Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Nếu vi phạm về môi trường phải đóng cửa nhà máy”
“Các doanh nghiệp đầu tư các nhà máy ven biển, các khu công nghiệp ven biển phải chú ý đến việc xả thải. Nếu vi phạm về môi trường phải đóng cửa” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận năm 2016 tổ chức sáng nay (27.8).
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tỉnh có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, là một “Tây Á, Trung Đông” thu nhỏ của Việt Nam. Tuy nhiên, tỉnh lại có lợi thế kết nối giao thông với các vùng lân cận; một cộng đồng dân cư đặc sắc; sản xuất nông nghiệp rất đặc trưng với trồng nho, táo, nuôi dê, cừu…, người dân chăm chỉ làm ăn. Thủ tướng biểu dương Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã vượt qua khó khăn về thời tiết, cơ sở hạ tầng làm nên các mô hình kinh tế trong thời gian qua, đặc biệt là công tác xóa đói giảm nghèo có kết quả khá; việc phát triển KT-XH của tỉnh đã có hướng ra tốt.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, môi trường đầu tư của tỉnh Ninh Thuận vẫn thấp đáng kể so với các tỉnh lân cận như Lâm Đồng, Bình Thuận, Khánh Hoá. Do vậy, tỉnh phải năng động, phải có cam kết cụ thể của địa phương với các nhà đầu tư; phải có khung pháp lý minh bạch, đặt DN vào vị trí trung tâm; đặc biệt phải là “chính quyền đối thoại”, đồng hành cùng DN, nhất là DN khởi nghiệp; không nên tiếp DN, người dân cho có, vài hôm lại quên đi. Tỉnh tiếp tục đổi mới trong quy hoạch, mang tính chất dài hơn, không xé lẻ, xé nhỏ.
Thủ tướng gợi ý Ninh Thuận phát triển nền kinh tế theo hướng “xanh – sạch”, cần thu hút đầu tư vào các mảng nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo. Các DN đầu tư các nhà máy ven biển, các KCN ven biển phải chú ý đến việc xả thải; nếu vi phạm về môi trường phải đóng cửa nhà máy. Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh phải xây dựng đội ngũ cán bộ giỏi, có phẩm chất tốt, từ đó mới giúp DN phát triển, tạo ra nhiều việc làm cho địa phương.
Theo ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 tỉnh Ninh Thuận định hướng phát triển theo mô hình kinh tế “xanh và sạch”, ưu tiên thu hút đầu tư phát triển 6 nhóm ngành kinh tế trụ cột: năng lượng sạch, du lịch, nông lâm thủy sản, sản xuất chế biến, giáo dục đào tạo và kinh doanh bất động sản.
Tại hội nghị này, UBND tỉnh đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Công ty CP tập đoàn Hoa Sen về đầu tư các dự án: Hạ tầng Khu công nghiệp Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận; Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận; Cảng tổng hợp Quốc tế Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận; Nhà máy sản xuất xi măng Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận; Nhà máy Nhiệt điện, năng lượng tái tạo Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận và các Dự án khác bao gồm: Khai thác Khoáng sản; Xây dựng; Vận chuyển; Kho bãi; Du lịch, khách sạn…
Trong đó đáng chú ý là dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận với tổng vốn đăng ký 10,6 tỷ USD. Dự án với công suất 16 triệu tấn/năm đã được bổ sung vào quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn 2020 xét đến 2025. Theo đó, Tập đoàn Hoa Sen dự kiến triển khai Dự án theo 5 giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2031, chia làm nhiều phân kỳ.
Công ty CP tập đoàn Hoa Sen cam kết ứng dụng công nghệ hiện đại, đồng bộ nhằm tối ưu hóa năng lực sản xuất, tiết kiệm nguyên vật liệu và giảm thiểu tối đa tác động đối với môi trường thông qua các biện pháp: xây dựng hệ thống xử lý khí thải, nước thải đồng bộ, hiện đại; ứng dụng công nghệ tái sử dụng các chất thải để phục vụ các hoạt động của dự án và cộng đồng; xây dựng hệ thống hồ điều hòa chứa nước mưa và nước thải sau xử lý để tái sử dụng và tạo cảnh quan sinh học cho khuôn viên dự án; thực hiện cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với hoạt động của các đơn vị được ủy thác xử lý chất thải.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Mô hình dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận