Thương chiến Mỹ - Trung: Ai đang lũng đoạn thị trường tài chính toàn cầu?

17/05/2019 10:43 AM | Xã hội

Thế giới đang theo dõi sát sao cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khi nó đang có nguy cơ bùng phát chiến tranh tiền tệ nếu nhiều quốc gia phá giá nội tệ.

“Tình hình thế giới đang rất phức tạp”, TS. Lê Xuân Nghĩa , nguyên Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia mở đầu nhận định của mình, khi tham luận tại hội thảo “Cải cách hành chính ngành ngân hàng: Doanh nghiệp và người dân thuận lợi trong giao dịch ngân hàng”, do trường Đại học Ngân hàng TP.HCM tổ chức sáng ngày 16/5.

Quy mô thị trường tài chính gấp 6 lần GDP toàn cầu

Dẫn cụ thể cho nhận định trên, ông Nghĩa điểm lại, đã có 4 dự báo cho rằng khủng hoảng toàn cầu là không thể tránh khỏi; nếu xảy ra thì quy mô rất lớn, có thể “lún” rất sâu. Trong khi đó, kinh tế thực đang bị cạnh tranh khốc liệt bởi kinh tế ảo khiến rủi ro rất lớn và khó lường hơn.

Hiện quy mô GDP toàn cầu là 60.000 tỷ USD, nhưng quy mô thị trường tài chính toàn cầu khoảng 360.000 tỷ USD (gấp 6 lần), khoảng cách này đang giãn rộng và không một cơ quan nào trên toàn cầu quản lý nổi.

Rủi ro về tài chính đang hiện rõ khi trong vòng 125 năm qua chỉ số Dow Jones của Mỹ có 8 lần biến động trên 1.000 điểm, nhưng năm 2018 có 5 lần.

Đường cong lãi suất đang đi xuống, tức là lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm thấp hơn lãi suất trái phiếu kỳ hạn 3 tháng. Từ đầu năm tới giờ đã có vài lần xảy ra tình trạng này. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, điều này cho thấy các nhà đầu tư dài hạn rất hoang mang, họ đang tái cấu trúc các khoản đầu tư dài hạn sang ngắn hạn đề phòng biến động thị trường tài chính toàn cầu.

Từ năm 2000 đến nay, tốc độ tăng trưởng của thị trường tài chính phái sinh rất khủng khiếp. Phái sinh lãi suất tăng bình quân 70%/năm, phái sinh tỷ giá tăng trưởng 56%/năm, phái sinh chứng khoán tăng trưởng 70%/năm. Phái sinh là dựa vào chứng khoán cơ sở, dựa vào đòn bẩy tiền tệ… Các nhà quản lý đã tìm mọi cách để giám sát thị trường tài chính phái sinh nhưng không được.

Đến nay, cơ chế giám sát toàn cầu về tài chính không còn, Mỹ cũng đã bỏ lửng vai trò dẫn dắt thị trường tài chính toàn cầu. Nhóm G20 (20 nền kinh tế lớn nhất thế giới) cũng không đủ sức khi trong 4 phiên họp gần đây của G20 cũng không đưa ra được tuyên bố chung nào.

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng không có công cụ và không đủ sức mạnh để dẫn dắt tài chính toàn cầu – dù IMF đã có nghiên cứu và dự báo rằng có thể xảy ra hoảng loạn tài chính. IMF từng có đề án phát hành đồng tiền của IMF – đồng tiền này được tất cả các nước tham chiếu như vàng, nhưng Mỹ và Trung Quốc phản đối. Vì nếu làm vậy đồng USD biến mất khỏi công cụ thanh toán quốc tế. Dự án này đã năm 6 năm trong két sắt của IMF.

Cả G20 và IMF đều không đủ sức, vậy ai có thể cầm trịch tài chính toàn thế giới?

Theo phân tích của chuyên gia Lê Xuân Nghĩa, các quỹ đầu tư quốc gia, đặc biệt của Trung Quốc và Trung cận Đông những năm gần đây làm ăn tốt, dựa vào thị trường phái sinh để đầu cơ, đang lũng đoạn thị trường tài chính toàn cầu. Mỹ đang lo ngại về thị trường tài chính, nếu Trung Quốc tung đòn tái cấu trúc lại tất cả các kỳ hạn các khoản đầu tư vào Mỹ thì đồng USD bị ảnh hưởng ngay. Do đó, cả hai bên mới găng nhau và căng thẳng.

Nước Mỹ đã từng đóng cửa biên giới nhiều lần tới 100% vẫn tồn tại, không ảnh hưởng gì, vì tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú, con người, văn hoá rất mạnh mẽ.

Một giả thiết đặt ra nếu Trung Quốc phá giá nội tệ thì các nước khác cũng sẽ làm theo để tăng khả năng cạnh tranh hàng hoá, nhất là các nước có quan hệ thương mại lớn với Trung Quốc.

Thế giới đang theo dõi sát sao cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khi nó đang có nguy cơ bùng phát chiến tranh tiền tệ, nếu các nước phá giá nội tệ nhằm nâng cao sức cạnh tranh hàng hoá. Điều này xảy ra sẽ rất nguy hiểm, các quốc gia sẽ phải trả giá bằng nhiều hệ luỵ sau đó.

Sự căng thẳng trong thương chiến Mỹ - Trung dựa trên “lý thuyết của Trump”, đó là GDP của Mỹ dựa vào 3 yếu tố: Tiêu dùng nội địa (7% GDP) + Đầu tư công của Chính phủ (12% GDP) + Đầu tư tư nhân (21% GDP) - Thương mại quốc tế (âm 3% GDP).

Cũng theo góc nhìn của chuyên gia trên, điều quan trọng, dân Mỹ sợ tương lai bất ổn nên đã giảm chi tiêu. Để kích cầu bằng cách tăng chi tiêu của Chính phủ cũng không ổn, vì giải pháp này đã thất bại trong quá khứ (thời kỳ Tổng thống Barack Obama). Vì khi Chính phủ bỏ ra 1 đồng chi tiêu thì người dân phải bỏ ra 1,5 đồng để đầu tư ăn theo. Giờ ngược lại, khi khủng hoảng Chính phủ bỏ tiền ra là tư nhân "tháo chạy". Tư nhân thấy Chính phủ đầu tư là sợ, vì họ nhìn thấy bất ổn.

Theo tính toán của nhóm cố vấn kinh tế thời ông Barack Obama khi bỏ ra 1 đồng đầu tư Chính phủ sẽ tạo ra mức lan toả tới 1,54 đồng, nhưng các cố vấn kinh tế của ông Donald Trump lại cho thấy bỏ ra 1 đồng đầu tư Chính phủ chỉ tạo ra lan toả được 0,96 đồng năm đầu tiên, còn 0,76 đồng năm thứ 2 và còn 0,6 đồng năm thứ 3.

Như vậy, phải tập trung vào đầu tư tư nhân. Muốn kích thích đầu tư tư nhân phải giảm thuế thu nhập.

Vấn đề của Mỹ là làm sao giảm thâm hụt thương mại từ âm 3% GDP về 0%?

Trả lời câu hỏi trên, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa nêu góc nhìn: Mục đích của ông Donald Trump là đánh thuế hàng Trung Quốc tới mức tiêu dùng nội địa của Trung Quốc tăng lên 2% (nhất là tiêu dùng hàng Mỹ), để xoá sổ mức âm 3% thâm hụt thương mại của Mỹ.

Về thương chiến với Trung Quốc, Mỹ không lo ngại nhiều, vì tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu mới chỉ chiếm 27% GDP, trong khi Việt Nam tới 200% GDP cho thấy Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào thương mại toàn cầu nên hoảng sợ.

Đối sách nào cho Việt Nam?

Tại hội thảo trên, theo đánh giá của ông Nghĩa, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tỏ ra ngày càng thành thạo và chuyên nghiệp hơn. Việt Nam có thoát được ảnh hưởng khủng hoảng hay không phụ thuộc rất lớn vào Ngân hàng Nhà nước, phụ thuộc rất lớn vào sự ổn định của các ngân hàng thương mại. Nếu để các ngân hàng thương mại bất ổn là nguy.

Theo đó, trong bối cảnh quốc tế như vậy, tình hình tài chính thế giới như vậy, nếu chính sách tiền tệ vững, nếu các định chế tài chính, đặc biệt là các ngân hàng vững thì Việt Nam có thể chống chọi được.

Liệu Việt Nam có thể “lấy nhất biến ứng vạn biến” không? Khuyến nghị đưa ra tại hội thảo, Việt Nam nên lấy tính ổn định làm trọng mới ứng phó được các bất ổn của thế giới. Trên nền tảng ổn định đó mới có nhiều công cụ và lựa chọn lúc cấp bách. Để ổn định, điều quan trọng nhất là phải kiểm soát được tiền cơ sở thì mới kiểm soát được lãi suất.

Làm sao để ổn định các ngân hàng thương mại? Đây là thời điểm vô cùng quan trọng của các ngân hàng, nếu không cẩn thận sẽ “trôi theo dòng đời, mà dòng đời chưa biết sẽ trôi về đâu” - ông Nghĩa ví von.

Cũng theo đánh giá của chuyên gia này, hai năm gần đây các ngân hàng thương mại quay lại thời kỳ tăng trưởng khả quan nhất trong lịch sử ngân hàng, với chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) từ 14-15%, lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) xấp xỉ 1%, nợ xấu dưới 5%. Các ngân hàng Việt đang được xếp hạng ngang hàng các NHTM ở Đông Nam Á.

Do đó, các ngân hàng thương mại nên rà soát lại danh mục cho vay , nhất là các khách hàng lớn nhất về cho vay, đánh giá lại toàn bộ tình trạng cho vay trung hạn, dài hạn để tái cấu trúc và có biện pháp dự phòng ứng phó ngay từ bây giờ. Điều quan trọng nhất là cứu, nếu không cứu được thì bỏ.

Theo Lan Anh

Cùng chuyên mục
XEM