẽ thích những gì họ có thể hiểu được hoặc có liên quan đến họ.

Một trong những điều đáng lưu ý nhất là đừng chọn những cái tên mang ý nghĩa quá hạn hẹp, chẳng hạn như tự bó hẹp mình ở yếu tố địa lý hoặc quy mô, lĩnh vực kinh doanh.

Ví dụ bạn muốn chọn tên “Ổ đĩa San Pablo” cho công ty mới của mình. Vậy thì nếu trong tương lai, công ty bạn muốn vươn xa ra khỏi khu vực San Pablo thì sao? Điều gì sẽ xảy ra khi bạn bỗng có nhu cầu mở rộng sang lĩnh vực phần mềm máy tính?

Tên thương hiệu giúp gợi cảm giác cho khách hàng

Trước khi chọn tên, bạn cũng phải cần xác định được những tính chất mà công ty mình phải có.

Chẳng hạn như khi muốn mở một cửa hàng bán bánh mì nướng, bạn sẽ muốn cái tên của cửa hàng thể hiện được sự tươi ngon, ấm áp và mang đậm màu sắc gia đình. Những cái tên như “Cửa hàng bánh mì Kathy” hay “Bánh mì Kathy” sẽ không thể nào thể hiện được những thông điệp bạn muốn.

Bạn cũng cần “lo xa” hơn - nghĩ đến việc có thể mở rộng dòng sản phẩm để đừng tự “bó chân” mình.

Lưu ý đến khả năng phổ biến

Việc đặt tên cho thương hiệu hoặc doanh nghiệp mới nên được cân nhắc tới khả năng phổ biến của nó.

Đầu tiên, tên của doanh nghiệp hoặc thương hiệu của bạn phải dễ phát âm, đặc biệt là trong trường hợp bạn có kế hoạch sử dụng nó rộng rãi trong việc in quảng cáo hoặc biểu tượng. Sẽ thực sự là thảm họa khi một công ty non trẻ tự hạn chế mình với những đoạn quảng cáo khiến người khác... “léo lưỡi”.

Bên cạnh đó, nếu bạn muốn phát triển thương hiệu trên toàn cầu hoặc đang hoạt động ở lĩnh vực đa ngôn ngữ, việc chọn tên phải đáp ứng ý nghĩa trong nước và đặc biệt không mang nghĩa tiêu cực khi chuyển nó sang ngôn ngữ khác.

Điểm thứ ba, không nên để tên của bạn gây hiểu lầm hoặc khiến người khác nghĩ chệch đi. Cứ chọn một cái tên, cố gắng suy nghĩ như một đứa trẻ với tâm hồn trong sáng nhất, nếu bạn không bật cười thì có lẽ cái tên đó đã ổn.

Lưu ý đến khả năng cạnh tranh

Công ty Interbrand khuyên người đặt tên nên chú ý vào khả năng cạnh tranh của thương hiệu. Tức là hãy cố gắng làm hết chức năng của một cái tên bằng việc phân biệt nó với các thương hiệu khác.

Điều này đòi hỏi bạn phải nghiên cứu những gì người khác đã làm, cách tiếp cận của họ, rồi làm thế nào để tách bản thân ra khỏi những yếu tố ấy. Một khi tên thương thiệu bạn định chọn khá “na ná” với thương hiệu khác, tốt nhất là không nên dùng nó.

Khẳng định tính hợp pháp

Sau khi chốt lại khoảng 4 - 5 lựa chọn dễ đọc, dễ ghi nhớ, dễ diễn đạt với mọi tầng lớp, bạn nên bắt đầu giai đoạn tìm kiếm tính hợp pháp của nhãn hiệu.

Có khá nhiều doanh nghiệp nhỏ không đăng ký thương hiệu của họ, nhưng đây là hình thức hoạt động làm giảm khả năng xâm nhập thị trường.

Điều này còn nguy hiểm ở khả năng bị... kiện. Nếu không chú ý đến vấn đề thương hiệu, đôi khi tên doanh nghiệp của bạn ở Việt Nam có thể trùng với nhãn hiệu đã đăng ký ở Nigeria chẳng hạn. Và một ngày đẹp trời, bạn sẽ dính “phốt” nếu họ truy vấn.

Việc kiểm tra tính hợp pháp của thương hiệu sẽ tốn thời gian và tiền bạc cho luật sư. Tuy nhiên nó sẽ tiết kiệm cho bạn về lâu dài, tránh nhiều rủi ro pháp lý.

Bước cuối cùng

Sau khi chắc chắn có những cái tên không vi phạm luật đăng ký thương hiệu, bạn sẽ bắt đầu chọn một trong số ấy.

Hãy nhớ lại các tiêu chí bạn đặt ra cho cái tên của mình, rồi xem xét đâu là cái tên diễn tả tốt nhất lĩnh vực hoạt động và tham vọng của công ty, đâu là cái tên bạn thích nhất.

Một lời khuyên là hãy hỏi ý kiến bạn bè, thực hiện khảo sát xem cái tên nào đọng lại trong tâm trí mọi người nhiều nhất.

Xa hơn, thử tưởng tượng cái tên ấy sẽ thể hiện như thế nào trong các sự kiện, các đoạn quảng cáo, thử khả năng gây ấn tượng khi đọc nó trên đài phát thanh hoặc truyền hình...

Sau khi chọn được cái tên, đấy là lúc bạn phải “nhiệt tình” hết mức với nó. Bởi vì cái tên chính là bản sắc của doanh nghiệp và sẽ gắn liền với toàn bộ quá trình kinh doanh của bạn trong tương lai.

>> Thương hiệu Việt nhìn từ sự cố cái tên của ‘T-rung Nguyên’

Theo Bích Trâm

Cùng chuyên mục
XEM