Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp: Nên hiểu theo nghĩa rộng
Nếu cứ duy trì tốc độ tăng trưởng số doanh nghiệp (DN) gia nhập thị trường như năm 2016, thì đến năm 2020, liệu Việt Nam có đạt được mục tiêu 1 triệu DN hay không?
Năm 2016: Ấn tượng tốc độ DN gia nhập thị trường
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT), số DN đăng ký thành lập năm 2016 đã lên mức cao kỷ lục từ trước tới nay với 110.000 DN, tăng 16,2% so với năm 2015.
Con số này rõ ràng đã thu hút sự chú ý của giới chuyên gia kinh tế, với nhìn nhận chung là quãng thời gian thăm dò thận trọng của người dân đang qua nhanh. Theo TS. Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng TPHCM, “số người mạnh dạn làm ăn tăng mạnh đang thể hiện niềm tin của DN trong kinh doanh lên cao”.
Và tất nhiên, “có sinh thì phải có diệt”, số DN giải thể, phá sản, ngừng hoạt động năm qua dù vẫn còn cao, nhưng theo ông Hiển thì không có gì bất ngờ. Đó mới là quy luật thị trường, mới là nền kinh tế cạnh tranh, vì khi DN không làm ăn được thì giải thể và tìm kiếm cơ hội khác.
Còn theo TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, tốc độ tăng trưởng số DN mới ra đời lên đến 16,2% rõ ràng là tín hiệu tốt. Tuy nhiên, cũng phải chú ý đến cả những số liệu thống kê khác có liên quan. Ví dụ như tỷ lệ DN có lãi chẳng hạn.
E ngại của vị chuyên gia này xuất phát từ những khảo sát của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho thấy tỷ lệ DN không có lãi vẫn khá cao, lên tới 50%. Tức là bên cạnh chuyện xem xét số lượng DN tăng lên còn phải chăm lo hơn nữa mặt chất lượng của DN; chú ý giảm tỷ lệ DN giải thể, tăng tỷ lệ DN có lãi, tăng tỷ lệ DN đã tạm ngưng hoạt động nay khôi phục lại, hay tỷ lệ DN đăng ký tăng vốn đầu tư.
Bên cạnh đó, cũng cần xem xét đến các tiêu chí đáng chú ý khác như: Số lượng DN lớn, quy mô mỗi DN xét về cả nguồn vốn lẫn lực lượng lao động.
Môi trường kinh doanh thuận lợi hơn là điểm cốt tử thúc đẩy số lượng DN “tân binh” gia nhập thị trường năm 2016 tăng mạnh. Tuy nhiên, bên cạnh những nguyên nhân mà DN có thể cân đo đong đếm được, vẫn có phần đóng góp từ sự lạc quan tinh thần. Mà theo TS. Đinh Thế Hiển, thì “kinh doanh khởi sắc hơn, nhất là dấu hiệu ứng dụng công nghệ, thương mại điện tử vào nông nghiệp ngày một rầm rộ hơn, một phần cũng xuất phát từ niềm tin vào sự khuyến khích của Chính phủ”.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng khẳng định, con số DN mới thành lập tăng trưởng khá cao cho thấy “niềm tin của DN đã được cải thiện. Nghị quyết 35 và Nghị quyết 19 của Chính phủ với các cam kết đã trở nên rõ ràng hơn, thể hiện sự thay đổi lớn trong quan hệ giữa Nhà nước và DN”.
Năm 2016 - cột mốc được chọn là năm quốc gia khởi nghiệp, cũng đã thổi thêm bầu nhiệt huyết cho cộng đồng những người kinh doanh. Và “thông tin sự ra đời trong nay mai của luật dành cho DN vừa và nhỏ cũng làm cho DN yên tâm và phấn chấn hơn”, bà Lan nhấn mạnh.
Cần môi trường thuận lợi hơn nữa để DN giữ ‘phong độ’
Tất nhiên, có một sự thật không thể phủ nhận là số DN ngưng hạt động năm 2016 vẫn còn ở mức khá cao, đến 73.000 DN. Dù có ít hơn năm 2015 (80.000 DN), nhưng con số ấy cũng đủ làm băn khoăn các nhà kinh tế.
Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, số lượng DN từ giã thị trường vẫn còn cao đang chứng tỏ một khía cạnh khác: “xét về tạo điều kiện cho người mới gia nhập thị trường thì ta đang làm tốt, nhưng riêng khoản tháo gỡ khó khăn cho DN hiện tại thì có lẽ chưa được như kỳ vọng”.
Chuyên gia kinh tế này cho rằng, chính quyền các địa phương cần hành động mạnh mẽ hơn nữa: “Lãnh đạo Chính phủ thì lăn lộn rất nhiều, mà ở dưới địa phương không ít nơi vẫn còn ì ạch lắm. Cấp cao cam kết, mà cấp dưới vẫn gây khó cho DN và níu kéo cách quản lý cũ để thuận lợi cho quản lý, thì DN vẫn cứ còn khó khăn”.
Sự quan ngại ấy cộng thêm với các rủi ro từ môi trường quốc tế khiến cảnh báo về việc DN sớm gia nhập thị trường và cũng sớm ra đi không phải là viễn cảnh quá xa vời.
Tại Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển DN, Chính phủ đã đặt mục tiêu tới năm 2020, Việt Nam sẽ có trên 1 triệu DN hoạt động. Với tương quan số lượng DN mới ra đời-số lượng DN đã “chết đi” như hiện nay, liệu kế hoạch ấy có kịp về đích đúng hẹn?
TS. Đinh Thế Hiển tin rằng, điều này tùy thuộc nhiều vào chính sách trong vòng 3 năm tới, đặc biệt là những chính sách tác động đến sự tăng trưởng của ngành dịch vụ.
Nếu chỉ đơn thuần chạy đua theo mục tiêu số lượng thì Việt Nam dư sức có 1 triệu DN. Nhưng, “điều quan trọng là tỷ lệ DN hoạt động ổn định sau thành lập, chứ không quan trọng là lập được bao nhiêu DN. Nếu chỉ có từ 500.000-600.000 DN, và đa số làm ăn có lãi thì vẫn là rất tốt”, ông Hiển nhấn mạnh thêm.
Chia sẻ suy nghĩ này, chuyên gia Phạm Chi Lan cũng khẳng định: “Quan tâm nhiều hơn đến chất lượng DN. Quan trọng là làm sao tạo môi trường kinh doanh tốt để DN bước vào thương trường bền vững. Một triệu hay nửa triệu thì phải là DN có năng suất lao động tốt, cạnh tranh được, có hiệu quả cao”.
Bà Chi Lan cho biết thêm, ở nhiều nước, số lượng DN được tính là tất cả những ai có nộp thuế thông qua hoạt động kinh doanh, trong đó có kinh doanh hộ gia đình và kinh doanh cá thể... Như vậy, với hơn 4 triệu hộ kinh doanh có đăng ký, cộng thêm khoảng 500.000 DN hiện nay, thì Việt Nam có khoảng 4,5 triệu DN/90 triệu dân.
Ngoài ra, nông dân Việt Nam hiện nay cũng có thể được xem như những người kinh doanh, vì không chỉ có tự cấp tự túc, mà đến 70% nông sản làm ra là để cung ứng cho thị trường. Đứng về ý nghĩa này thì nông dân cũng là người kinh doanh.
Vậy thì, “không nên quá nặng hình thức như thế nào mới được xem là DN, mà phải tính về thực chất những người có hoạt động thương trường, có hoạt động kinh doanh”, bà Chi Lan nêu quan điểm.