Cây tía tô có tác dụng gì? Hướng dẫn 11 bài thuốc chữa "bách bệnh" từ lá tía tô

23/11/2023 10:20 AM | Sống

Theo y học cổ truyền, tía tô có vị cay, tính ấm, có thể sử dụng làm thuốc dưới dạng dùng tươi, thuốc sắc, tinh dầu hoặc dạng bột mịn.

Trong y học cổ truyền tía tô có vị cay, tính ấm, vào 3 kinh phế - tâm – tỳ, kích thích ra mồ hôi. Hạt tía tô có hàm lượng tinh dầu lớn, giàu các axit béo chưa bão hòa, chủ yếu là axit alpha-linoleic.

Lá tía tô chứa khoảng 0.2% tinh dầu nguyên chất và các hydrocarbon, aldehyde, ceton, furan,...Ngoài ra, lá tía tô còn chứa nhiều protein thực vật, chất xơ, vitamin A, C cùng nhiều khoáng chất.

Cây tía tô có tác dụng gì?

Cây tía tô có lá màu xanh đậm và gân màu đỏ tía. Nhiều bằng chứng đã cho thấy cây tía tô dường như có khả năng chữa bệnh trong điều trị ngộ độc thực phẩm, cúm và virus đường hô hấp, hen suyễn, tiểu đường và bệnh tim. các đặc tính bảo vệ tim mạch, bảo vệ thần kinh và chống trầm cảm.

Cây tía tô có tác dụng gì? Hướng dẫn 11 bài thuốc chữa "bách bệnh" từ lá tía tô - Ảnh 1.

Cây tía tô có tác dụng chữa bệnh

Hiệu ứng trên hệ hô hấp và đối với coronavirus

Trong một nghiên cứu gần đây, một nhóm chiết xuất thảo mộc đơn lẻ thường được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng cấp tính, bao gồm cả lá tía tô, đã được sàng lọc về hoạt tính kháng vi-rút tiềm năng chống lại SARS-CoV-2, loại vi-rút gây ra COVID-19. Kết quả từ nghiên cứu trong ống nghiệm này chứng minh khả năng của dịch chiết từ lá tía tô trong việc ức chế sự nhân lên của SARS-CoV-2 theo nhiều cách khác nhau.

Tác dụng chống dị ứng

Chiết xuất từ trà lá tía tô và etanol có các hợp chất làm giảm các phản ứng dị ứng. Theo đó, lá tía tô chứa glycoprotein có thể ức chế hoạt động của hyaluronidase và sự phân hủy tế bào mast. Đồng thời, chiết xuất ethanol của lá tía tô cũng có khả năng làm giảm viêm đường thở và tăng tiết liên quan đến bệnh hen suyễn.

Tác dụng hỗ trợ thần kinh

Sa sút trí tuệ là một thuật ngữ chung cho tình trạng mất trí nhớ, ngôn ngữ, khả năng giải quyết vấn đề và các khả năng nhận thức khác gây cản trở cuộc sống hàng ngày. Trong đó, bệnh mất trí nhớ nổi bật nhất là bệnh Alzheimer, được đặc trưng bởi sự hình thành các mảng beta-amyloid trong mô não. Axit béo Omega-3 có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm đáng kể và là nguồn năng lượng cho não bộ, tăng cường chức năng nhận thức có thể được cung cấp từ chiết xuất lá tía tô và hạt của loài thực vật này.

Giảm phiền muộn

Trong các loại thảo mộc tự nhiên được sử dụng để điều trị trầm cảm, cây tía tô cũng là một trong những thành phần quan trọng. Thật vậy, việc hít tinh dầu tía tô có thể làm giảm các triệu chứng căng thẳng và còn mang lại lợi ích chống trầm cảm.

Hiệu ứng trên hệ tim mạch

Tỷ lệ mắc bệnh tim mạch tăng cao khi có rối loạn lipid máu. Theo đó, một chế độ ăn uống có nhiều axit béo không bão hòa, đặc biệt là axit béo omega-3, có liên quan chặt chẽ đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch lâu dài trong đời sống về sau. Và tác dụng này có thể thu nhận khi tiêu thụ một lượng lá tía tô nhất định trong từng ngày.

Hiệu ứng trên hệ tiêu hóa

Khoảng 20% dân số từng gặp phải các triệu chứng khó chịu về đường tiêu hóa, như đau thượng vị hay cảm giác khó chịu ở ổ bụng nói chung, đầy hơi và chậm tiêu. Lúc này, một nghiên cứu thí điểm trên 50 người tham gia khỏe mạnh đang gặp khó chịu ở đường tiêu hóa và táo bón nhẹ đã được sử dụng chiết xuất lá tía tô cho thấy kết quả cải thiện triệu chứng đáng kể so với giả dược.

Ngoài ra, những người bị hội chứng ruột kích thích và bệnh trào ngược dạ dày thực quản cũng có thể thấy giảm bớt khi tiêu thụ chiết xuất lá tía tô hàng ngày.

Cây tía tô có tác dụng gì? Hướng dẫn 11 bài thuốc chữa "bách bệnh" từ lá tía tô - Ảnh 2.

Tía tô có thể dùng tươi, nấu thành nước hoặc xay thành bột mịn

Chống ung thư

Lá tía tô có chứa một lượng lớn luteolin. Thành phần này có bản chất tương tự như một chất chống oxy hóa flavonoid. Ngoài ra, các hợp chất triterpene và axit rosmarinic cũng có nhiều trong tía tô. Những chất này đã được nghiên cứu là có bằng chứng chống lại các tế bào ung thư tiềm ẩn trong cơ thể.

Hơn nữa, việc bôi chiết xuất lá tía tô tại chỗ còn có thể giúp ức chế ung thư da.

Ổn định các bệnh lý tự miễn dịch

Dầu hạt tía tô trong số các loại dầu thực vật khác bao gồm đậu tương, hạt bí ngô...có chứa nhiều axit omega-3 alpha-linolenic, rất hữu ích để kiểm soát các tình trạng tự miễn dịch như viêm khớp dạng thấp, lupus và hen suyễn.

Bài thuốc từ lá tía tô

Đăng tải bài viết trên báo Sức khỏe & Đời sống, BS Vũ Quốc Trung chia sẻ có thể sử dụng cây tía tô làm thuốc, dưới dạng dùng tươi, thuốc sắc, tinh dầu hoặc dạng bột mịn. Cụ thể:

Bài thuốc chữa cảm lạnh: Tô diệp (lá tía tô khô) 8g, trần bì 6g, hương phụ 8g, cam thảo 4g, gừng tươi 2 lát, sắc uống.

Bài thuốc tiêu đờm giảm ho: Tô diệp 15g, gừng khô 3g sắc uống mỗi ngày. Nước sắc đem chia thành 2 lần uống.

Bài thuốc chữa hen suyễn, ho nhiều đờm: Hạt tía tô, hạt cải thìa , hạt củ cải, liều lượng bằng nhau, tán bột, trộn đều. Ngày uống 9g, chia 3 lần

Bài thuốc chữa đau bụng do ngộ độc thực phẩm: Lá tía tô tươi, giã nát, lọc lấy nước uống. Hoặc dùng tô diệp (lá tía tô khô) 10g sắc uống.

Bài thuốc chữa trúng độc"tô tử giải độc thang": Tô diệp 10g, cam thảo 4g, gừng tươi 8g sắc với 600ml nước, còn 200ml. Chia thành 3 phần, uống khi thuốc còn nóng.

Cây tía tô có tác dụng gì? Hướng dẫn 11 bài thuốc chữa "bách bệnh" từ lá tía tô - Ảnh 3.

Bài thuốc chữa đau bụng từ cây tía tô

Bài thuốc chữa dị ứng mẩn ngứa: Lá tía tô tươi, giã nát, xát vào chỗ bị bệnh hoặc dùng nước sắc từ cây tía tô đem rửa bên ngoài.

Bài thuốc chữa thai động bất an: Tô ngạch (cành tía tô) 9g, Tô diệp (lá tía tô) 9g bạch truật 9g, trần bì 6g, phục linh 6g Sắc lấy nước, chia 2-3 lần, uống trong ngày.

Bài thuốc chữa chướng bụng, kiện vị, cầm nôn: Lá tía tô giã lấy nước đem hòa với một ít muối và uống trong 1 lần. Nếu nôn mửa do thai nghén, nên dùng nước sắc từ cành tía tô để uống.

Bài thuốc chữa sưng vú: Lá tía tô 30g đem sắc nước uống, dùng bã đắp lên vú.

Bài thuốc làm đẹp da: Vò nát lá tía tô hòa vào nước tắm

Bài thuốc chữa tiêu chảy, miệng nôn trôn tháo: Lấy lá tô tử cho vào nồi đun, sau đó bỏ bã và nấu đặc thành cao. Đậu đỏ rang vàng, tán bột mịn rồi trộn với thuốc cao tía tô hoàn viên bằng hạt đỗ xanh. Mỗi lần dùng 50 viên, chia 2 lần.

Lưu ý: Nước tía tô tươi nên đun từ 10- 15 phút. Không nên đun sôi quá 15 phút. Vì các tinh dầu trong đó sẽ bị bay hơi, giảm hiệu quả điều trị.

Nước lá tía tô tươi nên sử dụng ngay hoặc bảo quản ngăn mát tủ lạnh uống trong ngày để đảm bảo chất lượng và hương vị.

Đối tượng nào không nên ăn lá tía tô?

Trả lời trên báo Thanh Niên, BS.CKI Lâm Nguyễn Thùy An cho biết, dù tía tô mang nhiều lợi ích nhưng nó cũng có một số tác dụng không mong muốn. Dùng tía tô quá nhiều có thể khiến người mệt mỏi, kém ăn, thở nông, choáng váng, táo bón, tiểu tiện đỏ…

Người đang cảm nóng, ra nhiều mồ hôi cũng không nên dùng, vì lá tía tô có dược tính khiến người dùng ra mồ hôi nhiều, sử dụng kéo dài có thể khiến bệnh thêm trầm trọng.

Đối với phụ nữ mang thai, mặc dù tía tô có tác dụng an thai nhưng nếu dùng nhiều và trong thời gian dài cũng có thể làm tăng huyết áp.

BS.CKI Thùy An lưu ý rằng, tía tô chỉ có tác dụng hỗ trợ, những trường hợp có bệnh lý nặng không nên dùng thay thuốc mà cần được thăm khám và điều trị chuyên khoa.

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM