Thuế thu nhập cá nhân đóng 1-2 triệu đồng/năm, sao lại mua được nhà, ô tô?
Đại biểu QH Nguyễn Lân Hiếu cho rằng cần công khai thuế thu nhập cá nhân với các vị trí có khả năng tham nhũng để người dân, cơ quan chức năng giám sát bởi đóng thuế thu nhập cá nhân từ 1-2 triệu đồng/năm làm sao có thể mua được nhà, xe ô tô.
Quốc hội dành cả ngày hôm nay 13-6 để thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi.
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) bày tỏ qua tiếp xúc cử tri, ghi nhận cử tri, nhân dân rất mừng vì sự quyết tâm của Đảng trong phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là với những kết quả đạt được của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương và Uỷ ban Kiểm tra Trung ương. "Cử tri, nhân dân mong muốn phải kiên quyết, kiên định tiêu diệt tham nhũng, phải xử lý nghiêm minh, thu hồi tài sản trong phòng chống tham nhũng"- ĐB Ninh Thuận truyền đạt mong mỏi của cử tri.
Góp ý về tên gọi của luật, ĐB Việt cho hay cử tri, nhân dân có ý kiến sửa tên luật thành Luật Phòng trừ tham nhũng. Nguyên nhân theo ông là bởi: "Tham nhũng cũng như sâu, cỏ đối với cây trồng, đối với sự phát triển. Đối với sâu, cỏ thì phải nói là diệt chứ không nói là chống".
ĐB Nguyễn Bắc Việt cho rằng tham nhũng như sâu như cỏ nên phải diệt chứ không chống - Ảnh: quochoi.vn
Vị ĐB Ninh Thuận cũng góp ý luật nên quy định rõ vai trò của nhân dân trong công tác phòng chống tham nhũng bởi đây là sự nghiệp của toàn dân. Đồng thời, quan tâm đến công tác khen thưởng với người có đóng góp trong phòng chống tham nhũng. "Trong chống Mỹ chúng ta có dũng sĩ diệt Mỹ thì trong công tác này phải có danh hiệu dũng sĩ diệt tham nhũng"- ĐB Việt đề xuất.
Bàn về việc giao cho khu vực tư căn cứ vào kê khai tài sản cho công chức để ban hành kê khai tài sản với người quản lý doanh nghiệp, ĐB Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Cạn) cho rằng quy định này chưa phù hợp. Theo dự thảo, những người này phải kê khai tài sản của vợ hoặc chồng, con chưa thành niên; khi có thu nhập , tài sản tăng thêm trên 300 triệu đồng/năm phải giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập.
"Một bên là công chức, là những người được giao sử dụng quyền lực công, quản lý quyền lực công. Một bên là doanh nhân, nhà kinh doanh ở khu vực tư. Nhưng, dự thảo lại ứng xử với họ như nhau, đều phải kê khai tài sản, giải trình nguồn gốc thu nhập, tài sản tăng thêm. Tôi đề nghị, cơ quan soạn thảo phải đánh giá kỹ tác động của quy định này, nhất là tác động đến chủ trương của Đảng về khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp. Mặt khác, nếu áp dụng quy định này sẽ có 1.800 công ty đại chúng, 128 tổ chức tín dụng ngoài nhà nước thuộc diện điều chỉnh, trong đó có nhiều đơn vị, tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài. Kinh phí nào để thực hiện công tác này hay hạch toán vào doanh thu của doanh nghiệp? Việc xác minh tài sản với vợ, chồng, con của họ đã được pháp luật nước ngoài quy định chưa?"- bà Thuỷ chỉ ra hàng loạt điểm chưa rõ.
ĐB Nguyễn Lân Hiếu đề nghị phải kê khai thuế thu nhập cá nhân - Ảnh: quochoi.vn
ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) góp ý có thêm quy định phải khai thuế thu nhập cá nhân hàng năm với tất cả các vị trí có khả năng tham nhũng. "Nếu biết con số cụ thể này thì người dân cũng như các cơ quan chức năng dễ dàng giám sát, theo dõi. Không có lý do gì mà đóng thuế thu nhập cá nhân từ 1-2 triệu đồng/năm mà người đó vẫn có thể mua được nhà, mua được xe ô tô"- ông Hiếu nói.
ĐB Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho rằng dự thảo luật cần bổ sung quy định đặc thù tương ứng với trách nhiệm, nghĩa vụ của người đứng đầu, cán bộ trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng. Nếu trao cho họ quyền lực lớn mà không có quy định kiểm soát chặt chẽ thì dẫn tới nguy cơ lạm dụng quyền lực.