Thực hư ăn phở, uống trà đá cùng lúc gây ung thư?
Nhiều người lo lắng trước thông tin từ một "bác sỹ mạng" tư vấn ăn phở và uống trà đá cùng lúc sẽ tạo ra các khối u, từ đó phát triển dần thành ung thư.
Gần đây trên nền tảng TikTok lan truyền video về việc vừa ăn phở vừa uống trà đá sẽ khiến cơ thể sinh các mầm bệnh gây ung thư. Rất nhanh chóng, thông tin này gây xôn xao trên các nền tảng mạng xã hội, bởi đây là thói quen ăn uống của không ít người tiêu dùng Việt.
Cụ thể, một người được cho là bác sĩ có tên H.D.T chia sẻ: Cơ thể con người thường bị bệnh là do thói quen ăn uống sai lầm. Đơn cử như thói quen ăn phở uống trà đá. Nhưng hãy làm thí nghiệm, thả cục đá vào tô phở sẽ thấy mỡ bị vón cục lại, để mỡ tan ra thì cần nhiệt độ 48 độ. Trong khi đó cơ thể chúng ta chỉ 37 độ, thì khó có thể khiến mỡ tan ra.
Điều này khiến dạ dày của chúng ta làm việc "ì ạch", ví dụ dạ dày chỉ cần làm 1,5 tiếng - 2 tiếng là tiêu hóa được thức ăn thì nay phải hoạt động tới 3 - 4 tiếng đồng hồ nhưng vẫn chưa tan được hết mỡ đó.
Tuy nhiên khi đi vào cơ thể, thì chúng cũng sẽ được phân hóa thành các vi hạt mỡ, nhưng các vi hạt mỡ này khi tới ruột non, tá tràng đều không hấp thu được, và tiếp tục đi xuống ruột già. Ở ruột già sẽ gặp các vi khuẩn bất lợi sẽ khiến chúng ta bị viêm đại tràng. Và khi tình trạng viêm này lặp đi lặp lại sẽ sinh ra polyp. Trong khi polyp sẽ tạo ra khối u và khối u khi bị nhiễm trùng sẽ gây ra ung thư.
Trả lời vấn đề này trên VnExpress, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định, thông tin trên không có cơ sở khoa học, thiếu chính xác. Với các loại mỡ động vật, khi gặp lạnh thường xảy ra tình trạng vón cục hoặc đông đặc lại, đây là phản ứng hóa sinh bình thường.
Tuy nhiên, việc ăn phở và uống trà đá lại là phạm trù khác, bởi nước phở khi ăn thường khá nóng, trà đá dù lạnh nhưng không tới mức khiến mỡ đông đặc hay vón cục lại. Chưa kể, khi hai loại thực phẩm này vào dạ dày, dưới tác động của nhiệt độ cơ thể sẽ khiến cấu trúc phân tử mỡ bị vỡ ra và hóa lỏng, sau đó chúng tiếp tục trải qua quá trình tiêu hóa. Do vậy, tin đồn ăn phở kèm uống trà đá gây mỡ vón cục, đông đặc dẫn đến viêm nhiễm, ung thư là phản khoa học.
Dù vậy, khi ăn phở bò, mọi người không nên uống trà quá đặc. Trà có chứa nhiều tanin, ức chế hấp thu sắt, trong khi thịt bò chứa khá nhiều sắt, vì thế cần hạn chế hoặc lựa chọn loại nước khác phù hợp hơn.
Mọi người khi ăn bún hay phở nên chọn nước trong, không nên chọn nước béo để giảm được chất béo đưa vào cơ thể. Ăn nhiều chất béo làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý như mỡ máu, rối loạn lipid.
Để bảo vệ đường tiêu hóa, chúng ta nên ăn cân đối 4 nhóm dưỡng chất gồm bột đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất.
Vì sao uống trà, cà phê sau ăn gây giảm hấp thu sắt?
Theo Trung tâm thông tin công nghệ sinh học quốc gia Hoa Kỳ, một số nghiên cứu đã chỉ ra cà phê và các đồ uống có chứa caffein khác có thể làm giảm sự hấp thụ sắt. Ví dụ, việc uống một tách cà phê trong khi ăn một chiếc hamburger có thể làm giảm sự hấp thụ sắt tới 39%. Hay khi bạn uống một tách cà phê hòa tan với ăn một cái bánh mì, ức chế sự hấp thụ sắt tới 60–90%.
Ngoài cà phê, trà cũng được cho là một loại thực phẩm ức chế hấp thu sắt. Nếu uống một tách trà trong bữa ăn sẽ ức chế hấp thu sắt tới 64%. Hơn nữa, loại cà phê hoặc trà càng mạnh, chứa hàm lượng caffeine càng cao thì lượng sắt cơ thể hấp thụ càng ít. Bên cạnh sự ức chế hấp thu sắt khi sử dụng đồng thời thực phẩm có chứa caffeine và sắt, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Uống cà phê thường xuyên cũng có thể ảnh hưởng đến lượng sắt dự trữ trong cơ thể.
Tuy nhiên, tác dụng ức chế hấp thụ sắt của cà phê, trà và caffeine còn phụ thuộc vào thời điểm bạn uống. Ví dụ, uống một giờ trước bữa ăn không làm ảnh hưởng đến sự hấp thụ sắt từ thức ăn.
Làm gì để hạn chế sự ức chế hấp thu sắt?
Mặc dù trà, cà phê nói chung và cafein nói riêng có tác dụng ức chế hấp thu sắt. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy, các loại đồ uống này không dẫn đến tình trạng thiếu sắt ở những người khỏe mạnh.
Song, những người có nguy cơ thiếu sắt không nên uống nhiều cà phê và trà để đảm bảo cơ thể hấp thu sắt hiệu quả thông qua việc bổ sung dinh dưỡng bằng thực phẩm hàng ngày.
Các nhóm người có nguy cơ thiếu sắt bao gồm: Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, những người có chế độ ăn uống hạn chế, thiếu chất dinh dưỡng như người ăn chay và những người mắc một số bệnh lý tiêu hóa như bệnh viêm ruột. Dưới đây là những lời khuyên hiệu ích từ các chuyên gia dành cho đối tượng để hạn chế sự ức chế hấp thu sắt:
- Nếu uống cà phê hoặc trà, hãy uống vào khoảng thời gian giữa các bữa ăn và ít nhất một giờ sau khi ăn;
- Tăng bổ sung thực phẩm chứa sắt heme thông qua thịt, gia cầm hoặc hải sản;
- Bổ sung vitamin C để tăng khả năng hấp thu sắt;
- Sử dụng thực phẩm giàu canxi và các thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt riêng biệt, cách xa thời điểm dùng thực phẩm giàu chất sắt.
Theo pubmed.ncbi.nlm.nih.gov, healthline.com