Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: TPP đang gặp khó do hai ứng viên Thổng thống Hoa Kỳ đều không ủng hộ
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho hay, quá trình phê duyệt TPP đang gặp phức tạp từ phía Hoa Kỳ do hai ứng viên Tổng thống sắp tới của quốc gia này đều không ủng hộ TPP.
Báo cáo với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại phiên họp của Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế và kinh tế diễn ra chiều nay 26/8, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho hay, hiện tại, Việt Nam đã tham gia và hoàn tất đàm phán 12 hiệp định thương mại tự do FTA.
Đối với 2 hiệp định chưa được phê duyệt là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP và FTA với Liên minh Châu Âu (EVFTA), Thứ trưởng Khánh dự kiến, sau khi Quốc hội hai bên phê duyệt, đến tháng 1/2018, 2 hiệp định này sẽ chính thức có hiệu lực.
Tuy nhiên, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về hội nhập thương mại cho hay, quá trình phê duyệt ở Hoa Kỳ đang có phần phức tạp khi 2 ứng viên Tổng thống sắp tới đều không ủng hộ TPP.
Cả hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ là ông Donald Trump của Đảng Cộng hòa và bà Hillary Clinton của Đảng Dân chủ đều phản đối TPP.
"Với tư cách đoàn đàm phán, chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ để báo cáo với Chính phủ có phương án phù hợp, đối phó với mọi tình huống", ông Khánh nói.
Còn về EVFTA, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, gần đây, người dân nước Anh bỏ phiếu để muốn rời khỏi EU, Bộ Công Thương đã có báo cáo dự kiến tác động cụ thể tới quan hệ thương mại của Việt Nam với Anh và EU.
"Nhưng chừng nào nước Anh chưa rời khỏi EU thì vẫn còn là thành viên của EU và Hiệp định sẽ không có bất cứ thay đổi nào. Đoàn đàm phán cũng tích cực phối hợp với Uỷ ban Châu Âu để đưa hiệp định đã đàm phán có hiệu lực. Nếu trường hợp Anh rời khởi EU, phải sửa đổi bổ sung điều gì hai bên sẽ ngồi lại với nhau", Thứ trưởng Khánh báo cáo.
Với các FTA đang đàm phán, Thứ trưởng Khánh đề nghị tiếp cận lấy lợi ích quốc gia là mục tiêu cao nhất. Nếu có nhu cầu đàm phán với các nước khác chủ yếu lựa chọn nước có cơ cấu bổ sung với chúng ta.
Cũng tại cuộc họp, đánh giá về tác động của các FTA, Thứ trưởng cho rằng, các FTA Việt Nam ký kết tập trung chủ yếu ở khu vực Châu Á, một số FTA với các nước có nền kinh tế phát triển, Việt Nam đều tận dụng được, đặc biệt đối với Nhật Bản đã chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu, với thị trường Hàn Quốc, chênh lệch xuất khẩu được thu hẹp.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, sau một thời gian triển khai cho thấy, nhiều FTA đem lại lợi ích kinh tế không rõ rệt, thể hiện ở điểm sử dụng ưu đãi từ phía doanh nghiệp Việt Nam.
Theo Thứ trưởng, nguyên nhân là các FTA trước ký kết hầu hết nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa ASEAN và các nước, các đối tác cũng trung lập, cạnh tranh hơn là bổ sung.
Bên cạnh đó, khả năng nắm bắt cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam còn chưa rõ ràng, tập quán làm ăn của doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam cũng chưa tận dụng được hết các ưu đãi.
"Doanh nghiệp xuất khẩu của chúng ta quen bán tại cầu cảng, mua tại cầu cảng. Tức là mua thì người ta mang tới tận cửa, không có nhu cầu tìm kiếm tận nguồn hàng nên không quan tâm nhiều tới việc cắt giảm thuế. Bán thì ở Việt Nam thường bán hàng cho một thương nhân tới tận Việt Nam mua hàng nên câu chuyện nước ngoài giảm thuế cho mình ra sao cũng chưa quan tâm lắm", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Trong khi các doanh nghiệp trong nước còn chưa nắm bắt hết các cơ hội do FTA mang lại, thì khối doanh nghiệp FDI có chuẩn bị và nắm bắt tốt hơn các cơ hội.
"Điều này cũng tạo cơ hội cho người dân của chúng ta, cũng đáng hoan nghênh nhưng cần suy nghĩ về việc kết nối giữa doanh nghiệp FDI và trong nước để tạo sự lan toả. Nếu doanh nghiệp FDI tận dụng được cơ hội thì phải có giải pháp để tạo lan toả, kết nối được với doanh nghiệp Việt Nam, trong đó vai trò kiến tạo của Nhà nước rất quan trọng", ông Khánh nói thêm.
Dù vậy, ông cũng cho rằng, một số doanh nghiệp trong nước cũng bắt đầu có sự thay đổi tích cực. Ví dụ như Vinamilk, Vĩnh Hoàn, TH True milk bắt đầu tìm cách tiến ra nước ngoài, lập công ty ở nước ngoài và mở rộng mạng lưới xuất khẩu.
Tới đây, Nhà nước cần phải khuyến khích việc đưa các doanh nghiệp lớn ra thị trường nước ngoài để tận dụng tốt hơn các ưu đãi.
Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Khánh, khi các FTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng thuế suất dần giảm về 0%, đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng khi có hành vi như bán phá giá, Việt Nam cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật phòng vệ thương mại để bảo vệ nhà sản xuất, doanh nghiệp trong nước...