Thu phí là để đầu tư cho phố cổ Hội An

05/04/2023 16:00 PM | Xã hội

Số tiền thu từ bán vé tham quan đều được sử dụng toàn bộ cho công tác trùng tu, phục vụ khu phố cổ Hội An

Ngày 4-4, tại TP Hội An (tỉnh Quảng Nam), từ quán nước, quán cà phê hay các góc đường trong khu phố cổ, ở đâu cũng bàn tán câu chuyện thành phố lên kế hoạch thu vé đối với người vào khu phố cổ.

Nhiều đề xuất, kiến nghị

Chị Cao Thị Tuyền, kinh doanh đồ lưu niệm trên đường Nguyễn Thái Học, lo lắng nếu buộc tất cả mọi người vào phố cổ phải mua vé, chắc chắn khách đến du lịch sẽ ít hơn, ảnh hưởng đến nguồn thu của các cửa hàng. Trong khi giá thuê mặt bằng tại Hội An rất cao. "Chúng tôi đề nghị chính quyền địa phương tính toán kỹ lưỡng, cần có sự hỗ trợ về tiền mặt bằng cho người kinh doanh trong trường hợp vắng khách, thất thu" - chị Tuyền nêu ý kiến.

Ông Nguyễn Đình Thống, chủ cơ sở buôn bán đồ gốm lưu niệm trên đường Trần Phú, cho hay bản thân ông ủng hộ chủ trương của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, ông lưu ý làm thế nào để cho sinh hoạt của người dân không bị xáo trộn, việc thông thương được tự nhiên, không gò bó. 

"Cần có phương án thu tiền vé du khách thế nào cho hợp lý, để du khách cảm thấy thoải mái khi đưa tiền. Tôi thấy một số nước khác thu phí tham quan từ tiền khách sạn chẳng hạn. Còn việc phân luồng, tạo lối đi du khách riêng, người dân địa phương riêng sẽ mất tính tự nhiên, khi người ta đến du lịch mà cảm thấy bị mất tự nhiên thì không hay" - ông Thống bày tỏ.

Thu phí là để đầu tư cho phố cổ Hội An - Ảnh 1.

Du khách tham qua phố cổ Hội An. Ảnh: TRẦN THƯỜNG

Ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Công ty Image Travel & Events, nhận định nếu nhìn ở câu chuyện quá tải tại các điểm đến và chất lượng dịch vụ đem lại cho du khách thì việc thu phí có thể hợp lý. Bởi trước dịch COVID-19, đã từng có nhiều thời điểm khách du lịch tới Hội An đông đến nỗi chen chúc trên phố. Các điểm tham quan trở nên không còn chỗ để du khách tận hưởng các giá trị. Do vậy, áp dụng một biện pháp liên quan đến chi phí cũng là một cách để bảo vệ điểm đến. 

"Việc cần quan tâm nhất là tiền vé thu được sẽ dùng làm gì? Để cải thiện dòng nước dưới chân chùa Cầu bớt ô nhiễm hay vẫn tiếp tục hô hào du lịch bền vững nhưng cứ để tình trạng ô nhiễm kéo dài nhiều năm không giải quyết? Nếu việc thu phí không đem lại lợi ích lâu dài cho du lịch Hội An, địa phương sẽ phải điều chỉnh khi cần thiết" - ông Nguyễn Ngọc Toản nói.

Nêu quan điểm ủng hộ việc thu phí nhưng cần điều chỉnh mức phí cho phù hợp, ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ, cho rằng phố cổ Hội An là quần thể di tích được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, nên cách hành xử cũng phải xứng tầm, không nên nghĩ "nhà nghèo" thu phí sẽ sợ bị đánh giá. 

Có điều, chỉ nên áp dụng 1 mức phí cho tất cả du khách. Đồng thời, giảm mức phí còn khoảng 50.000 đồng/lượt vé vào tham quan phố cổ, nếu khách đi thêm một số công trình kiến trúc riêng đặc sắc bên trong như chùa Phước Kiến, vào đền Quan Công hay các nhà cổ... sẽ bán vé thêm khoảng 30.000 đồng/lượt. 

"Như vậy, điểm đến vừa có kinh phí để duy tu, bảo dưỡng phố cổ vừa nâng cấp chất lượng dịch vụ, cơ sở hạ tầng công cộng như nhà vệ sinh… Điều này cũng phù hợp trong bối cảnh Hội An mỗi năm đều có nguy cơ ảnh hưởng bởi lũ lụt, cơ sở vật chất của phố cố xuống cấp. Mức phí phù hợp, áp dụng vé chung cho phố cổ và vé riêng cho một số công trình sẽ có lợi cho cả di tích sở hữu chung của điểm đến và nhà cổ thuộc sở hữu tư nhân" - ông Trần Thế Dũng phân tích.

Bảo đảm công bằng

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 4-4, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An, cho rằng dư luận đang có cách hiểu chưa đúng về việc Hội An lên kế hoạch tăng cường công tác quản lý hoạt động bán vé, hướng dẫn tham quan khu phố cổ. Theo ông Sơn, lâu nay, không gian Hội An bị quá tải, khách nước ngoài khi mua vé vào tham quan bị ảnh hưởng rất lớn. 

"Họ nói không công bằng vì có nhiều người vào phố cổ nhưng không phải mua vé. Hơn nữa, lượng khách vào quá đông, họ không được xem đầy đủ các sản phẩm, cảnh quan của phố cổ dù Hội An rất đẹp. Xuất phát cơ sở đó, Hội An muốn xây dựng lại đề án về việc kiểm soát hoạt động bán vé, hướng dẫn tham quan cho đúng quy định của nhà nước. Dư luận cho rằng Hội An làm như vậy để tận thu là không đúng" - ông Sơn khẳng định.

Theo ông Sơn, Hội An đã triển khai bán vé lâu nay, bây giờ phân luồng, tổ chức lại cho hợp lý, tránh tình trạng khách du lịch tham quan, người vào giao dịch, quan hệ làm ăn cũng đi một lối đi, dẫn đến tình trạng xô bồ, không khoa học. "Hướng của thành phố là như vậy mà mới chỉ bàn thôi, chưa có cách làm cụ thể. Nhiều người nói rằng Hội An dựng barie lên để thu vé là không đúng" - ông Sơn nhắc lại.

Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết thêm lộ trình từ đây đến ngày 15-5-2023, thành phố sẽ tập hợp các nội dung để họp, lắng nghe ý kiến của các đơn vị lữ hành. Sau đó sẽ họp với người dân để tạo sự đồng thuận, lắng nghe họ tư vấn thêm vì họ chính là chủ nhân của di sản và sẽ tổ chức họp báo để dư luận được rõ. 

"Hội An bán vé sẽ kết hợp với chuyển đổi số, làm sao cho thật nhẹ nhàng, tập trung vào những đoàn khách đi tham quan thực thụ. Còn người dân hoặc những người vào khu phố cổ buôn bán, quan hệ làm ăn, thăm thân… mình sẽ hết sức linh hoạt. Ví dụ, người dân ở Đà Nẵng chạy vô Hội An uống ly cà phê, ăn tô cao lầu mắc chi thu vé, không phải cứng nhắc như vậy, hiểu như vậy là không đúng!" - ông Sơn giải thích. 

Đầu tư 100% cho phố cổ

Ông Nguyễn Văn Sơn khẳng định tiền bán vé tham quan sẽ đầu tư hết 100% cho khu phố cổ, gồm phục vụ trùng tu, trích lại vé cho người dân, hỗ trợ cho các di tích trong quá trình trùng tu, đầu tư cơ sở hạ tầng, nạo vét lòng sông Hoài, phòng cháy chữa cháy, chi cho việc bảo đảm an ninh trật tự, tổ chức các hoạt động trong khu phố cổ...

"Nếu để xô bồ như hiện nay, lẫn lộn giữa người mua vé với người không mua vé như nhau, đến một lúc nào đó Hội An sẽ mất. Một số trang mạng, báo chí nước ngoài đang nói Hội An là "điểm đến rẻ tiền". Điều này rất nguy hiểm. Di sản Hội An cần được nhìn nhận khách quan, công bằng như những di sản khác" - ông Nguyễn Văn Sơn nói.

Theo TRẦN THƯỜNG - THÁI PHƯƠNG

Cùng chuyên mục
XEM