Thừa thắng xông lên, nhiều doanh nghiệp đặt mục tiêu cao năm 2017
Nhiều doanh nghiệp đã vượt kế hoạch kinh doanh năm 2016, thành công vang dội với lợi nhuận đạt đỉnh từ khi niêm yết và đang tự tin lập kế hoạch kinh doanh cho năm mới.
Gần hết tháng 1/2017, trong khi khá nhiều doanh nghiệp đang tính toán cập nhật hồ sơ để lập báo cáo tài chính thì khá nhiều doanh nghiệp đã nhanh chân tạm tính kết quả kinh doanh 2016 và xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2017.
Tốn giấy mực truyền thông nhất là kế hoạch đầy tham vọng mỗi ngày mở một Bách hoá Xanh năm 2017 của Thế giới di động (MWG). Cùng với kế hoạch này, MWG mong muốn doanh thu của chuỗi tăng khoảng 10 lần lên 2.500 tỷ trong năm 2017.
Kế hoạch thách thức này của MWG khiến nhiều nhà đầu tư và đặc biệt là cổ đông lớn e ngại tính khả thi nhưng dù gì, Thế giới di động đã từng một lần chứng minh vượt qua thử thách cao năm 2016.
Tập đoàn Dabaco Việt Nam, DBC
Ngay những ngày đầu năm 2017, HĐQT Tập đoàn Dabaco đã họp và thông qua kết quả kinh doanh năm 2016 với chỉ tiêu doanh thu đạt 8.900 tỷ đồng, vượt 5% kế hoạch đặt ra, trong khi đó lợi nhuận sau thuế ước đạt 451 tỷ đồng, vượt đến 55% chỉ tiêu lợi nhuận mà ĐHCĐ giao phó.
Kế hoạch năm 2017, Dabaco đặt mục tiêu tổng doanh thu 9.265 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế 370 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 320 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận từ lĩnh vực SXKD chính 260 tỷ đồng và lợi nhuận từ lĩnh vực khác 60 tỷ đồng.
CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau, DCM
Đạm Cà Mau vừa điều chỉnh giảm 13% kế hoạch doanh thu năm 2016, từ 5.845 tỷ đồng xuống 5.092 tỷ đồng, đồng thời điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế giảm từ 683 tỷ đồng xuống còn 653 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế điều chỉnh giảm từ 648 tỷ đồng xuống 620 tỷ đồng, tương ứng mức giảm nhẹ 4% vào những ngày đầu năm 2017.
Kết quả kinh doanh được công bố, 9 tháng đầu năm 2016 Đạm Cà Mau đạt 3.164 tỷ đồng doanh thu, giảm hơn 700 tỷ đồng so với cùng kỳ và mới thực hiện được hơn 54% kế hoạch được giao. Lợi nhuận sau thuế đạt 383 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ.
Đạm Cà Mau cũng đã xây dựng kế hoạch SXKD năm 2016 với chỉ tiêu doanh thu hợp nhất khoảng 5.328 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến khoảng 633 tỷ đồng tăng 13 tỷ đồng so với kế hoạch đã điều chỉnh năm 2016 của doanh nghiệp. Đối với chỉ tiêu sản lượng, dự kiến năm 2017 sản xuất, kinh doanh khoảng 752 nghìn tấn Đạm Cà Mau và kinh doanh khoảng 75 nghìn tấn các loại phân bón khác.
Ngoài ra,HĐQT công ty cũng dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư trong năm 2017 khoảng 540,5 tỷ đồng để mua sắm tài sản, trang thiết bị và xây dựng cơ bản. Nguồn vốn để đầu tư sẽ dùng khoảng 288,6 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, phần còn lại sẽ dùng vốn vay và các nguồn vốn khác.
CTCP Cao su Tây Ninh ( TRC )
Doanh nghiệp ngành cao su đã đón nhận nhiều tin vui thời điểm cuối năm 2016 nhờ giá cao su đột ngột tăng mạnh. Cao su Tây Ninh là doanh nghiệp đầu tiên trong các doanh nghiệp ngành cao su niêm yết trên TTCK đã công bố kết quả kinh doanh 2016 và xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2017.
Theo báo cáo của công ty, năm 2016 giá thành khai thác mủ bình quân khoảng 27,45 triệu đồng/tấn, trong khi giá bán mủ bình quân 30,95 triệu đồng/tấn; giá thu mua mủ bình quân 32,54 triệu đồng/tấn trong khi giá bán mủ thu mua bình quân 32,71 triệu đồng /tháng. Nhờ vậy, năm 2016 Cao su Tây Ninh ước tính đạt trên 401 tỷ đồng tổng doanh thu, tăng hơn 40 tỷ đồng so với năm 2015. LNST ước tính đạt 77,43 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2015 và hơn gấp đôi chỉ tiêu lợi nhuận cả năm mà ĐHCĐ giao phó (hơn 37 tỷ đồng).
Dự kiến năm 2017 giá bán mủ khai thác bình quân 35 triệu đồng/tấn và giá bán mủ thu mua bình quân 36,5 triệu đồng/tháng thì Cao su Tây Ninh sẽ đạt gần 470 tỷ đồng doanh thu. Lợi nhuận trước thuế thu về trên 107,3 tỷ đồng – gấp 3 lần chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra cho năm 2016. Công ty cũng đặt mục tiêu khai thác được 8.800 tấn mủ cao su, lượng cao su chế biến ước đạt 11.800 tấn và tiêu thụ được 10.960 tấn.
Doanh nghiệp ngành thép – công ty SMC vừa có báo cáo, năm 2016 dù chưa hoàn thành mục tiêu doanh thu, tuy nhiên sản lượng tiêu thụ thép đạt trên 1,04 triệu tấn; lợi nhuận sau thuế gấp 6 lần chỉ tiêu được giao. Do vậy, SMC cũng đã lên kế hoạch SXKD năm 2017 với chỉ tiêu doanh thu 10.550 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 80 tỷ đồng và dự kiến tiêu thụ được 1,05 triệu tấn thép các loại.
Thủy điện Cần Đơn ( SJD ) cũng công bố kết quả SXKD năm 2016 với tổng doanh thu trên 357,5 tỷ đồng, thực hiện được 91% so với kế hoạch đề ra, tuy nhiên lợi nhuận trước thuế đạt hơn 166 tỷ đồng, mới hoàn thành khoảng 85% chỉ tiêu lợi nhuận mà ĐHCĐ giao phó (195 tỷ đồng).
Dự kiến năm 2017 sản lượng điện thương phẩm đạt khoảng 390 triệu KWh, trong đó sản lượng của riêng Thủy điện Cần Đơn đạt 292 triệu KWh và Thủy điện Nà Lơi đạt 50triệu KWh. Tổng doanh thu cả năm 2017 dự kiến khoảng trên 385 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ước đạt 182,77 tỷ đồng, giảm 6% so với kế hoạch đặt ra cho năm 2016; LNST ước đạt khoảng 153,8 tỷ đồng; Dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 25%.
CTCP Phú Tài ( PTB )
HĐQT công ty Phú Tài vừa thông qua kết quả SXKD năm 2017 với chỉ tiêu doanh thu hợp nhất ước đạt 3.681 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2015, trong đó doanh thu công ty mẹ ước đạt 3.405 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt khoảng 334 tỷ đồng, vượt 36% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm mà ĐHCĐ giao phó.
Với kết quả đó, năm 2017, Phú Tài dự kiến đặt mục tiêu doanh hợp nhất khoảng 4.662 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 428 tỷ đồng, tăng 28% so với lợi nhuận đạt được năm 2016.
Bia Sài Gòn Phú Thọ ( BSP ) lại bất ngờ điều chỉnh tăng gấp đôi chỉ tiêu lợi nhuận năm 2017 chỉ 10 ngày sau khi HĐQT công bố kế hoạch SXKD năm 2017. Cụ thể, về mục tiêu doanh thu, công ty điều chỉnh tăng từ 683,67 tỷ đồng lên 877,48 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 28%. Trong đó, kế hoạch sản xuất bia lon Sài Gòn cả năm dự kiến tăng mạnh từ 34 triệu lít lên xấp xỉ 45 triệu lít, tương ứng mức tăng 32%. Việc điều chỉnh tăng doanh thu và tăng sản lượng bia lon dẫn đến kế hoạch lợi nhuận thay đổi mạnh, từ dự kiến ban đầu hơn 16,05 tỷ đồng lên 34,43 tỷ đồng tương ứng tăng đến 114% so với kế hoạch ban đầu.
Nhanh chân hơn, Thực phẩm Sao Ta ( FMC ) đã tổ chức xong ĐHCĐ thường niên năm 2017. ĐHCĐ đã thông qua quyết định chia 18% cổ tức bằng tiền cho năm 2016 tính trên vốn điều lệ 300 tỷ đồng, đồng thời tích 3% thưởng cho HĐQT và BKS vì đã hoàn thành kế hoạch và trích 5% trên mức vượt kế hoạch thưởng cho HĐQT và BKS. Bên cạnh đó, ĐHCĐ FMC cũng đã thông qua kế hoạch SXKD năm 2017 với mục tiêu doanh số ước đạt 150 triệu USD, tăng 7,1% so với doanh số thực hiện được năm 2016, lợi nhuận trước thuế tối thiểu 100 tỷ đồng. Cổ tức chi trả 20% bằng tiền hoặc cổ phiếu.
CTCP Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội Kinh Bắc – Hakinvest, HKB
Hakinvest đặt mục tiêu đạt gần 1.935 tỷ đồng doanh thu trong năm 2017, tăng 61% so với kế hoạch đặt ra cho năm 2016 (1.200 tỷ đồng). Hakinvest chưa công bố báo cáo tài chính năm 2016, tuy nhiên kết thúc 9 tháng đầu năm 2016 doanh thu công ty đạt gần 464 tỷ đồng. Về lợi nhuận, năm 2017 Hakinvest đặt mục tiêu lãi sau thuế 52,44 tỷ đồng, xấp xỉ bằng mục tiêu đặt ra trong năm 2016.
Về sản lượng hàng hóa, năm 2017 Hakinvest đặt mục tiêu tiêu thụ 3.200 tấn hạt tiêu, doanh thu mặt hàng này ước đạt 570,88 tỷ đồng. Mặt hàng café dự kiến đạt 17.600 tấn tương ứng doanh thu đưa về khoảng 706,4 tỷ đồng. Mặt hàng chủ lực sắn lát xuất khẩu dự kiến đạt khoảng 65.500 tấn, tương ứng doanh thu khoảng 292 tỷ đồng; còn lại là các mặt hàng quế, hồi, tăm tre…Riêng gạo dự kiến bán 19.110 tấn, thu về khoảng 170,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, rất nhiều những doanh nghiệp khác cũng đã lên kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2017 như Khoáng sản và Vật liệu Lâm Đồng ( LBM ), Vicem Bao bì Bỉm Sơn ( BPC ), May mặc Bình Dương ( BDG )…
Nhìn chung, hầu hết các doanh nghiệp đều đặt mục tiêu sản xuất kinh doanh năm 2017 tăng trưởng hơn so với năm 2016.