Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư: "Củ đậu quê tôi bán 5.000 đồng/kg, đi 120km ra Hà Nội giá lên 50.000 đồng/kg"

27/05/2016 15:23 PM | Kinh tế vĩ mô

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư ông Đặng Huy Đông cho hay, giá một cân củ đậu ở quê ông chỉ khoảng 5.000 đồng/kg nhưng khi vận chuyển 120km ra Hà Nội, giá lên 50.000 đồng/kg. Điều này cho thấy giá đã gấp lên 10 lần.

Phát biểu tại họp báo của Văn phòng Chính phủ về Nghị quyết 35 hỗ trợ doanh nghiệp phát triển diễn ra sáng nay, 27/5, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Đặng Huy Đông cho hay, phí giao thông đang gây ảnh hưởng trực tiếp tới từng cân thịt, cân gạo, mớ rau…của bà con từ nông thôn ra thành phố.

Ông Đông nói: “Củ đậu ở quê tôi chỉ 5.000 đồng/kg. Quê cách Hà Nội 120km nên khi ra đến Hà Nội giá 50.000 đồng/kg”. Điều này cho thấy giá đã gấp lên 10 lần.

Theo ông Đông , giá tăng không thuần túy bởi chi phí giao thông nhưng trong đó có giá cước vận chuyển.

Ông Đông cho biết, nguyên lý để cấu thành phí giao thông không chỉ dừng lại ở giá thành công trình, nó còn phụ thuộc vào lưu lượng giao thông tức là số người sử dụng dịch đó, con số này cần phải kiểm tra chính thức.

“Tôi được biết có các camera tự đếm. Người dân, doanh nghiệp, Chính phủ hoàn toàn có thể yêu cầu nhà đầu tư công khai lưu lượng, phí BOT và không có vùng cấm trong vấn đề này.

Vì nó ảnh hưởng tới từng người dân chứ không chỉ doanh nghiệp vận tải. Có DN khẳng định sẽ làm máy đếm xe không dừng tự động. Nhưng chúng ta cũng cần thận trọng với công nghệ, phần mềm này”, Thứ trưởng Đông khẳng định.

Về các khoản đóng cho người lao động, ông Đông lưu ý, đừng quên lợi ích quan trọng nhất của người lao động là có công ăn việc làm.

Nếu mức thu phí cho người lao động đẩy cao lên như thế, đồng nghĩa với việc DN phải chi thêm tiền và có thể họ không đầu tư nữa khiến người lao động mất đi cơ hội việc làm.

Về câu chuyện phí BOT, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đồng tình với ý kiến của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch- Đầu tư cần phải tính hết lưu lượng và tính đủ phí đang thu.

“Nghị quyết 35 giao Bộ Tài chính làm việc này nhưng để được chính xác là rất khó. Trong Nghị quyết có nêu giải pháp Chính phủ điện tử là phải phát triển thu phí không dừng, đếm được chính xác bởi máy đếm thì không gian lận được”, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho hay.

Theo ông Hà khi có số liệu đầy đủ về lượng thu phí được bao nhiêu sẽ ngồi lại làm việc với Bộ Giao thông Vận tải để có đánh giá về hệ thống thu phí không dừng và có đánh giá sớm nhất.

Thu phí không dừng tự động vừa chính xác về lưu lượng vừa là giải phảm giảm chi phí nhân viên phát vé đồng thời đảm bảo ngân sách.

K.L

Cùng chuyên mục
XEM