Chuyện "nhỏ như con ruồi" và đạo đức kinh doanh

11/02/2015 09:35 AM | Thương hiệu

Vị thực khách đang ăn bát phở ngon lành, bỗng nhìn thấy một con ruồi đang nổi lềnh phềnh “lướt sóng” bát phở...

Thật ra thì ở Việt Nam hàng quán, thức ăn có ruồi bâu hoặc ruồi bơi trong đồ ăn thức uống chẳng phải là chuyện hiếm, chuyện xa lạ, thậm chí là chuyện bình thường đối với hầu hết mọi người, không phải là tất cả đều vậy, nhưng phần lớn là vậy đấy.

Vị thực khách đang ăn bát phở ngon lành, bỗng nhìn thấy một con ruồi đang nổi lềnh phềnh “lướt sóng” bát phở. Có người thì nôn ọe, có người thì buông đũa không ăn nữa. Có người thì gọi chủ quán ra bảo “có ruồi trong bát phở này ông/bà chủ ơi”; có người thì buông bát đũa, trả tiền, một đi không trở lại; có người thì vớt con ruồi ra ăn tiếp; có người thì nói tục chửi thề… Mỗi người mỗi kiểu ứng xử khác nhau theo cách mà họ phản ứng với sự việc.

Có chủ quán thì bảo “xin lỗi, để tôi đổi bát khác cho anh/chị”; “thông cảm nhé, phở ngon nên ruồi cũng không cưỡng lại được, tôi đổi cho đổi bát khác” hoặc “xin lỗi, tôi không tính tiền bát này, lần sau lại tới” v.v…

Thỉnh thoảng có con ruồi có trong đồ ăn thức uống đối với ẩm thực đường phố ở Việt Nam là điều nhỏ nhặt thôi mà, có gì đâu mà sao rùm beng thế.

Chuyện là thế này, con ruồi có trong chai nước đóng chai "theo tiêu chuẩn quốc tế" mới là lạ, mới có nhiều câu hỏi, và một điều quan trọng mọi người đã bỏ qua trong “câu chuyện con ruồi và truyền thông khủng hoảng” đó là vấn đề đạo đức kinh doanh.

Giá như người chủ quán, thấy có sự việc có con ruồi trong chai nước ngọt, ra nói với người khách uống nước rằng: “tôi rất lấy làm xin lỗi và mong anh/chị thông cảm, chai nước đó hỏng rồi, tôi gửi anh/chị chai nước khác”. Hoặc là thông báo với đường dây nóng của nhà sản xuất, mong rằng họ sẽ lưu tâm và điều tra việc này để giải quyết hoạt động sản xuất, kiểm định chất lượng tốt hơn. Dù không kiếm được tiền nhưng đầu óc cũng nhẹ nhàng, thảnh thơi.

Nhưng không, người chủ quán đã ra một cái giá rất cao cho sự im lặng của chính mình buộc doanh nghiệp phải chi tiền cho mình mà vô tình không biết rằng mình đang vi phạm pháp luật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “tống tiền”, hay gọi đúng tên pháp lý là “cưỡng đoạt tài sản”. Một tội danh khá nghiêm trọng. Vì cái lợi nhỏ trước mắt cộng với sự thiếu hiểu biết đã tự đẩy mình vào việc vi phạm pháp luật. Đây là vấn đề đạo đức kinh doanh của người làm kinh doanh.

Giá như doanh nghiệp sản xuất nước đóng chai cẩn trọng hơn với việc sản xuất và kiểm soát chất lượng của mình (nếu có, nếu cần, nếu phải); Giá như doanh nghiệp không gài bẫy “việt vị” đối tác của mình (rõ ràng chủ quán đã tham gia vào khâu phân phối của mình nên có thể tạm gọi là “đối tác”), đẩy đối tác đến tình cảnh “tù tội, tai tiếng”. Đồng ý với đối tác về việc “anh cầm tiền của tôi và đổi lấy sự im lặng vĩnh viễn của anh về việc này” được coi như một thỏa thuận ngầm. Nhưng doanh nghiệp cao tay hơn tung ra chiến thuật “bàn tay sắt” đẩy đối tác vào thế tù tội. Đây là vấn đề đạo đức kinh doanh, vì doanh nghiệp đã không giữ lời – nếu tạm bỏ qua vấn đề pháp lý.

Chưa kể đến, những phát biểu của đại diện doanh nghiệp rằng “công nghệ của chúng tôi là hiện đại, không thể có chuyện có con ruồi trong sản phẩm của chúng tôi”. Ai dám chắc chắn 100% cho chuyện này? Rồi vấn đề “giám định sản phẩm” và phát hiện ra nhiều vấn đề nghi ngờ của chai nước bất thường, rằng đó không phải là lỗi của chúng tôi.

Chưa biết sự thật của câu chuyện, mức độ thực hư và các tình tiết khác sẽ tiếp tục được tiết lộ và minh chứng thêm như thế nào trên các kênh truyền thông là như thế nào. Nhưng vấn đề “nước giải khát có ruồi” đã được hầu hết mọi người biết. Đây (có thể) sẽ là những điều cực kỳ bất lợi và gây hại rất lớn cho thương hiệu của doanh nghiệp, thương hiệu của sản phẩm.

Cần lắm đạo đức kinh doanh, chữ tín, sự tin cậy, sự hỗ trợ và cảm thông cho nhau trong những hoàn cảnh đặc biệt hoặc tình huống nhạy cảm như thế này.

>> 4 cái sai của Tân Hiệp Phát có thể gây ra cuộc khủng hoảng tồi tệ

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Phan Anh

Phan Anh

Cùng chuyên mục
XEM